Giáo dục chất lượng cao: Phố núi cạnh tranh với miền xuôi

Giáo dục chất lượng cao: Phố núi cạnh tranh với miền xuôi
TP - Nhận thấy nhiều bậc cha mẹ không ngại vất vả tốn kém để cho con em đi học ngoại tỉnh, lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk đẩy mạnh chủ trương “xã hội hóa giáo dục” cổ vũ việc nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Cứ hè về là phố núi lại giăng đầy áp phích và tờ rơi chiêu sinh từ các trường tư thục, trường quốc tế tại TPHCM. Ước tính số học sinh thuộc những gia đình khá giả tại Đăk Lăk ra ngoại tỉnh ăn học lên tới vài nghìn, kéo theo nhiều khoản tiền trôi về đồng bằng mỗi năm không dưới hàng trăm tỷ.

Đông nhất là số trẻ học ba cấp phổ thông tại các trường nội trú có nhiều giờ học tiếng Anh, chế độ chăm nuôi chu đáo và quản lý học sinh chặt chẽ, các khoản tiền phải nộp mỗi tháng từ vài triệu đồng đến hàng nghìn USD.

Trên mỗi chuyến bay và hàng chục chuyến xe chất lượng cao xuôi ngược giữa Buôn Ma Thuột - TPHCM ngày nào cũng có phụ huynh đi thăm nuôi con em, tự hào kể chuyện con cái học ở những trường chất lượng cao, nói tiếng Anh như gió.

Những gia đình giàu có ngán cảnh phiền hà thuê khách sạn cuối tuần, lên luôn kế hoạch mua nhà, chia lực lượng người trên núi kiếm tiền kẻ dưới xuôi chăm con.

Rút ngắn chênh lệch

Ra đời đầu tiên trong hệ dân lập, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn quá tải mỗi kỳ tuyển sinh.

Tương tự, hiệu trưởng các trường mầm non, trường phổ thông đạt và vượt chuẩn quốc gia vài tháng trước khi khai giảng năm học mới thường tránh mặt người quen vì sợ bị gửi gắm.

Sự phát triển mạnh lên dần của chuỗi trường tư tất yếu trở thành đối trọng, thúc đẩy mảng trường công lập tự nâng cấp. Những trường danh tiếng có nhiều thủ khoa, học sinh đoạt giải học sinh giỏi toàn quốc, từng được nhận Huân chương Lao động như THPT Chuyên Nguyễn Du, THCS Phan Chu Trinh không ngừng củng cố vị thế, học sinh nào được gắn tên trường lên ngực áo cũng thấy tự hào.

Mới đây, Cty TNHH Yến Ngân khánh thành trường Mầm non tư thục Quốc tế IKS. Trong không gian và kiến trúc thoáng đẹp, phương pháp giáo dục hiện đại với cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, lần đầu tiên trên Tây Nguyên, có một trường mầm non thu phí 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản đóng góp khác, mà phụ huynh vẫn tấp nập xếp hàng ghi danh.

Hàng loạt dự án trường chất lượng cao khác cũng đang chờ tỉnh cấp đất hoặc chuẩn bị khởi công, như Nguyễn Khuyến của Cty TNHH Hoàng Việt, I.School của Nguyễn Hoàng Group, Trường Tiểu học Việt Anh chi nhánh của trường mẹ ở Bình Dương, Đông Du chi nhánh của trường mẹ ở TPHCM...

Tháng 9/2009, Sở Giáo dục & Đào tạo Tỉnh Đăk Lăk dự kiến tổ chức lễ công bố hoàn thành kết nối mạng Internet đến 862 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, trở thành một trong bốn đơn vị của cả nước đi đầu về nội dung này, cùng Điện Biên, Cà Mau và TPHCM.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Ngọc Sơn cho biết: “Tiến độ phủ sóng Internet trong ngành giáo dục Đăk Lăk tranh thủ được sự hỗ trợ đặc biệt cho vùng khó khăn của cả Viettel và VNPT. Nhờ đó, vùng chưa có điện vẫn nối mạng tốt”.

Việc đầu tư mạnh cho giáo dục tại Đăk Lăk minh chứng chất lượng sống của nhân dân sở tại đang ngày càng tiến gần với miền xuôi.

MỚI - NÓNG