Giáo dục Đại học Trung Quốc: Phong phú và tự chủ

Giáo dục Đại học Trung Quốc: Phong phú và tự chủ
Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, mấy năm gần đây do có nhiều chính sách trong cải cách chất lượng giáo dục, số lượng lưu học sinh nước ngoài đến Trung Quốc học tập không ngừng gia tăng.
Giáo dục Đại học Trung Quốc: Phong phú và tự chủ ảnh 1
Nhóm sinh viên đi du học ở Trung Quốc do Cty Tiền Phong tổ chức trước lúc lên đường                 Ảnh: Hồng Vĩnh

Số môn thi đại học: Tránh học lệch

Số môn thi đại học của Trung Quốc được khái quát ở dạng 3+ X(3: Gồm 3 môn bắt buộc Toán, Ngoại ngữ, Văn; X: căn cứ vào tình hình của từng địa phương, X có thể linh hoạt lựa chọn).

Tuy số lượng môn thi quy định của các tỉnh là không giống nhau, nhưng đại đa số môn thi của các địa phưng bao gồm: Nhóm ngành Tự nhiên: Toán, Văn, Ngoại ngữ ( chủ yếu là tiếng Anh) + môn tổng hợp dành cho khối tự nhiên (gồm 3 phần:Vật lí, Hóa học, Sinh học); nhóm ngành Xã hội: Toán, Văn, Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh)+ môn tổng hợp dành cho khối xã hội (gồm 3 phần: lịch sử, địa lý, chính trị).

Những thí sinh đăng kí chuyên ngành là ngoại ngữ sẽ phải thi thêm môn nghe. Như vậy để bước vào cổng trường của đại học Trung Quốc, mỗi thí sinh sẽ phải ôn thi 6 môn. Gánh nặng đè lên vai họ không nói cũng có thể tưởng tượng được.

Bình thường trong trường học, thang điểm chấm của TQ là 100, nhưng thi đại học có sự thay đổi: Toán, Ngoại ngữ, Văn điểm tối đa của mỗi môn là 150, môn tổng hợp điểm tốt đa là 300 (dành cho 3 môn, trung bình mỗi môn 100 điểm). Như vậy tổng điểm tối đa của 1 thí sinh thi 6 môn sẽ là 750 điểm.

Cũng do đặc điểm số môn thi đại học là 6 môn nên sinh viên Trung Quốc cũng tránh được tình trạng học quá lệch, thí sinh hoc ngành tự nhiên vẫn phải thi Văn và Tiếng Anh, các thí sinh thi khoa Văn, Sử đều vẫn phải thi Toán, Tiếng Anh. Điều đó càng thấy rõ hơn khi bạn hỏi các sinh viên học khối tự nhiên TQ về kiến thức văn học, lịch sử, một điều đáng phục là họ rất am hiểu nền văn học, lịch sử của đất nước mình.

Tự chủ chiêu sinh

Ngoài việc tuyển sinh theo truyền thống, từ năm 2003 BGD Trung Quốc đã thực hiện chính sách tự giao quyền chủ động tuyển sinh cho một số trường đại học (Tự chủ chiêu sinh). Mỗi trường đại học sẽ có một chỉ tiêu nhất định để trường thực thi tự chủ chiêu sinh.

Chính sách này đã được áp dụng ở các trường đại học nổi tiếng nhất trên thế giới, từ thực tế đã được chứng minh cho thấy trường lựa chọn nhân tài bằng con đường tự chủ chiêu sinh có thể lựa chọn và bồi dưỡng được rất nhiều nhân tài cho một quốc gia.

Tự chủ chiêu sinh có thể hiểu một cách đơn giản là các trường đại học dành thêm cơ hội cho những thí sinh học giỏi, có năng lực (đạt giải cao trong các kì thi quốc gia, đạt giải nhiều môn thi học sinh giỏi của tỉnh hoặc có những năng khiếu đặc biệt khác) nhưng vì một lí do nào đó không phát huy được hết khả năng vốn có của mình trong kì thi đại học.

So với năm 2003, chế độ tự chủ chiêu sinh của các trường ở TQ đã "thoáng" hơn rất nhiều. Điều kiện đầu tiên để thí sinh được dự kì thi tự chủ tuyển sinh của trường là trường mà thí sinh tham gia tự chủ chiêu sinh sẽ phải trùng với nguyện vọng mà thí sinh đã đăng kí trước khi thi, và một điều quan trọng nữa là thí sinh tự tin vào năng lực của bản thân mình, có khả năng vượt qua kì thi này.

Năm 2004, Trung Quốc có 28 trường ĐH được BGD giao quyền tự chủ chiêu sinh. Đây là một hình thức tuyển sinh rất mới, được sự ủng hộ rất lớn của thí sinh và gia đình bởi nó sẽ bù lại những đáng tiếc mà thí sinh chưa phát huy được trong kì thi đại học. Nội dung kì thi tự chủ chiêu sinh của các trường là không giống nhau, như Đại học Bắc Kinh sẽ thi viết và thi vấn đáp.

Thi vấn đáp sẽ do nhóm chuyên gia của ĐH Bắc Kinh chấm điểm, các chuyên gia sẽ căn cứ vào phần tự giới thiệu, trả lời câu hỏi của thí sinh để phán đoán tiềm năng học tập và tố chất tổng hợp của từng thí sinh để lựa chọn. Đề thi viết cũng sẽ được ra một cách đặc biệt, mục đích chính là để phát hiện những nhân tài có năng khiếu thực sự.

Thu hút nhiều LHS nước ngoài đến Trung Quốc học tập

Theo thống kê của Quỹ Học bổng quốc gia Trung Quốc, trong năm học 2004 tổng số có 110.844 LHS đến từ 178 quốc gia trên thế giới học tập tại 420 trường đại học ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó LHS công phí (do Chính phủ TQ cấp học bổng là 6.715 người chiếm 6,06%), LHS tự phí là 104.129 người chiếm 93,94%. Việt Nam có 4.382 người, đứng thứ tư trong số các nước có LHS đến học tại TQ.

Ngoài ra, theo quy định của Quỹ Học bổng quốc gia Trung Quốc, hàng năm Chính phủ TQ đều trích 50 suất học bổng ưu tú cho LHS nước ngoài có thành tích học tập xuất sắc. Học bổng này được cấp cho LHS đã tốt nghiệp đại học hoặc cao học ở một trường đại học của TQ.

Điều kiện để LHS có thể nhận được loại học bổng này là phải đạt điểm trung bình toàn khóa học từ 85 điểm trở lên và được nhà trường tiếp nhận chuyển học bậc học cao hơn, như thạc sỹ hoặc tiến sỹ.

Vì vậy đây cũng là một trong những chính sách thu hút được nhiều LHS nước ngoài đến các trường đại học ở TQ học tập. Thêm nữa, chi phí cho một khóa học ở Trung Quốc cũng không cao, học phí rẻ, mức chi tiêu phù hợp.

Ngay từ buổi đầu tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, ông Đặng Tiểu Bình đã nêu lên tầm quan trọng của giáo dục đối với một quốc gia. Ông nói: “Trung Quốc muốn đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới thì phải đầu tư khoa học và giáo dục…”. Trung Quốc là một nước có nền văn hóa lâu đời, công cuộc cải cách mở cửa đã thu hút được nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời cũng với những tiến bộ vượt bậc về kinh tế đã khiến cho Chính phủ TQ ngày càng coi trọng thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển. 

MỚI - NÓNG