Giáo dục không chấp nhận việc đánh học sinh

Giáo dục không chấp nhận việc đánh học sinh
"Những hành vi như dùng thước đánh vào tay học sinh vẫn thường được bỏ qua, nhưng bỏ qua cái nhỏ thì tính chất vụ việc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội Đào Trọng Thi nói.
Giáo dục không chấp nhận việc đánh học sinh ảnh 1

Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: VnExpress

>> Dồn dập những vụ bạo hành trẻ em

Sau hàng loạt vụ việc giáo viên đối xử thô bạo với học sinh, một số ý kiến cho rằng suy thoái đạo đức đã đến mức báo động. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Những sự kiện vừa qua thực sự là nỗi đau của ngành giáo dục. Không phải trước kia thầy cô không đánh trò, mà bây giờ dư luận tốt hơn nên nhiều vụ việc được phát hiện và bị lên án một cách mạnh mẽ. Đấy là biểu hiện tốt của một xã hội quan tâm đến giáo dục và muốn uốn nắn những biểu hiện sai lầm, lệch lạc của ngành.

Kể cả về mặt phương pháp giáo dục cũng như tình cảm thầy trò, việc đánh hoặc đối xử thô bạo với học sinh là không thể chấp nhận được trong nền giáo dục hiện nay. Do vậy, chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ để làm trong sáng hơn môi trường giáo dục.

Tôi nghĩ, với sự ủng hộ của dư luận xã hội, sự giám sát của nhân dân và đặc biệt là của phụ huynh, hiện tượng này sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt trong một tương lai gần.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của việc thầy cô hành xử thô bạo đối với học trò?

Thứ nhất, một số vụ việc xuất phát từ nhận thức chưa đúng của giáo viên chưa được đào tạo chu đáo về phương pháp sư phạm. Thứ hai, cũng có những giáo viên cố ý bạo hành đối với các em.

Với hai trường hợp điển hình như vậy, chúng ta phải có hai cách xử lý. Đó là, cần phải tuyển chọn người đúng tiêu chuẩn, tăng cường đào tạo, rèn luyện nghiệp vụ cho giáo viên.

Còn trường hợp cố ý bạo hành thì đương nhiên phải xử lý theo pháp luật. Cần xem đây là hiện tượng cảnh tỉnh những giáo viên chưa có suy nghĩ đúng đắn và sâu sắc về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về việc giáo dục đạo đức cho các thầy cô tương lai tại các trường sư phạm?

Về mặt lý thuyết, bất cứ trường sư phạm nào cũng phải dạy về vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Nhưng nhiều khi lý thuyết đó chưa thấm vào nhận thức của người giáo viên.

Hiện, một số giáo viên được tuyển vào các cơ sở giáo dục nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Đặc biệt, ở khu vực tư nhân, việc kiểm soát giáo viên được tuyển có đạt tiêu chuẩn không lại càng lỏng lẻo. Sắp đến, cần phải thắt chặt khâu tuyển giáo viên.

Để xảy ra việc bạo hành trường học, trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm ở đây rất rõ ràng, các cơ sở giáo dục đã không quan tâm đúng mực tới việc tuyển người có đủ tiêu chuẩn, được đào tạo một cách có hệ thống và thực chất. Và đương nhiên, cơ quan quản lý giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn ngành đã đề ra.

Ở khu vực giáo dục tư nhân, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý lỏng lẻo hơn so với các trường công lập. Đây là điểm cần phải khắc phục.

Khi một chuỗi sự kiện xảy ra và tập trung vào vấn đề đạo đức, trình độ và nghiệp vụ người thầy, Bộ trưởng GD&ĐT cũng nên có tiếng nói. Trên cơ sở đó, thúc đẩy toàn bộ cơ quan quản lý các cấp đẩy mạnh hơn việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình.

Ngày nay, quan niệm "gõ đầu trẻ" nên được hiểu thế nào?

Tôi nghĩ, chữ "gõ đầu trẻ" là một hình tượng chứ không ai bây giờ mà còn tiếp tục dạy trẻ theo kiểu thầy đồ xưa. Chuyện đánh con trong gia đình và đánh học sinh trong nhà trường không phải ai cũng thống nhất. Nhưng trong nền giáo dục của Việt Nam, ngay từ đầu chúng ta đã không chấp nhận việc đánh học sinh.

Quy định là như vậy nhưng trước đây chúng ta giám sát và xử lý vi phạm không chặt chẽ. Những hành vi như dùng thước đánh vào tay học sinh... vẫn thường được bỏ qua nhưng bỏ qua cái nhỏ thì tính chất vụ việc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu tất cả những hiện tượng phi giáo dục.

Nhiều ý kiến cho rằng, không ít trẻ hư do được nuông chiều và cứ thấy trẻ bị thầy cô đánh phạt là bố mẹ lại lên tiếng tố cáo. Vậy quan điểm của ông?

Tôi cho rằng nếu trẻ có hư, chúng ta cũng không thể đánh vì giáo dục không cho dùng biện pháp đó. Phụ huynh phản ánh một cách đúng đắn sự kiện là việc làm tốt và có như vậy, chúng ta mới có nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm. Đây là kênh thông tin tốt nhất để nhìn nhận ngành giáo dục.

Ông nghĩ sao về lo ngại, nếu chúng ta phản ánh quá nhiều về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, nhiều thầy cô sẽ chán nản với công việc?

Hiệu quả sẽ rất tốt nếu đó là phản ánh công tâm và mang tính xây dựng, phản ánh để dư luận biết chứ không nhằm vùi dập cơ sở giáo dục hoặc giáo viên nào đó.

Với một tinh thần, tình thương như vậy, xã hội sẽ tạo dư luận rất tốt để giúp giáo viên tỉnh táo hơn trong cách hành xử, có thể là vô tình nhưng cũng có thể là hữu ý của mình. Giáo viên thấy mình bị kiểm soát sẽ càng phấn đấu để không vi phạm những điều trái quy định.

Mong rằng, dư luận sẽ thông cảm với ngành giáo dục nhưng thông cảm không có nghĩa là bỏ qua. Thông cảm là giám sát, phê phán nhưng nói đúng sự thật với tinh thần xây dựng. Nếu được một môi trường như vậy thì quá tốt đẹp với nền giáo dục của chúng ta.

Theo Tiến Dũng
VnExpress

MỚI - NÓNG