Giáo dục đại học Hoa Kỳ: Nhìn từ Đại học Arizona

Giáo dục đại học Hoa Kỳ: Nhìn từ Đại học Arizona
Trường Đại học Arizona, nằm ở thành phố Tucson, thuộc tiểu bang Arizona, phía Tây nam Hoa Kỳ. Đây là trường đại học công, là trung tâm đại học thuộc loại có uy tín ở Hoa Kỳ.
Giáo dục đại học Hoa Kỳ: Nhìn từ Đại học Arizona ảnh 1
Một góc trường Đại học Arizona.

Đại học Arizona được tổ chức theo mô hình đại học đa ngành, với các trường thành viên (College hay School), một số bộ môn độc lập (Department).

Trường có nhiều cơ sở nghiên cứu và đạo tạo hay triển khai sản xuất, như bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng triển lãm, sân vận động, nhà thi đấu, một số tổ hợp sản xuất hay nhà máy, trang trại chăn nuôi hay trồng trọt trực thuộc hoặc liên kết.

Nếu không kể trường dự bị đại học (là thành viên lớn nhất với khoảng 7.450 học viên); thì trường còn có nhiều trường thành viên lớn, mỗi trường khoảng 1.000 - 6.000 sinh viên.

Đội ngũ giáo sư là nhiều chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực khoa học. Nhiều giáo sư và nghiên cứu viên cao cấp của trường đã nhận được các giải thưởng khoa học có uy tín của Hoa Kỳ và quốc tế, như giải Nobel, giải Pulizer, giải MacAthur, giải Vetlesen, giải Thuỷ động học quốc tế (International Hydrology Prize)...

Hiện có khoảng 15 trong số giáo sư của trường Arizona là thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ.

Năm học 2004-2005, nguồn kinh phí huy động cho đào tạo và nghiên cứu của nhà trường là nhiều tỉ USD. Do là trường công nên 50-60% trong tổng kinh phí đó, Đại học Arizona nhận được từ nguồn kinh phí của liên bang.

Số kinh phí còn lại do nhà trường huy động từ các hợp đồng đào tạo và nghiên cứu sản xuất. Dường như, guồng máy hoạt động của nhà trường vận hành như tính chất của một tổng công ty lớn.

Đào tạo sau đại học

Theo bảng xếp hạng quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Arizona nằm trong nhóm 10 trường đứng đầu của Mỹ về việc kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu cho sinh viên bậc sau đại học.

Tỉ lệ giữa sinh viên và giáo sư ở trường Đại học Arizona là trung bình cứ 19 sinh viên có 1 giáo sư. Chương trình giảng dạy của Đại học Arizona có 327 chuyên ngành khác nhau.

Muốn thi vào bậc đại học của Hoa Kỳ nói chung, thì yêu cầu đầu tiên là thí sinh phải có bằng tú tài. Thông thường, bằng tú tài Việt Nam cũng được các trường Đại học Hoa Kỳ công nhận. Muốn vào đại học Hoa Kỳ, thí sinh phải qua được thi tuyển đại học hệ SAT (Scholartic Aptitude Test).

Có thể hiểu là, hệ thống câu hỏi đánh giá năng lực học vấn bậc cao. Còn khi vào hệ sau đại học Hoa Kỳ, thường chung cho cả thạc sĩ và tiến sĩ, đầu tiên thí sinh phải thi qua chuẩn GRE (Graduate Record Exam). Tạm dịch là chuẩn thi điều kiện sau đại học. Nhìn chung, đây là chuẩn khó cho thí sinh ngoại quốc.

Phương thức và số lượng học viên sau đại học, mà một giáo sư Hoa Kỳ có thể hướng dẫn cũng là một vấn đề rất lý thú và nhiều khi ngược hẳn, so với ở đại học ở nước ta.

Nhìn chung, những chuyên gia và giáo sư giỏi thường chủ trì nhiều dự án và đề tài nghiên cứu khoa học, nên có nhiều nguồn kinh phí và hiển nhiên cần nhiều cộng tác viên và học viên sau đại học. Những học viên này sẽ thực hiện từng nội dung đề tài nghiên cứu, qua đó hình thành các luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ của mình.

Rõ ràng là, công việc làm luận văn của mỗi học viên đã được thể chế hoá, nghĩa là thực hiện một phần của đề tài nghiên cứu, nên phải có kinh phí. Vì thế, muốn hướng dẫn học viên sau đại học thì giáo sư trước hết cần có nguồn kinh phí, không những đảm bảo cho công việc nghiên cứu mà còn cho  nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của học viên. Nghĩa là, giáo sư phải "nuôi" học viên sau đại học của mình.

Có vẻ ở trường đại học Việt Nam hiện nay, cơ chế thường ngược lại. Vấn đề mấu chốt có thể là, đề tài hướng dẫn luận văn sau đại học phải bắt nguồn từ yêu cầu sản xuất và đời sống thực tế, có "đơn đặt hàng" và có địa chỉ sử dụng cụ thể. Giáo sư đại học vì vậy, có lẽ trước hết phải là một nhà nghiên cứu thực tế.

PGS.TS Vũ Quang Mạnh
Theo Lao Động

MỚI - NÓNG