Giáo dục phải tăng tốc để cạnh tranh

Giáo dục phải tăng tốc để cạnh tranh
TPO - Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, giáo dục nước nhà phải tăng tốc hơn nữa để nhanh chóng khắc phục tình trạng lạc hậu, yếu kém. 
Giáo dục phải tăng tốc để cạnh tranh ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho các nhà giáo lão thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại buổi lễ gặp mặt các nhà giáo lão thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức sáng nay, 19/11, tại Bộ GD&ĐT, Giáo sư Trần Hồng Quân thẳng thắn: “Giáo dục của ta đang lạc hậu rất nhiều so với thế giới và hết sức bất cập so với yêu cầu hiện tại. Do đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển giáo dục lúc này phải được ưu tiên, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO”.

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, để có thể tăng tốc, giúp giáo dục nước nhà không bị lạc hậu khi vào “chợ” thế giới, chúng ta phải có nguồn lực và động lực phát triển.

Để khắc phục tình trạng một nền giáo dục luôn thiếu nguồn lực, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong khi đó, muốn có động lực tốt lại liên quan đến cơ chế quản lý hiện nay.

Nói đến vấn đề quản lý, Giáo sư Nguyễn Văn Đạo, Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang quản lý theo cách của… thủ trưởng đối với nhân viên chứ không phải quản lý nhà nước.

“Bộ GD&ĐT đang là thủ trưởng, là Ban giám hiệu của tất cả các trường đại học trong cả nước. Theo tôi, Bộ phải thay đổi cơ bản quan niệm về tổ chức quản lý. Nếu Bộ làm đúng theo quản lý cấp nhà nước, tức là Bộ là nơi sản xuất quy chế, hướng dẫn thực hiện những chính sách của nhà nước và chỉ làm công việc hậu kiểm để xem các trường, các cơ sở đào tạo khác có làm trái với quy chế không, thì có thể giảm nhân viên đi một nửa mà công việc vẫn hiệu quả”, Giáo sư Đạo nêu ý kiến.

Giáo sư Đạo cho rằng, giáo dục nước nhà đang đứng trước thời cơ chưa từng có để phát triển. Nước ta gia nhập WTO đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho ngành "trồng" người của đất nước.

“Đặc biệt, Việt Nam đã chấp nhận cơ chế thị trường cho các ngành khối A. Từ 1/9/2009 tới đây, các trường đại học nước ngoài có quyền đầu tư 100% vốn vào khối A. Lúc bấy giờ, sự cạnh tranh là rất lớn”.

Giáo sư Đạo đề xuất, để đối phó với “cơn bão giáo dục” này, phải nhanh chóng loại bỏ tiêu cực, tăng sức đề kháng cho “cơ thể” giáo dục. Trong đó, phải xác định rõ gốc rễ của tiêu cực chính là… cơ chế "xin - cho" mà Bộ GD&ĐT đang áp dụng trong quản lý.

“Giữa xin và cho là… cái phong bì to. Nó đang hàng ngày, hàng giờ đẻ ra tiêu cực. Muốn chống triệt để tiêu cực, chúng ta phải thay đổi cơ chế xin - cho. Chống cái đó mới khó, nhưng về phía Bộ thì không phải không làm được vì nó nằm trong tay Bộ”, Giáo sư Đạo nói.

Chiến lược dài hơi

Giáo dục phải tăng tốc để cạnh tranh ảnh 2
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Sau khi phân tích một số yếu kém của nền giáo dục hiện nay, như thực trạng quá tải ở bậc học THPT, bức xúc ở đào tạo dạy nghề…, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, ngành giáo dục phải đề ra chiến lược phát triển trong vòng ít nhất là 20 năm, chứ không thể chung chung như hiện nay.

Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước, muốn có chiến lược tầm dài này, ngành giáo dục phải thảo luận để xác định rõ vào WTO, giáo dục sẽ như thế nào? Chúng ta đứng trước cái gì? Cái gì chúng ta phải bảo vệ? Cái gì chúng ta phải chống?

Còn Giáo sư Hoàng Tụy, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam nói: “Chúng ta muốn có một nền giáo dục đàng hoàng thì phải xây dựng được tầm nhìn chiến lược, ít nhất là trong 20 năm. Tôi mong Bộ trưởng xem xét lại chiến lược phát triển cho ngành giáo dục, chứ như những năm qua thì chưa được xem là có chiến lược dài hơi”.

Giáo sư Tụy cũng nhận định, theo kinh nghiệm của ông, cùng với chiến lược dài hơi, chìa khóa của sự thành công không nằm ngoài “trung thực” và “sáng tạo”. Những tiêu cực sinh sôi, nảy nở trong ngành thời gian qua một phần lớn là do không trung thực và chính sách quản lý thiếu sáng tạo.

Chúng ta đang lãng phí nội lực 

Giáo dục phải tăng tốc để cạnh tranh ảnh 3
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đề cập đến khía cạnh khác của vấn đề giáo dục, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhận định: “Chúng ta đang lãng phí nội lực tự học của mỗi con người”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, người học mới chỉ lo đi tìm thầy để học mà quên mất tự học. Ông gọi người thầy dạy ở trường và ngoài đời là “thầy ngoài”, còn người thầy dạy chính bản thân mỗi con người là “thầy trong”.

Mỗi người đều có một “ông thầy trong”. Thói quen chỉ sính thầy ngoại, không chú đến “thầy trong” đang gây khó khăn cho chúng ta trong quá trình xây dựng xã hội học tập.

“Chúng ta hiện nay có hơn 1 triệu thầy, cô giáo ở tất cả các cấp. Để có 1 triệu nhà giáo ấy, nhà nước, xã hội, gia đình phải tốn kém nhiều lắm. Nhưng chúng ta lại lãng phí 80 triệu người “thầy trong". Khả năng tự học trong con người nào cũng có. Để xây dựng được xã hội học tập thì suy cho cùng, mỗi con người phải tự học tập, rèn luyện, nghiên cứu…”.

* Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Ngành giáo dục phải làm rõ một số quan điểm cơ bản. Đó là giáo dục - đào tạo trong tình hình mới có gì khác trước. Chúng ta học tập những điều hay của các nước nhưng không có nghĩa phải áp dụng máy móc theo bất cứ nước nào, vì chúng ta có đường lối riêng của mình.

* Giáo sư Đặng Hữu, Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương: Cách tuyển sinh của chúng ta như hiện nay là rất nặng nề mà không hiệu quả. Có lẽ, phải tính đến chuyện giao quyền cho cho các trường tự tuyển sinh, tăng cường quản lý tự chủ của các trường.

* Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng trường ĐHDL Thăng Long: Một trong những khó khăn lớn của giáo dục Việt Nam là... thiếu tiền.

 
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.