Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh: Vẫn nặng tính lý thuyết, hàn lâm

Vụ 3 nữ sinh bị đánh ở Kiên Giang
Vụ 3 nữ sinh bị đánh ở Kiên Giang
TP - Học sinh được học đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật từ lớp 1 đến lớp 12 đối với chương trình hiện hành. Thế nhưng, nội dung vẫn nặng tính lý thuyết, hàn lâm, nên không “thấm” sâu vào được học sinh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng ông Nhữ Mạnh Phong cho biết, sự việc nhóm học sinh đánh bạn vừa qua là rất đáng tiếc và đau lòng. Khi được hỏi về chương trình giáo dục đạo đức, dạy kỹ năng cũng như giáo dục các giá trị yêu thương, nhân văn cho học sinh, ông Phong nói, đầu mỗi năm học, trường đưa ra bảng nội quy quy định rất rõ các điều học sinh không được làm. Ví dụ như: học sinh cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, không được xúc phạm, xâm phạm thân thể, không sơn móng tay móng chân hay nhuộm tóc… Bảng nội quy này được phát cho từng giáo viên chủ nhiệm, phụ trách Đội…

Cũng theo ông Phong, riêng phòng chống bạo lực học đường, trường có kế hoạch riêng, các văn bản quy định của Phòng, Sở đều được đọc cho học sinh nghe dưới cờ hàng tuần. Trước giờ chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần, ban giám hiệu thường họp với tất cả giáo viên để nắm tình hình tuần qua và triển khai kế hoạch tuần tới. Trong đó, có vấn đề phát sinh giáo viên sẽ báo cáo. Tuy nhiên, ông Phong cũng nói thêm, cách triển khai thường xuyên như vậy nhưng có những học sinh cũng không ngấm nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa rồi.

Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, riêng về phòng chống bạo lực học đường Bộ đã ban hành nhiều văn bản, Thông tư để các địa phương, các trường thực hiện. Trong đó, đặc biệt có Thông tư 31 quy định về hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường, yêu cầu mỗi trường phải thành lập 1 tổ tư vấn này với sự tham gia của nhiều thầy cô giáo. Giáo viên được tập huấn để phát hiện sớm các dấu hiệu tâm lý bất thường của học sinh và có hình thức xử lý. Trên thực tế, sau khi ban hành thông tư, có trường triển khai ngay, có trường chưa thực hiện. “Ví dụ như trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên), khi sự việc xảy ra, đoàn công tác của Bộ về làm việc mới thấy, ban giám hiệu mới nắm việc này chứ chưa có quyết định thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường”, ông Linh nói. 

Chương trình  giáo dục đạo đức nặng hàn lâm

Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, khi nghiên cứu chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường, ông thấy một trong những hạn chế lớn nhất là chương trình hiện nay hình thức, nặng tính hàn lâm mà không chú trọng thực hành xã hội. Môn giáo dục công dân có nhiều bài học lý thuyết, giáo viên cứ ra rả nói mà không đi sâu vào quan hệ con người với con người cụ thể như, quan hệ mẹ và con, cha và con, ông bà và cháu chắt như thế nào, tình cảm ra sao. Khi được dạy các giá trị tình cảm và các mối quan hệ, trẻ sẽ hiểu được giá trị của cộng đồng mang lại, từ đó các em sẽ có ứng xử phù hợp thay vì các hoạt động hô hào, hình thức như hiện nay. 

Trong khi vấn đề quan trọng để giáo dục đạo đức con người đó chính là chạm được vào cảm xúc, điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức học sinh rất nhanh chóng. 

 Đánh giá về vấn đề bạo lực học đường trong thời gian qua, nhất là sự việc xảy ra với học sinh N.T.H.Y, lớp 9A, trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng đáng lẽ những chuyện này không được xảy ra trông trường học. Vì khẩu hiệu của các trường là trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. “Nên tôi không thể tưởng tượng được trong nhà trường sao lại xảy ra những vụ việc như vậy” - PGS Nhĩ nói.

PGS Nhĩ cho rằng giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay có phần lơi lỏng, không tạo điều kiện để học sinh được thân thiện với nhau. Những hạn chế trong giáo dục đạo đức học sinh đã quá rõ ràng. Vấn đề bây giờ là ngăn chặn những việc đó không xảy ra nữa. Việc xảy ra tại Hưng Yên, có thể thấy đó là vì thành tích của nhà trường nên từ hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm đều muốn “ỉm” đi.  “Đây là lỗi lớn nhất” - PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. 

MỚI - NÓNG