Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục có lỗi!

Học viên học nghề điện tử tại trường Cao đẳng công nghệ nghề cao Hà Nội
Học viên học nghề điện tử tại trường Cao đẳng công nghệ nghề cao Hà Nội
TP - Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thực trạng giới trẻ có bằng cấp thất nghiệp ngày càng nhiều có lỗi của ngành giáo dục. 

Thưa ông, thực trạng thất nghiệp của các cử nhân, thạc sỹ chứng tỏ điều gì?


Thực trạng thất nghiệp rất đáng lo, nền kinh tế phát triển nhưng còn rất nhiều ngành không dùng nhiều đến những nhân lực có trình độ cao. Ví dụ gia công lắp ráp ô tô xe máy cần gì nhiều kỹ sư? Xuất khẩu thô, cần gì kỹ sư sáng chế? Một vấn đề nữa là tâm lý xã hội Việt Nam chưa thay đổi phù hợp với sự phát triển, dân mình chuộng hư danh, chuộng những nghề “ăn trắng mặc trơn” không chịu học nghề.

Mặt khác, cử nhân thất nghiệp cũng chứng tỏ đào tạo của chúng ta hơi lệch. Đào tạo thầy nhiều hơn thợ và đào tạo các ngành cũng lệch. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo khi phát triển đại học đã phát triển nóng. Không có một nước nào phát triển đại học đầu ra bằng đầu vào, ví dụ như Pháp thì đầu ra chỉ là 50% so với đầu vào. 

Đầu vào và đầu ra bằng nhau thì làm sao mà chất lượng được? Thực tế hiện nay đầu vào "vét” đến mức dưới 10 điểm cũng vào được đại học.

Thất nghiệp là một thực trạng có nhiều nguyên nhân, nếu cứ đổ lỗi cho giáo dục liệu có công bằng không? 

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục có lỗi! ảnh 1 GS. Nguyễn Minh Thuyết

Tôi cho rằng giáo dục có lỗi. Ngoài việc phát triển đại học nóng và lệch, chương trình học không dạy nhiều kỹ năng, không kết hợp với các đơn vị sử dụng lao động. 

Ở nước Đức họ gắn luôn các trường với các đơn vị sử dụng lao động như trường y gắn với bệnh viện, đào tạo ra dễ hòa nhập với môi trường lao động và có công ăn việc làm. Còn ở Việt Nam nhà trường và thị trường lao động không gặp nhau.

Thưa giáo sư, làm thế nào để giới trẻ quay về học những nghề xã hội cần, thay vì đua nhau vào những ngành thời thượng có xu hướng “ăn trắng mặc trơn” để rồi thất nghiệp?

Tôi cho rằng chuyện này rất khó bởi vì là tâm lý và cách nhìn về học nghề của người dân vẫn chưa thay đổi. Vấn đề ở đây trước hết là phải phát triển kinh tế, để tạo ra nhiều việc làm. 

Nếu học nghề ra mà không xin được việc làm thì ai học? Mặt khác, dạy nghề phải hiện đại hơn và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Cơ chế đãi ngộ cho công nhân phải tương xứng mới kích thích được học nghề.

Hiện nay thì tốt nhất là đi vào đại học vì lương cao và liên quan đến nhiều quyền lợi xã hội khác. Ở các nước phát triển, lương một ông thợ giỏi chả kém gì thậm chí còn hơn kỹ sư nên họ làm thợ nhiều. 

Nhưng hiện nay có những cử nhân hoặc thạc sỹ đã tự điều chỉnh mình bằng cách đi học nghề , xin việc?

Tôi nghĩ giới trẻ sẽ điều chỉnh hành vi cùng với sự điều chỉnh của xã hội. Giới trẻ vẫn mơ là đi học để làm thầy, mơ danh vị đại học nọ kia, nhưng nếu trên thực tế thấy đi học nghề vẫn sống được thì người ta sẽ đi học nghề. Nếu như giới trẻ thấy thay vì học đại học, học nghề có thể đảm bảo cuộc sống thì họ sẽ học.

Cảm ơn ông!

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố hơn 162 nghìn cử nhân thất nghiệp. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2009 là 50% cử nhân ra trường không có việc làm và trong số những người tìm được việc, thì chỉ có 30% có việc làm phù hợp.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.