Giáo sư Đại học Harvard nói 'Tiếng Việt là nỗi đau của tôi': Ám ảnh, lo lắng!

Giáo sư Ngô Như Bình trong văn phòng làm việc. Ảnh: NVCC.
Giáo sư Ngô Như Bình trong văn phòng làm việc. Ảnh: NVCC.
"Tiếng Việt là nỗi đau của tôi bởi thời gian gần đây, tôi thấy nó đang mất dần sự trong sáng. Người Việt viết sai nhiều quá", giáo sư Ngô Như Bình - chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard nói. 

- Được biết trước khi là chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard, giáo sư từng dạy tại Đại học Lomonosov của Nga. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với Harvard?

- Cơ duyên đến khi tôi được tuyển vào dạy một khóa mùa hè, diễn ra trong 10 tuần, của Học viện Đông Nam Á Mùa hè (SEASSI). Do đó, cuối năm 1991, tôi xin phép Đại học Lomonosov sang Mỹ để chuẩn bị.

Sự kiện ấy diễn ra tại Đại học Washington ở thành phố Seattle (Mỹ). Trong quá trình giảng dạy, tôi hay tin Đại học Harvard đang tuyển giảng viên dạy tiếng Việt.

Khi đó, tôi phân vân bởi người Việt sống tại Mỹ rất đông. Nhiều người trong số đó có học vị rất cao. Bên cạnh đó, Harvard lại quá nổi tiếng khiến tôi có tâm lý ái ngại. Tuy nhiên, các đồng nghiệp ở SEASSI đã động viên và ủng hộ tôi rất nhiều.

Cuối cùng, tôi quyết định nộp đơn. Sau nhiều vòng phỏng vấn qua điện thoại, tôi trở thành giảng viên tiếng Việt tại Đại học Harvard.

Tôi không biết lý do chính xác mình được nhận. Tuy nhiên, tôi phỏng đoán khi đó, nhiều người Việt sống tại Mỹ nhưng không ai được đào tạo về ngôn ngữ một cách bài bản ở Việt Nam và Liên Xô. Người Mỹ rất trân trọng những thành tựu của Liên Xô về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đặc biệt về giảng dạy ngoại ngữ. 

Harvard liên tục dạy tiếng Việt từ năm 1971. Tuy nhiên, đến năm 1994, trường mới chính thức thành lập chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á và đứng bình đẳng với 3 thứ tiếng: Trung, Nhật và Hàn.

- Giáo sư viết rất nhiều sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, ông có thể chia sẻ rõ hơn ý tưởng của mình với những bộ sách này?

- Từ lúc công tác tại Đại học Lomonosov, tôi cùng các đồng nghiệp người Nga biên soạn một số giáo trình dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Nga. Cuốn giáo trình xuất bản vào năm 1989 và hiện tại, một số nơi vẫn sử dụng.

Khi sang Mỹ, tôi dùng một cuốn sách do người Mỹ biên soạn vào năm 1972. Kiến thức cơ bản của giáo trình nói chung khá tốt nhưng một số nội dung có vấn đề. Khi sử dụng, chúng tôi phải sửa một số chỗ, thậm chí biên soạn lại.

Tôi thấy nước Mỹ khi đó chưa có một cuốn sách dạy tiếng Việt nào giới thiệu về tiếng Việt hiện hành. Do đó, tôi dùng tất cả kiến thức và kinh nghiệm khi học ở Việt Nam và Nga để biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cơ bản dành cho năm thứ nhất. Cuốn sách hoàn thành vào năm 1994. 

Sau đó, tôi thu thập lý kiến của một số đồng nghiệp và sinh viên rồi chỉnh sửa và hoàn thiện giáo trình. Kết quả, cuốn Elementary Vietnamese được xuất bản vào năm 1999.

Năm 2010, tôi biên soạn và xuất bản giáo trình ở trình độ cho năm thứ 2 và năm thứ 3 tên là Continuing Vietnamese. Hiện tại, nhà xuất bản đang chỉnh sửa lại để xuất bản lần thứ hai.

- Nhu cầu của sinh viên quốc tế về tiếng Việt ra sao? Suy nghĩ về Việt Nam trước và sau khi họ học tiếng Việt là gì?

- Việt Nam học là ngành thu hút nhiều sinh viên cũng như số người nghiên cứu tương đối ổn định. Mỹ là một trong những nước đầu tư mạnh nhất thế giới vào bộ môn này, dù còn khá non trẻ so với nhiều nước khác như Pháp và Nga.

Trong số những sinh viên của tôi, một số ít chỉ đăng ký học một năm nhưng họ nói rằng nhờ môn học này, họ có thể sử dụng tiếng Việt trình độ thấp và được trang bị kiến thức cơ bản về Việt Nam. Nhiều sinh viên học với tôi hai, ba hay bốn học kỳ, thậm chí lâu hơn.

Nhiều người Mỹ biết về Việt Nam qua cuộc chiến tranh ở thế kỷ trước. Sau khi học xong lớp của tôi, họ nghĩ rằng cuộc chiến đó xảy ra là điều không may cho cả Mỹ và Việt Nam.

Tôi cũng cho sinh viên xem bộ phim Người Mỹ trầm lặng để họ thấy nếu tiếp tục can thiệp vào Việt Nam như vào đầu những năm 1950, người Mỹ sẽ thất bại. Tôi không nói đó là quan điểm của tôi, của người Mỹ hay của Hà Nội. Tôi nói với họ rằng đó là nhận định của tác giả cuốn Người Mỹ trầm lặng Graham Greene. Ông là người Anh, mà người Anh là đồng minh thân cận của Mỹ trong rất nhiều cuộc chiến.

- Điều đầu tiên ông thường nói với những sinh viên tham gia lớp tiếng Việt của ông là gì?

- Tôi nói rằng tôi rất biết ơn khi họ đã đăng ký học môn của mình. Trong môn học này, tôi chỉ cung cấp phương tiện ngôn ngữ để giúp họ tìm hiểu về Việt Nam. Tôi nghĩ họ hài lòng với cách tiếp cận ấy.

Giáo sư Đại học Harvard nói 'Tiếng Việt là nỗi đau của tôi': Ám ảnh, lo lắng! ảnh 1 Giáo sư Ngô Như Bình cho biết từ năm 1994, tiếng Việt tại Đại học Harvard đứng ngang hàng với 3 thứ tiếng: Trung, Nhật và Hàn. Ảnh: NVCC.

- Trong những năm dạy tiếng Việt tại Đại học Lomonosov và Đại học Harvard, giáo sư từng gặp sinh viên Việt nào tham gia lớp học của ông chưa?

- Tôi chưa từng gặp sinh viên người Việt khi công tác tại Liên Xô. Tuy nhiên, tại Đại học Harvard, năm nào tôi cũng dạy một số sinh viên Mỹ gốc Việt.

Gia đình họ rời Việt Nam với những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, cha mẹ họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc và muốn con cái giữ tình cảm với quê hương, học tiếng Việt để hiểu về cội nguồn văn hóa.

Nhiều sinh viên sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ. Họ chỉ có thể nói nhưng không biết viết. Tuy nhiên, khi học đến năm thứ 3, nhiều bạn đã có những bài thuyết trình sâu sắc. Một số người khi trở về Việt Nam, nói chuyện về văn học và lịch sử Việt Nam với các bạn trẻ cùng tuổi khiến nhiều người bất ngờ về sự hiểu biết của họ.

Một số không thể nói tiếng Việt và ghi tên vào học như một người Mỹ. Một sinh viên từng kể với tôi rằng: "Lần đầu em gọi điện thoại cho bà nội ở Việt Nam và nói tiếng Việt, bà nội đã khóc".

Các tác phẩm của giáo sư chủ yếu nhằm mục đích dạy tiếng Việt cho sinh viên quốc tế. Song, trong đó nổi bật lên 2 cuốn sách dạy tiếng Anh dành cho người Việt. Xin ông chia sẻ thêm về điều này.

- Khi mới sang Mỹ, tôi không biết tiếng Anh. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã nỗ lực học tập và có thể sử dụng thành thạo. Tôi cũng nhận thấy nhiều người Việt sống ở Mỹ đã lâu nhưng tiếng Anh còn yếu.

Khi tôi biên soạn những cuốn sách dạy tiếng Anh đó, thị trường chủ yếu là giáo trình dạy tiếng Anh - Anh. Trong khi đó, tôi quan niệm các biến thể của tiếng Anh (tiếng Anh tại các nước sử dụng tiếng Anh) là bình đẳng.

Ngoài ra, tiếng Anh - Mỹ ngày càng phổ biến nên một cuốn giáo trình dạy tiếng Anh - Mỹ là cần thiết.

Tôi đã biên soạn công trình này cùng một người Mỹ và dạy tiếng Anh hoàn toàn qua nghe. Tuy phương pháp này không bài bản song phù hợp với những người ít thời gian và không có điều kiện đến lớp. Họ có thể học qua CD, trên mạng hay lúc lái xe.

- Khó khăn lớn nhất của người Việt khi học tiếng Anh là gì?

- Khó khăn của người Việt khi học tiếng Anh cũng có cùng cơ sở với khó khăn khi học tiếng Pháp, tiếng Nhật hay tiếng Tây Ban Nha. Đó là những chuyển di tiêu cực trong tiếng mẹ đẻ. Chuyển di tiêu cực của người Việt khi học tiếng Anh lớn hơn chuyển di tiêu cực của người Việt khi học tiếng Trung chẳng hạn.

Tiếng Anh có trọng âm nhưng tiếng Việt không có trọng âm. Cũng như người Anh, người Đức hay người bản ngữ nhiều thứ tiếng châu Âu khác khi học tiếng Việt là phải chú ý đến thanh điệu.

Hệ thống ngữ âm của hai thứ tiếng khác nhau nhiều. Do đó, giáo viên tiếng Anh nên giới thiệu những khác biệt về ngôn ngữ để tránh chuyển di tiêu cực.

- Từng trải qua rất nhiều trường đại học (từ Việt Nam đến Mỹ), xin ông chia sẻ sự khác nhau giữa phương pháp giảng dạy ở các nước.

- Nền giáo dục ở đâu cũng có những cái hay riêng. Tại Mỹ, kể từ bậc trung học trở lên, đặc biệt là đại học, truyền thụ kiến thức là mục đích quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của họ là dạy người học tư duy phản biện và cách tự học.

Trong khi đó, lối giáo dục ở Liên Xô rất bài bản. Nước Nga hiện nay kế thừa tinh hoa giáo dục từ thời Liên Xô song cũng thay đổi khá nhiều.

Về Việt Nam, tôi nghĩ giáo dục sau này sẽ không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức. Người học không chỉ ghi nhớ máy móc mà phải đưa ra ý kiến của mình. Những ý kiến đó có thể khác với ý kiến của giáo viên và sách giáo khoa.

- Là một nhà ngôn ngữ, ông có cảm nghĩ thế nào về tiếng Việt?

- Tiếng Việt là điều làm tôi luôn trăn trở làm sao để giảng dạy có hiệu quả, để cho mọi người thấy cái hay và cái đẹp của tiếng Việt. Nó là nỗi đau của tôi bởi trong thời gian gần đây, tôi thấy tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng. 

Người Việt viết sai nhiều quá. Ở đây, tôi không đề cập vấn đề viết tắt cũng như tiếng lóng trong thời đại công nghệ phát triển. Tôi muốn nói đến mảng tiếng Việt chuẩn, đặc biệt là báo chí. Tôi thấy họ viết sai về cấu trúc ngữ pháp và cách dùng từ. 

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng tiếng nước ngoài diễn ra tràn lan, vô ý thức trong những tình huống và ngữ cảnh mà tiếng Việt hoàn toàn đủ phương tiện, từ và thành ngữ để diễn đạt.

Tôi nghĩ vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải được đặt ra một cách rất nghiêm túc.

Giáo sư Ngô Như Bình hiện là chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á của Đại học Harvard (Mỹ). 

Ông nhận bằng cử nhân về ngôn ngữ và văn học Nga tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1973. 5 năm sau, ông nhận bằng tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).

Năm 1982, ông lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ tại Viện hàn lâm Khoa học Nga và tham gia giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Đại học Lomonosov trước khi đến Mỹ vào năm 1992.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.