Giáo viên chủ nhiệm học sinh gãy chân tiết lộ thông tin 'sốc'

TPO - Cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp em Trần Chí Kiên -  học sinh bị gãy chân trong sân Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho rằng, kết quả 100% giáo viên, học sinh cho rằng không nhìn thấy ô tô đi vào trường ngày xảy ra sự việc là không chính xác bởi cô và một số giáo viên nữa không được tham gia vào buổi đánh dấu vào phiếu khảo sát đó.

Phụ huynh đề nghị Phòng GD&ĐT làm rõ

Trong đơn gửi cơ quan chức năng và báo chí mới đây nhất, anh Dũng đưa ra 7 nội dung khiến anh và gia đình không đồng tình với báo cáo của bà hiệu trưởng. Theo anh Dũng, trong đơn khiếu nại cũng như trong các buổi làm việc với cơ quan quản lý hay trả lời báo chí anh đều phản ánh con trai bị gãy chân do va chạm với xe ô tô chở Hiệu trưởng và Hiệu phó đi lại trong sân trường. Anh chưa bao giờ phản ánh thông tin là hiệu phó lái xe chở hiệu trưởng gây ra tai nạn để trong báo cáo mới đây, bà Ngọc lý giải 'quên' chi tiết có cho taxi đi vào trường là vì mải chạy theo lý giải cô Hương không lái xe vào trường. Anh Dũng cũng đề nghị Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy lên tiếng để làm sáng tỏ thông tin.

Thứ hai, anh Dũng cho rằng, Báo cáo sự việc cần xem xét gửi cơ quan báo chí của cô Ngọc có đoạn: "10h30 ngày 12/2 bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô giáo Nhung mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp". Anh Dũng khẳng định đây là sự bịa đặt vì gia đình không có ý kiến đó. Mặt khác, anh khẳng định, ngày 12/12, anh đã gặp 4 cô gồm cô Ngọc, cô Tần (Khối trưởng khối 2), cô Nhung (giáo viên chủ nhiệm) và cô Hòe (giáo viên năm lớp 1 của Kiên) chứ không gặp riêng cô Nhung và cũng không đề xuất trường tiến hành khảo sát. Trong khi đó, sau này, khi cung cấp thông tin cho báo chí, bà Ngọc lại cho rằng, việc tiến hành phát phiếu khảo sát là do cô Nhung tư vấn cho cấp ủy, Ban giám hiệu nên trường tiếp thu ý kiến gia đình, thống  nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương làm rõ sự việc.

Nguyên nhân dẫn đến lá đơn thứ 2 gia đình gửi cơ quan chức năng và báo chí là vì sau 2 tháng xảy ra sự việc học sinh bị ngã gãy chân trong sân trường, ngày 13/2, bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) gửi "Bản báo cáo sự việc đề nghị xem xét" đến nhiều tòa soạn báo chí nhằm "nói lại cho rõ sự thật" vụ việc.

Cụ thể, trong thư, bà Ngọc khẳng định 3 điều quan trọng. Điều thứ nhất là việc trường phát phiếu điều tra lấy ý kiến 100% học sinh, giáo viên là do cô Vũ Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A4 của học sinh Trần Chí Kiên tiếp thu mong muốn của phụ huynh và phản ánh lại với ban giám hiệu chứ không phải là ý tưởng của trường. Thứ hai, bà Ngọc khẳng định, bà không lái xe ô tô vào trong trường cũng không có mặt khi vụ việc xảy ra. Vì thế bà mong muốn, báo chí, dư luận không kết tội bà khi sự việc chưa được sáng tỏ.

Anh Dũng cũng đặt câu hỏi, bà Ngọc gian dối đã đành nhưng người đi cùng là cô Hiệu phó cũng có đủ sức khỏe, trí nhớ cũng như đủ đạo đức để lãnh đạo trường hay không khi cô này đi cùng bà Ngọc và hoàn toàn tỉnh táo nhưng sau đó lại không nhớ đến việc mình đã cho taxi đi vào trường?. 

"Trong khi cô Hương là người ngồi cùng cô Ngọc trên xe taxi đi vào trường, là người biết chắc chắn có xe đi vào nhưng cô Hương vẫn nằm trong số 100% giáo viên khẳng định không có ô tô vào trường. Điều này thể hiện sự gian dối, che dấu sự sai phạm và trốn tránh trách nhiệm của một giáo viên, quản lý trường", anh Dũng nói.

Giáo viên chủ nhiệm học sinh gãy chân tiết lộ thông tin 'sốc' ảnh 1

Ảnh chụp X.Quang của bệnh viện Việt Đức cho thấy học sinh bị gãy đôi xương đùi

Giáo viên: Hiệu trưởng thông tin sai sự thật

Ngay sau đó, trao đổi với báo chí, cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp em Trần Chí Kiên cho rằng, việc cô hiệu trưởng cung cấp thông tin cho báo chí là cô Nhung tiếp nhận mong muốn của phụ huynh việc làm khảo sát toàn trường là không đúng sự thật. Cô Nhung cũng tiết lộ, kết quả 100% giáo viên, học sinh cho rằng không nhìn thấy ô tô đi vào trường ngày xảy ra sự việc là không chính xác bởi cô và một số giáo viên nữa không được tham gia vào buổi đánh dấu vào phiếu khảo sát đó thì làm sao có kết quả là 100%?

Cô Nhung cũng tâm sự thêm, học sinh trong lớp khi điền phiếu điều tra thì ghi không nhìn thấy vụ việc nhưng có em sau đó cũng kể lại là con chạy đằng sau Kiên. Khi Kiên bị xe taxi đâm ngã, con đã chạy vòng ra phía sau xe để mách cô Hiệu trưởng là bạn Kiên bị đâm.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tú, giáo viên dạy lớp 5, Trường tiểu học Nam Trung Yên chia sẻ, điều khiến cô đau lòng nhất là sau vụ việc, dư luận cho rằng, tập thể giáo viên trường bao che cho hiệu trưởng nên mới làm nhiều việc như ký đơn tập thể xin giữ cô hiệu trưởng ở lại, điền phiếu điều tra để che giấu sự thật mà trên thực tế sự việc không phải như vậy.

Nhiều giáo viên của trường cũng đã phản ánh sự bức xúc, tâm lý hoang mang không thể yên tâm dạy học khi vụ việc chưa được làm sáng rõ.

Một phụ huynh có con học lớp 2A4 chia sẻ: từ cuối tháng 12, trường cử cô Nhung đến nhà dạy kèm cho Kiên nên cứ hết buổi sáng, các con lại phải học với các giáo viên khác nhau nên không đảm bảo chất lượng dạy học.

MỚI - NÓNG