Giảng viên trẻ gồng mình gánh nỗi lo cơm áo

Giảng viên trẻ gồng mình gánh nỗi lo cơm áo
TPO - Ở lại trường làm giảng viên là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng bước vào cuộc sống giảng viên, hàng loạt khó khăn trải ra trước mắt họ: thu nhập thấp, phải lo chuyện cơm áo gạo tiền...

Khi nhắc đến chuyện thu nhập, nhiều giảng viên tỏ ra ngại không muốn đề cập tới.

“So với bạn bè cùng trang lứa đi làm các công ty ở ngoài, mức lương của mình đúng là quá thấp, và nhiều khi không muốn nhắc tới khi bạn bè hỏi thăm”, Trần Hồng Phong - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TPHCM tâm sự.

“Cùng một xuất phát, nhưng mình không được bằng các bạn, nhiều khi cũng thấy chạnh lòng. Có nhiều người đã phải bỏ ra ngoài làm, vì áp lực từ thực tế cuộc sống, gia đình khi mà tiền lương không đủ nuôi sống họ”, Phong nói thêm.

Lương của giáo viên đã được thêm phụ cấp 25% lương, nhưng thu nhập vẫn không nuôi nổi bản thân họ. Đào Ngọc Minh - Giảng viên Toán ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết:

“Mới đầu ở lại trường, tôi được ký hợp đồng 3 tháng, thực chất đó là một tờ phiếu khoán việc. Sau 3 tháng tôi lại làm đơn xin được ký tiếp hợp đồng.

Cứ như thế, 2 năm làm việc, 8 lần ký hợp đồng 3 tháng với mức lương gần 600.000 đồng, cuộc sống thực sự rất khó khăn. Số tiền ấy chỉ đủ để lo tiền nhà và ít tiền xăng xe đi lại, còn lại thì phải xin chi viện ở nhà”.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều giảng viên trẻ hiện nay.

Nguyễn Ngọc Hà- Giảng viên khoa Mác - Lênin (ĐH Giao thông Vận tải) cho biết: “Mình mới về trường, thời gian một năm đầu còn hợp đồng 5 tháng và làm trợ giảng chưa được lên lớp dạy”.

Tổng thu nhập của Hà gồm cả lương, thưởng, phụ cấp là gần 1,3 triệu đồng. Với số tiền ấy, anh phải chi các khoản phí từ tiền ăn, ở đến các chi phí sinh hoạt khác mà vẫn không đủ, đó là chưa kể tiền nhà (vì hiện tại Hà đang ở nhờ nhà người quen).

“Còn những đồng nghiệp trẻ khác, không biết họ sẽ sống thế nào với mức phí ấy”, Hà băn khoăn.

Nguyễn Văn Trượng - Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Thu nhập anh hiện có chủ yếu là từ các hợp đồng dạy theo tiết học, thường được 25.000 đồng/tiết. Anh về trường được gần 2 năm nhưng vẫn đang trong hợp đồng thử việc, chưa có một mức thu nhập ổn định.

Có bằng thạc sĩ, lương của anh Đào Ngọc Minh cũng chỉ được 1.358.000 đồng, trong khi tiền nhà đã mất 1 triệu đồng, tiền ăn, xăng xe, điện thoại và các khoản khác chưa biết sẽ phải chi thế nào với gần 400.000 đồng còn lại.

Hỗ trợ giảng dạy, được 15.000 đồng/tiết nhưng phải nộp vào quỹ phúc lợi của khoa 10% số tiền đó, dạy ở các hệ ngoài chính quy, thì số tiền phải nộp vào quỹ đó là 5%.

Tổng thu nhập công tác và giảng dạy ở trường của anh cũng chỉ được 2 triệu đồng, chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu cuộc sống hiện tại của một giảng viên trẻ như anh. Để trang trải cho các khoản phí còn lại, anh phải đi dạy ngoài ở các trung tâm, đi gia sư.

“Biết là sẽ ảnh hưởng đến công việc giảng dạy nhưng không làm thế thì không đủ sống. Mình ở ngoại tỉnh còn nhiều việc phải lo, không thể xin mãi trợ cấp từ gia đình được. Không thể làm khoa học với cái bụng đói, cuộc sống buộc mình phải lăn lộn, phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền, phải bỏ thời gian nghiên cứu.

Những giảng viên cùng trang lứa với mình cũng chung một tình trạng ấy, phải bỏ thời gian tâm huyết để lo cuộc sống cũng là lẽ thường, bởi có còn tâm huyết không khi đầu óc bị phân tán bởi những điều khác trong khi làm khoa học thì phải tập trung”, Minh chia sẻ.

Một ngày của Minh bắt đầu bằng những công việc thường nhật ở khoa Toán, lên giảng đường dạy, chiều tối lại chạy tới trung tâm gia sư, luyện thi để có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống.

Đã có lời đề nghị mời ra làm ngoài nhưng Nguyễn Văn Trượng không làm. Đường xa và bụi mịt mù, anh Trượng vẫn miệt mài một tuần hai buổi sang Hà Tây dạy ở lớp luyện thi buổi tối.

“Mình thích công việc giảng dạy, vì mình hợp với nó và xác định đó là nghiệp của mình. Nhưng hiện tại chưa ổn định, nghề chưa nuôi sống mình thì mình phải dạy ngoài”.

Làm giảng viên nhưng cuộc sống của anh Trượng cũng không khác nhiều so với thời sinh viên, dù đã ra trường và công tác ở trường hơn 2 năm và có một gia đình nhỏ. Hiện tại gia đình anh Trượng sống trong một phòng trọ (giá thuê 300.000 đồng/tháng).

“Thu nhập thêm nhờ dạy ngoài cũng chẳng đáng là bao, mình cũng phải chắt chiu để lo cho vợ con của mình, phải tính trong từng khoản nhỏ một, và chọn thuê nhà ở khu gần trường giá rẻ hơn”.

Từng mất 5 năm nghiên cứu sinh ở Bỉ về, tổng thu nhập khi giảng dạy ở trường của TS Bùi Việt Khôi- Giảng viên môn điện tử tin học Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ hơn 3 triệu đồng.

“Mức thu nhập ấy so với bạn bè của mình ở các công ty ngoài chỉ bằng một nửa và nếu chỉ sống bằng lương thì sẽ rất khó khăn. Như ở Bỉ, Hàn Quốc, Nhật, lương giảng viên được trả cao hơn so với mức lương của mặt bằng chung trong xã hội, bên cạnh đó họ có nguồn thu lớn từ việc nghiên cứu làm các đề tài khoa học.

Còn ở nước ta, so với 10 năm trước tôi ở trường đi, cuộc sống của giảng viên đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn là thấp. Tôi may mắn khi về nước được làm một đề tài khoa học trường liên kết hợp tác với Bỉ, nên cũng có thêm một khoản thu nhất định được hỗ trợ”, TS Khôi chia sẻ.

Thời gian này anh còn tập trung nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng “nếu có thời gian rảnh, tôi nghĩ không riêng gì tôi mà nhiều giảng viên sẽ đi làm thêm ngoài  như tư vấn, giám sát, thiết kế... phù hợp với chuyên môn của họ để nâng cao mức thu nhập và cách tốt nhất làm tăng thu nhập là tham gia các đề tài khoa học”, TS Khôi cho biết.

Theo anh, nâng cao thu nhập từ các đề tài là xu hướng chung của giảng viên trên thế giới, nên chăng cần tăng kinh phí nghiên cứu khoa học cho giảng viên? Hiện tại kinh phí cho một đề tài khoa học cấp Bộ còn hạn hẹp (tổng chi phí 30 triệu đồng /đề tài làm trong 1,5- 2 năm).

Thu nhập cho giảng viên trẻ, bài toán khó giải

Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 600 giảng viên trẻ, chiếm 1/3 tổng số giảng viên toàn trường, và hơn một nửa trong số đó có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Lương của giảng viên đa phần thấp, từ 1,3 - 2 triệu đồng/tháng.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Diệu Vân - Trưởng phòng công tác chính trị của trường cho biết. “Lương của giảng viên mới ra trường theo hệ số 2,34, đến bậc Tiến sĩ hệ số lương cũng chỉ 3,0, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Mức lương đó để trang trải cho cuộc sống là rất khó khăn”.

Dược sỹ - Tiến sỹ Thái Nguyễn Hùng Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ: “Theo Nghị định 43, ngoài lương ra giảng viên trẻ còn được một khoản trợ cấp 70% lương. Ngoài ra trường cũng tạo điều kiện để giảng viên trẻ có thể tăng thu nhập bằng cách tăng số giờ dạy ở các lớp trung cấp. Nhưng dù có tăng thêm thì thu nhập của giảng viên cũng không thể bằng những người làm ngoài”.

Nghiên cứu khoa học là một trong những cách để cải thiện thu nhập, nhưng theo TS Hùng Thu thì rào cản với giảng viên trẻ là ít khi nhận được đề tài lớn, có nhiều kinh phí, nếu chỉ nhận những đề tài quy mô nhỏ có khi còn phải bù lỗ.

Với mức thu nhập “khó sống”, giảng viên trẻ làm thêm ở ngoài gần như trở thành tất yếu. TS Hùng Thu cho hay: “Cán bộ trẻ trường ĐH Dược có nhiều cách mưu sinh đa dạng, có người thì làm bán thời gian cho các hãng dược phẩm, đó là một hình thức để tăng kiến thức và thu nhập cho họ. Về nguyên tắc họ không được làm, nhưng chúng tôi rất khó quản lý, nếu phát hiện thì cũng chỉ nhắc nhở”.

Còn theo cô Diệu Vân: “Chúng tôi rất thông cảm với cán bộ trẻ, với mức thu nhập ấy, họ không thể đủ sống, chuyện đi làm ngoài, nhà trường cũng không quản lý được, cũng một vài trường hợp nhà trường biết nhưng chỉ nhắc nhở thôi, không kỷ luật bao giờ”.

Vướng mắc lớn nhất để giải bài toán thu nhập cho giảng viên trẻ chính là cơ chế. Lương của giảng viên hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của Nhà nước.

Theo TS Hùng Thu, cách tốt nhất để những giảng viên trẻ yên tâm cống hiến đó là phải tăng thu nhập bằng cách xã hội hóa giáo dục. “Xã hội có nhu cầu thì nên mở nhiều loại hình đào tạo, vừa thu được kinh phí vừa có điều kiện cho giảng viên trẻ rèn luyện được nghề”, TS Hùng Thu nói.

Phương án tăng học phí cũng được tính đến, nhưng khó khăn lại đặt ra khi gánh nặng cho xã hội quá lớn.

“Để có thể theo đuổi được nghiệp giáo viên, quan trọng nhất vẫn là lòng yêu nghề. Được đứng trên bục giảng là một niềm tự hào lớn lao, điều đó đáng để những giảng viên trẻ vượt qua những  khó khăn trước mắt”, đó là những lời tâm huyết của cô Diệu Vân, người đã có hàng chục năm đứng trên bục giảng.

MỚI - NÓNG