Giáo sư và Phó giáo sư: “Chức danh” hay “học hàm”?

Giáo sư và Phó giáo sư: “Chức danh” hay “học hàm”?
Trước những năm 80 của thế kỷ trước, người ta gọi Giáo sư và Phó giáo sư là các “chức vụ”. Những năm 90 của thế kỷ trước, chuyển sang gọi là các “học hàm”.
Giáo sư và Phó giáo sư: “Chức danh” hay “học hàm”? ảnh 1
GS Vũ Tuyên Hoàng (nông nghiệp) là một trong số hàng trăm nhà khoa học tiêu biểu được phong giáo sư thời tên gọi “học hàm” vẫn được dùng thay vì tên gọi “chức danh” hiện nay

Hồi đó chúng ta có các hội đồng học hàm ngành (liên ngành) và hội đồng học hàm Nhà nước. Và mấy năm nay ta lại gọi là các “chức danh”. Phải chăng cách gọi hiện hành là ổn?

Tiếc là chưa có điều tra nào về tình hình bầu GS/PGS ở mỗi thời kỳ khác nhau ứng với các “chức danh”, “học hàm”, hay “chức vụ”. Song phải thừa nhận những cụm từ này suy cho cùng chỉ là hình thức, là cái vỏ của nội dung GS/PGS.

Tuy nhiên hình thức không thể không ảnh hưởng đến cái lõi nội dung GS/PGS và, trong những hoàn cảnh nhất định, mức độ ảnh hưởng có thể ít hoặc nhiều.

Xin lấy ngày 19/9/2001, thời điểm ra Quyết định số 138/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (CDGSNN), làm mốc để xem xét tên gọi “chức danh” đi vào cuộc sống thế nào.

Phải thừa nhận kể từ khi tên gọi “chức danh” được chính thức sử dụng, bên cạnh nhiều lý do khác, việc xét phong GS/PGS có sự tăng nhanh về số lượng. Suốt 16 năm, từ năm 1980-1996, ta mới xét phong được 4.449 GS/PGS. Trong vòng 4 năm mà cụm từ “chức danh” được sử dụng, từ 2001-2004, có tới 1.935 GS/PGS được phong mặc dù hầu hết các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét ngặt nghèo hơn xưa.

Kèm theo đó là các kiến nghị về chính sách và chế độ ưu đãi cho GS/PGS ngày càng nhiều và dồn dập hơn, nhất là kiến nghị xem “chức danh” GS/PGS như là một “chức vụ” và cần có một thang bảng lương riêng cho “chức vụ” này.

Không hiểu vì sao đến thời điểm này, kiến nghị tăng lương theo “chức” đó cho các GS/PGS chưa được phê duyệt. Song tình trạng phấn đấu cho có bằng được “chức danh” GS/PGS có vẻ quyết liệt hơn, kể cả trong khối không tham gia giảng dạy.

Có đợt, nhiều quan chức được xét duyệt trong khi các nhà giáo đang giảng dạy lại không trúng mặc dù họ đầy đủ tiêu chuẩn. Trong số hơn 500 GS đang làm việc, có không dưới 100 người không làm việc ở các cơ sở đào tạo hoặc nghiên cứu. Với hơn 2.500 PGS, con số đó là trên 300 vị.

Nên chăng trở về tên gọi “học hàm”?

PGS.TSKH. Lê Cảm, Chủ nhiệm khoa kiêm Trưởng Bộ môn Tư pháp Hình sự, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong văn bản kiến nghị mới đây gửi Hội đồng CDGSNN, hỏi thẳng, không rõ khi thay đổi tên gọi GS/PGS, những người có trách nhiệm có trình cho Thủ tướng Chính phủ đầy đủ luận cứ xác đáng và đảm bảo sức thuyết phục.

Theo PGS.TSKH. Lê Cảm,  GS/PGS chẳng qua chỉ là các học hàm khoa học và chỉ gắn với những ai có tham gia các hoạt động giảng dạy đại học, sau đại học, và nghiên cứu khoa học, khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do luật định. Một khi không tham gia các hoạt động này nữa, lẽ ra các học hàm đó không còn nữa.

Tại các nước văn minh, chỉ có các tiến sỹ lao động trong các lĩnh vực giảng dạy ĐH, sau ĐH và NCKH, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do luật định, mới được phong các học hàm GS/PGS. Một khi chuyển sang lao động trong lĩnh vực khác hoặc về hưu, đương nhiên không còn các học hàm đó nữa.

TS Henri Kissinger những năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở Học viện Quan hệ quốc tế (Bộ Ngoại giao Mỹ), có học hàm GS. Khi được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông không còn học hàm GS nữa. Thay vào đó, người ta gọi ông là TS.        

Các tiến sỹ khoa học (TSKH), tiến sỹ (TS), hay thạc sỹ (Th.S), được bảo vệ trước hội đồng khoa học chuyên ngành và vì thế, có học vị vĩnh viễn dù sau khi nhận học vị người đó không tham gia giảng dạy nữa. Nhưng với học hàm khoa học lại không thể thế. Mặt khác, ngay trong quy định hiện hành, một khi tước bỏ hoặc buộc thôi đối với người nào không xứng đáng với GS/PGS, chỉ có thể tước bỏ hoặc buộc thôi “học hàm” khoa học, chứ không thể tước “chức danh” trong biên chế công chức.

GS/PGS chính là các học hàm khoa học chủ yếu dành cho các nhà giáo được Nhà nước phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động (lĩnh vực) đào tạo và NCKH, chứ không thể và không nên coi là các chức danh trong biên chế công chức Nhà nước được.

Thời kỳ chúng ta thừa nhận tên gọi “học hàm”, số lần xét phong rất ít. Nhưng đại đa số những người được xét phong đều xứng đáng và phát huy hiệu quả cao trong công tác. Có năm như 1984 và 1991, số được xét phong học hàm vượt quá 1.000 mỗi đợt mà chất lượng nhìn chung vẫn đảm bảo.

Chỉ có nhận thức khoa học mới tránh tình trạng làm mất hết ý nghĩa của GS/PGS khi chúng được phong cho một số người không xứng đáng. “Khi đặt tên gọi cho GS/PGS, không thể tùy tiện theo ý chí chủ quan, duy ý chí của cá nhân hay một nhóm nào đó” - PGS.TSKH. Lê Cảm, một trong hai TSKH đầu tiên của giới luật học Việt Nam, khẳng định.

MỚI - NÓNG