Giáo sư hướng dẫn của tôi ở đại học Massachusetts

Giáo sư hướng dẫn của tôi ở đại học Massachusetts
TPCN - Ngay từ năm thứ nhất, khi sinh viên nhập học tại các trường đại học Hoa Kỳ, họ được nhà trường phân công cho một người tư vấn (academic advisor).
Giáo sư hướng dẫn của tôi ở đại học Massachusetts ảnh 1
Một buổi học ngoài trời

Người tư vấn có trách nhiệm trao đổi, thảo luận với sinh viên, hướng dẫn họ lựa chọn chương trình đào tạo và môn học phù hợp với khả năng, nguyện vọng của từng cá nhân, giúp họ xác định rõ mục tiêu phấn đấu, trước mắt và lâu dài, đồng thời tìm mọi biện pháp thích  hợp để thực hiện những mục tiêu ấy.

Quy trình tư vấn kéo dài trong suốt quá trình học tập, cho đến khi sinh viên tốt nghiệp. Tôi cho rằng mình đã vô cùng may mắn khi có được những người thầy tư vấn như vậy.

Lần đầu tiên khi nhận giấy nhập học tại trường Đại học Tổng hợp Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ, tôi thấy trong giấy báo có ghi: “Academic advisor: Giáo sư Rachel Rubin”  (tạm dịch là “Giáo sư hướng dẫn”). Tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao họ đã phân công giáo sư hướng dẫn khi chưa bắt đầu vào học và chưa gặp gỡ sinh viên.

Theo thông lệ ở Việt Nam, khi học viên cao học đã kết thúc các chuyên đề, bắt tay vào làm luận văn sau khi đã xác định rõ đề tài mình mong muốn nghiên cứu, viết đơn lên văn phòng khoa và hội đồng khoa học, lúc đó mới được phân công làm việc với giáo sư hướng dẫn, người nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề sinh viên quan tâm.

Tôi băn khoăn không biết mình sẽ phải làm gì khi đến gặp giáo sư Rubin. Bao câu hỏi quanh quẩn trong đầu khi tôi đứng trước cửa văn phòng giáo sư. Tôi còn chưa biết gì về chương trình học tôi sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới.

Nhưng khác hẳn với những điều tôi chờ đợi, giáo sư Rachel Rubin đón chào tôi bằng nụ cười thân thiện, dễ gần, dường như bà đã biết rất rõ về tôi qua hồ sơ xin học (Đại học Hoa Kỳ xét hồ sơ rất kỹ trước khi nhận sinh viên vào học). 

Bà hỏi thăm chuyến bay của tôi, sức khỏe và những vấn đề cá nhân như nơi ăn, chốn ở. Sau đó bà giới thiệu những khóa học bắt buộc và tự chọn cho năm thứ nhất của chương trình cao học. Tôi có thể hỏi bất cứ điều gì mình quan tâm hoặc chưa rõ.

Sau khi xem xét nội dung, thời gian biểu, ngoài khóa học bắt buộc, tôi có thể chọn một hoặc nhiều trong các khóa tự chọn. Giáo sư Rubin sẽ thông qua để tôi đăng ký những môn học đó.

Học kỳ đầu tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, khi thì máy tính hư, không kịp nộp bài đúng hạn, tôi bị giáo sư của môn học khiển trách, và có phần xúc phạm.

Giáo sư Rubin là người gặp gỡ, thảo luận, trao đổi với cả hai bên, dàn xếp những vấn đề không chỉ liên quan đến học tập mà cả những vấn đề cá nhân.  Giáo sư còn là người tìm hiểu những khó khăn, hoặc tháo gỡ những “cú sốc văn hóa”, giúp đỡ để tôi có thể đạt được kết quả học tập tốt nhất.

Năm thứ hai, tôi được một giáo sư khác tên là Jean Humez tư vấn, bà đồng thời là giáo sư hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Cũng như giáo sư Rubin, bà giúp tôi chọn lựa môn học cho phù hợp, thúc giục tôi khẩn trương bắt tay vào việc thu thập dữ liệu làm luận văn.

Vào thời điểm đó, bác sĩ phát hiện tôi bị một căn bệnh hiểm nghèo, tôi có thể bị mù trong một tương lai không xa. Người nâng đỡ tôi về tinh thần không ai khác chính là giáo sư Jean Humez.

Ngoài các cuộc thảo luận hàng tuần về tiến độ luận văn của tôi, bà thường hỏi han về tình hình sức khỏe, đặc biệt bà quan tâm đến những thông tin về căn bệnh của tôi, những tiến bộ mà khoa học và công nghệ có thể giúp tôi chữa căn bệnh này.

Bà động viên tôi học chữ nổi vì bà khẳng định tôi vẫn có thể sống hữu ích, vẫn có thể trở thành một giáo viên giỏi, một nhà khoa học đầy triển vọng ngay cả khi tôi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.

Sự tận tâm trong công việc hướng dẫn khoa học cùng với sự cảm thông và động viên của bà đã tiếp thêm nghị lực cho tôi hoàn thành luận văn đúng thời hạn, vượt qua những khó khăn do bệnh tật mang tới.

Không những thế, tôi tiếp tục học thêm với hy vọng mình dù “tàn nhưng không phế”, tôi có thể sống hữu ích và trở thành một học giả như lời của giáo sư Humez.

Quan hệ giữa chúng tôi không chỉ là tình thày trò, đồng nghiệp, bà đã trở thành một người bạn lớn, một người chị, một hình mẫu (“role model”) để tôi bước tiếp trên quãng đường chông gai.

Với tôi, người tư vấn không chỉ hướng dẫn việc học tập, mà còn là người nâng đỡ tinh thần, mang đến cho tôi sức mạnh, sự tự tin vào bản thân, để vượt qua những khó khăn, đã có lúc tưởng như không thể vượt qua được, để học tập và quan trọng hơn cả là hoàn thiện bản thân mình, có thêm nghị lực khi đứng trước những thử thách lớn của cuộc đời.

Tôi viết bài này, mong muốn giới thiệu đôi nét về hoạt động tư vấn cho sinh viên, vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của con người. Ước gì ở Việt Nam chúng ta cũng có những mô hình tư vấn cho sinh viên tương tự như thế.

Học gì cũng để thành người có ích, mà trong quá trình học, biết bao điều bất ngờ xảy đến, rất cần những người như giáo sư hướng dẫn của tôi để không chỉ giúp sinh viên nắm vững tri thức hàn lâm, mà còn mang đến cho họ niềm tin, sự cổ vũ, động viên kịp thời, để họ không đi chệch hướng và “về đích” một cách tốt nhất.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là tất cả những người tư vấn này hoàn toàn không được nhận lương, tiền thưởng hay bất cứ đãi ngộ nào khác. Họ thực sự là những người thầy hào hiệp làm việc tự nguyện vì một nền giáo dục tiên tiến.

Boston, 10/2006

Thanh Hương
từ Hoa Kỳ

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".