Giáo viên hợp đồng: Đi đưa bia, làm thợ may…

Giáo viên hợp đồng: Đi đưa bia, làm thợ may…
TP - Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Hoài Đức- Hà Nội trong gần 10 năm qua, đứng lớp đủ giờ, làm cả giáo viên chủ nhiệm lớp, mà đến tháng lĩnh vỏn vẹn gần 600.000 đồng tiền lương, bằng nửa của giáo viên công chức.
Giáo viên hợp đồng: Đi đưa bia, làm thợ may… ảnh 1
Cô Doãn Thị Vân (Trường THCS Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Tây cũ) đã hơn 10 năm dạy hợp đồng luôn mong có mức lương cao hơn để đủ sống

Cô Nguyễn Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu – Hoài Đức, nói: “Trường tôi có 12 giáo viên hợp đồng với phòng giáo dục huyện, một giáo viên hợp đồng với trường (chỉ ký với giáo viên trong ba tháng khi thiếu người dạy). Họ giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp như giáo viên trong biên chế nhưng chỉ được huyện trả lương 600.000 đồng/tháng, nộp bảo hiểm xã hội cuối tháng còn được lĩnh 565.000 đồng”.

Thầy giáo Đào Danh Lý cho biết: “Tôi đi dạy hợp đồng đã năm năm. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ được hai triệu đồng. Dạy thể dục thì không dạy thêm được gì để tăng thu nhập”.

Ngoài thời gian lên lớp, họp hành hầu hết giáo viên hợp đồng phải làm thêm nghề phụ như làm ruộng, thợ may, dạy thêm… đồng thời vẫn phải xin viện trợ thường xuyên của gia đình: “Nhiều hôm đưa hàng may ở chợ, có người nói: “Giáo viên gì mà suốt ngày ở chợ”, cô Vân tâm sự.

Cô  Nguyễn Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu chia sẻ: “Hai giáo viên cùng đảm trách công việc nhưng giáo viên biên chế nhận lương cao hơn mấy lần. Nhiều giáo viên hợp đồng dạy tốt hơn, năm nào cũng được công nhận là giáo viên dạy giỏi, nhận bằng khen nhưng chỉ cất trong tủ”. Nhiều giáo viên được vào biên chế ỷ lại, không chịu trau dồi nghiệp vụ. Có giáo viên biên chế trong trường tôi dạy môn Toán nhưng không thể dạy được  đành cho xuống trông phòng thí nghiệm”.

Những bất hợp lý về thu nhập không làm giáo viên hợp đồng sợ bằng việc  tuyển vào biên chế. Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, mặc dù số giáo viên được biên chế còn thiếu so với nhu cầu nhưng không phải lúc nào sở cũng thi tuyển được công chức nên phải sử dụng giáo viên hợp đồng: “Giáo viên hợp đồng chỉ là giải pháp tạm thời nhưng lại tạm thời lâu quá”, ông Hải thừa nhận.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, hiện nay trong toàn huyện Hoài Đức còn khoảng 100 giáo viên dạy ngoại ngữ và còn khoảng 30-40 giáo viên tập trung ở các môn Toán, Văn đang nằm chờ để được đi dạy vì họ hiện không được trong diện giáo viên hợp đồng. 

MỚI - NÓNG