Giáo dục đào tạo: Những câu hỏi còn tồn tại

Giáo dục đào tạo: Những câu hỏi còn tồn tại
TP - Gần đây, một số bất cập về giáo dục đào tạo (GDĐT) đã được báo chí phản ánh, tân bộ trưởng đã lên tiếng, dư luận chú ý… Nhưng vẫn tồn tại một số câu hỏi, chưa có lời giải đáp thích đáng. Dưới đây là ý kiến của ông Bùi Trọng Liễu - nguyên giáo sư ĐH Paris, Pháp
Giáo dục đào tạo: Những câu hỏi còn tồn tại ảnh 1
Các tân cử nhân sau lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp

1/ Tại sao những người có trách nhiệm phạm lỗi, chưa được xử lý thích đáng?

Tôi không hiểu lô-gíc của luật pháp và cách xử lý hiện hành, khi GDĐT được coi là quốc sách hàng đầu: luật pháp thì nghiêm đối với những kẻ buôn bán ma túy (có khi bị án tử hình hoặc chung thân) nhưng xử phạt về những sự bê bối, gian lận trong GDĐT thì xem ra nhẹ hơn nhiều (trong khi hậu quả của ma túy chỉ gây tác hại đến một phần thành viên xã hội, còn tác hại của GDĐT thì ở mức đại trà và gây hậu quả cho nhiều thế hệ).

Tôi không hiểu những đại biểu Quốc hội khi chất vấn các quan chức Bộ GDĐT, có nghĩ tới “hành trang” pháp lý được trang bị cho ngành này không?

Ông Bộ trưởng GDĐT, dù có thiện chí đến đâu cũng khó tự mình giải quyết những bất cập của ngành mình được, nếu không có sẵn những quy định pháp lý phù hợp?

2/ Nền GDĐT của một nước, không thể tách rời thể chế và mô hình của xã hội nước đó. Việc tư nhân hóa các trường học, dự tính cao hơn cả tỷ số các trường tư lập ở một nước tư bản có nền kinh tế thị trường tự do như nước Mỹ, có thực sự phù hợp với thể chế mà mình tuyên bố mong muốn cho nước mình không?

3/ Việc sử dụng những từ như xã hội hóa, có cầu thì phải có cung... không thể là giải pháp cho những bất cập. Một loại hàng hóa như lương thực, khi có “cầu” thì cũng không thể “cung” bằng của ôi. Đối phó với bệnh tật, khi có “cầu” thì cũng không thể “cung” bằng thuốc dỏm.

Vậy thì trong GDĐT, khi không có đội ngũ nhà giáo tương xứng, phải chăng không nên cho phép mở trường vung vãi, dù là ở hệ thống ngoài công lập? Khi trong một đội ngũ nhà giáo của một đại học mà chỉ lèo tèo có được vài tiến sĩ, thì mức đại học sẽ thực còn là đại học, hay là phổ thông cấp 4?

Từng là Giáo sư Đại học Paris hàng chục năm, GS Bùi Trọng Liễu đã nhiều lần gửi ý kiến đóng góp cho giáo dục Việt Nam qua báo Tiền phong trong thời gian ở nước ngoài.

Nay đã nghỉ hưu, ông có điều kiện trở về, nhìn nhận sâu hơn về nền giáo dục nước nhà. Một lần nữa, ông chọn Tiền phong để gửi những ý kiến tâm huyết của mình tới ngành GD – ĐT.

4/ Vẫn lấy thí dụ các trường đại học hiện nay (tôi vốn không mặn mà với việc mở vung vãi đại học ngoài công lập) đã trót có công lập và có nhiều tư lập, phải chăng nên có sự phân biệt rành rọt trong việc xét tuyển giáo sư (GS, mà hầu hết các nước trên thế giới coi là một chức vụ gắn liền với chỗ làm trong một đại học, chứ không phải là một “hàm” để tôn vinh như ở ta)?

Thiết tưởng, trong hệ công lập, nên làm như Pháp với hai khâu: Khâu 1 là khâu mà Hội đồng Khoa học chuyên ngành ở mức toàn quốc, chỉ xét hồ sơ để kết luận cá nhân nộp hồ sơ có đủ tiêu chuẩn để thành ứng viên GS đại học hay không, và giai đoạn 2 là giai đoạn Hội đồng Khoa học chuyên ngành nhà trường tuyển hay không tuyển ứng viên đã qua giai đoạn 1. 

Như vậy để giữ được mức đồng đều của cả nước, và vì GS hệ đại học công lập là công chức nhà nước, cần được Nhà nước bảo vệ và nâng đỡ, như những “món hàng chiến lược”.

Trong hệ tư lập, phải chăng cứ để cho tiến hành theo kiểu Mỹ, nghĩa là Hội đồng khoa học nhà trường (đại học tư) đảm nhiệm cả 2 khâu, Bộ GDĐT chỉ kiểm soát hậu kỳ.

Thí dụ như nếu có sự bê bối trong việc tuyển chọn đội ngũ nhà giáo của nhà trường (đại học tư), thì thu bằng cấp của họ cấp phát, cấm người có bằng cấp của đại học tư thành viên chức cơ quan nhà nước nếu bằng cấp họ không được Bộ công nhận, và nặng hơn nữa là đóng cửa trường.

- Việc Bộ GDĐT lấy quyết định cho phép mở đại học tư, trên nguyên tắc dựa trên một số tiêu chuẩn như một tỷ số tối thiểu đội ngũ nhà giáo phải có bằng tiến sĩ, thì trách nhiệm đã thuộc về Bộ rồi. Những khâu khác trong việc tuyển chọn giáo sư, như cơ sở đề nghị ứng viên..., đều là không cần thiết, thiết tưởng cần phải bỏ.

Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư Đại học Paris, Pháp

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.