Giáo trình… “ngủ quên” 30 năm !

Giáo trình… “ngủ quên” 30 năm !
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, những SV 8X vẫn hàng ngày lên lớp với giáo trình "tuổi 8X" (xuất bản từ những năm 1980). Những cuốn giáo trình "hàng lão" của thư viện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM xuất bản từ những năm 1960, 1970 vẫn xếp hàng phục vụ SV.
Giáo trình… “ngủ quên” 30 năm ! ảnh 1
Giáo trình từ những năm 1960, 1970

Đó là một lý do khiến SV “mất lửa” với những người bạn sách của mình. 

Thư viện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một trong những thư viện khá “hoành tráng”,  những cuốn giáo trình “hàng lão” vẫn xếp hàng phục vụ SV, như: Bộ môn phát dẫn điện, Ổn định trong hệ thống điện (1976), Thiết kế chi tiết máy (1979), Giáo trình công nghệ kim loại (tập 1 năm 1969, tập 2 năm 1972)…

Trưởng khoa Điện - Điện tử,  thầy Vũ Đình Thành cho biết: "Giáo trình kỹ thuật những năm 70 – 80 được viết theo quan điểm đào tạo cũ, nặng về hàn lâm của các nước xã hội chủ nghĩa: nhiều lý thuyết, ít ứng dụng, không cụ thể. Chính tính chất này gây nguy hại cho SV hiện nay vì cách học ấy không còn phù hợp và khó ứng dụng được thực tế."

Từ năm 1993 trở lại đây, giáo trình của trường bắt đầu có nhiều sự thay đổi. Hiện nay, trường còn rất ít môn không có giáo trình, việc sử dụng giáo trình cũ là bất đắc dĩ.

Tại SV Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, SV 8X hàng ngày vẫn lên giảng đường với "sách vở… 8X": Giải tích số (1986), Nguyên lý kiến trúc (1987), Bài tập toán (1988), Bài tập sức bền vật liệu 1988. “Già nua” hơn nữa là "Tính toán kết cấu thép" (1976), "Kết cấu bê tông cốt thép" (1978, "Nền và móng" (1978).

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Phòng thư viện nhà trường, những giáo trình "lên lão" ấy cần phải đổi từ lâu.

Hoàng Giang (Khoa Xây dựng, ĐH Kiến trúc) ái ngại: “Với SV kiến trúc, những môn như nền và móng, sức bền vật liệu, quy hoạch và phát triển đô thị vẫn của… thế kỷ trước thì… thật nguy hiểm. Đô thị bây giờ phát triển hàng ngày, nếu không có điều kiện thì mọi tiêu chuẩn, kiến thức cần phải cập nhật ít ra cũng năm năm một lần mới đúng. Vậy mà những cuốn sách ấy vẫn… điềm nhiên được xem là một phần nền tảng kiến thức của SVkiến trúc Y2K”.

Không chịu cảm thông với nỗi khổ của SV, thời gian, mối ăn mòn những góc sách, không hiếm những trang sách bị mòn vẹt. Chưa kể tới tình trạng, có những “cụ” sách từ “thuở” xếp chữ chì, mất dấu, chỗ đậm chỗ nhạt. Không ít quyển sách vừa to (khổ A4), lại dầy cộp vì kỹ thuật làm giấy lúc đó còn hạn chế. Đó là một trong những lý do khiến SV “mất lửa” với những người bạn sách của mình.

Chương trình ngoại ngữ; giống cấp 2 (!)

Giáo trình… “ngủ quên” 30 năm ! ảnh 2
Ngay từ trang đầu giáo trình đã mòn vẹt.

“Dân” xã hội cũng chịu cám cảnh với những giáo trình tham khảo lạc hậu, thông tin cũ rích. 

“Hơn ba mươi năm sau giải phóng, SV Khoa Văn vẫn không có một cái nhìn đầy đủ, thậm chí không hề biết gì về văn học từ 1975 đến nay. Giáo trình mấy chục năm nay chỉ dừng lại năm 1975. Phần sau đó, có sách chỉ viết loáng thoáng. Tôi cảm thấy ngại về điều đó, nhưng không hiểu sao giáo trình vẫn “ngủ quên trong quá khứ” lâu đến vậy”. Thu Huyền, Khoa Nhân văn và Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ.

Giảng viên khoa Nhân văn và Báo chí Phan Nhật Chiêu khẳng định: “Điều quan trọng nhất trong học văn là sự cảm nhận mới mẻ, chân thành, và khả năng sáng tạo thì SV không thể phát huy vì những giáo trình đã… quá tuổi hưu rất lâu mà vẫn miệt mài làm nhiệm vụ không biết tới bao giờ. Giáo trình lạc hậu, nguy hiểm hơn là thầy cô áp đặt, sẽ đào tạo ra SV lạc hậu và mang sức ì”.

SV Khoa Nhân văn Báo chí đến nay vẫn học những giáo trình “Lịch sử văn học" hàng chục năm không đổi. Như giáo trình văn học dân gian, sau mỗi lần tái bản, sự khác nhau duy nhất là… chất lượng giấy tiến bộ hơn (!)

“Quả là không sáng tạo được những nhân vật, thời gian sự kiện, trào lưu trong lịch sử văn học, nhưng cách nhìn về tính chất thì con mắt ngày hôm nay không thể giống với cách đây năm năm. Nếu giống, coi như thất bại. Nhưng cứ theo những giáo trình hiện nay, SV có khi đang nhìn với con mắt của… hàng chục năm trước”, ông Nhật Chiêu khẳng định.

Một chuyện thật như đùa, khi mở cuốn giáo trình "Địa lý kinh tế Việt Nam" mà Q.Phương (ĐH Kinh tế TP.HCM) đang học trong chương trình (xuất bản năm 1994), tôi hỏi bạn có biết tỉnh Đăk Nông không, biết Hậu Giang không… bạn bảo "Hậu Giang nghe… quen quen, còn tỉnh gì đó thì không biết. Chắc là không có chứ vì trong sách có thấy đâu!"

Còn SV ĐH Kiến trúc TP.HCM lại bức xúc với giáo trình Anh văn đại cương hiện vẫn học chương trình Streamline – với giáo trình mà không ít bạn đã được học ở các trung tâm từ thời cấp 2. 

Có cũng… không dùng!

SV những ngành đặc thù như sân khấu - điện ảnh, nhạc viện, mỹ thuật công nghiệp…có một nỗi niềm chung: thiếu sách. Rất nhiều môn, ngành đặc thù, giáo trình là… kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức tích luỹ của giảng viên. Thầy giỏi, cập nhật kiến thức thì SV được nhờ. Thầy không biết nhiều về kiến thức phần đó, lên lớp rao giảng… kinh nghiệm và… lăng xê mình để "cháy giờ" thì SV coi như “rủi chịu”.

Giảng viên Vũ Hiền, Trưởng Khoa Mĩ thuật công nghiệp (MTCN) xác nhận: khoa còn quá hiếm giáo trình giảng dạy. Bởi vậy, đòi hỏi giảng viên đứng lớp phải luôn ý thức cao trong việc nâng cấp kiến thức của mình và truyền thụ cho SV sao cho hiệu quả nhất. 

Trong hoàn cảnh đó, không có chuyện giáo trình lạc hậu mà chỉ có giảng viên lạc hậu. Giáo trình chuẩn cho những môn học về MTCN đến nay chưa có. Bởi "cái đẹp trong công nghiệp là bất định, thay đổi rất nhanh". Đơn giản như học về logo, logo của các năm trước phải là chi tiết, cụ thể, dễ nhìn, dễ hiểu. Bây giờ nó là biểu tượng cách điệu, nhìn vào có thể… không hiểu vẽ cái gì nhưng có ý tưởng.

Cũng vì lý do ấy, thầy Hiền cho biết bản thân thầy và nhiều thầy cô khó nghĩ có thể đầu tư một giáo trình giảng dạy vì… không có chuẩn kiến thức.

Nếu như ở Khoa MTCN, ĐH bán công Tôn Đức Thắng và một số trường khác, giáo trình được xem là quý hiếm thì ngược lại, không ít trường vẫn thờ ơ với giáo trình dù có sẵn. 

Khoa Du lịch, Trường ĐHDL Văn Hiến, chỉ sử dụng 30% giáo trình cho các môn đại cương. Chuyên ngành hầu như không có giáo trình ngoài bài giảng của thầy cô đứng lớp. Rất hiếm đầu sách do giảng viên của trường biên soạn, viết. 

SV khoa Tin học, Trường ĐH Mở Bán công TP.HCM thì chỉ được học Photoshop và tạo web. Rất nhiều chương trình bị bỏ qua, giáo trình có khá nhiều nhưng thầy cô thậm chí không định hướng cho SV tự học. Giải pháp của SV Khoa Tin lại là… đến các trung tâm tin học học thêm cho biết mới làm được việc khi ra trường – Linh Lan, SV của khoa cho biết.

Được biết, hàng năm ĐHQG TP.HCM chi hơn 2,5 tỉ cho công tác giáo trình. Khoản tiền ấy có khi vẫn… không xài hết vì không có giáo trình mới. Trong hoàn cảnh ấy, SV vẫn dài cổ đợi giáo trình mới, chịu đựng nhức mắt, nhức đầu và lạc hậu kiến thức với những cuốn sách từ thế kỷ trước, có khi gấp mấy lần tuổi mình.

Cô Văn Thị Bông, trưởng ban thư viện – xuất bản Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bình quân mỗi năm trường ĐHBK đầu tư 1 tỉ để sử dụng việc phát triển sách giáo trình, tham khảo. Hiện nay, trường có số lượng giáo trình do các thầy cô trong trường viết nhiều nhất: gần 70%.

Theo ông Lê Khắc Cường (phòng QHQT ĐHKHXH&NV), nhuận bút ĐHQG trả cho mỗi cuốn giáo trình là 15 triệu (có những giáo trình là đề tài nghiên cứu trước đó, được đánh giá từ khá trở lên được trường đầu tư 25 triệu. 40 triệu cho một cuốn sách không phải ít, nhưng giáo trình mới vẫn rất… hiếm. Giảng viên cứ hứa “thầy sẽ viết”, sinh viên cứ đợi là tình trạng chung của không chỉ riêng trường nào.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.