Chật vật kiếm sống, lấy ai đổi mới giáo dục - Bài 2: Yêu nghề không nỡ bỏ

Giáo viên nuốt nước mắt cầm đồng lương hẻo, đi chợ chỉ dám mua đậu phụ

Cô Huyên trong một giờ dạy tại trường.
Cô Huyên trong một giờ dạy tại trường.
TP - Nhận đồng lương eo hẹp mỗi tháng, nuốt nước mắt vào trong, nhiều giáo viên đã chấp nhận cảnh chạy vạy đủ nghề để kiếm sống. “Mình yêu nghề, yêu trẻ nên vẫn cứ hi vọng một ngày nào đó được nghề ưu đãi chứ không nỡ bỏ”, cô giáo Phạm Thị Thúy Hằng, Ba Vì (Hà Nội) nói.

Từ dạy thêm cả tuần

Tốt nghiệp loại giỏi khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô Nguyễn Thị Huyên được nhận về Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu giấy (Hà Nội) giảng dạy đầu năm 2017. Với hệ số 2,34 cộng với tiền phụ cấp đứng lớp mỗi tháng cô Huyên nhận về mức lương hơn 3 triệu đồng/ tháng.

Để tiện sinh hoạt, ba chị em thuê căn phòng trọ ở phố khá trung tâm nên đội giá lên tới 3,5 triệu đồng. Cô cho biết, cả tiền phòng trọ, tiền ăn uống, điện nước cho ba con người mỗi tháng không được quá 7 triệu đồng, trong đó tiền phòng đã chiếm một nửa. Do vậy, mỗi sáng, cô dậy sớm để đi chợ mua thực phẩm về làm đồ ăn.

Mỗi ngày chỉ có hạn mức 70.000 đồng cho 3 bữa cơm gồm sáng, cơm trưa mang đi, bữa tối nên mua gì trong khi chợ đắt đỏ cũng rất khó. Quay đi quẩn lại cũng chỉ dám mua những thứ rẻ tiền như: trứng, đậu phụ, cá đồng, tép…”, cô Huyên nói. Ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn 7 giờ sáng có mặt ở trường thì 6 giờ tối cô mới về phòng trọ.

Số tiền lương ít ỏi hàng tháng nhận về không đủ chi trả cho việc tối thiểu như bữa cơm hàng ngày cho các em nên buộc cô Huyên phải nhận mối đi gia sư, kèm học sinh ôn tập. Cô cho biết, cô đi làm gia sư tất cả các tối trong tuần. Số tiền kiếm được bữa nọ bù bữa kia cũng được trên dưới 1 triệu đồng. Số tiền kiếm được, cô dồn vào nộp học thêm văn bằng hai môn Toán. Cô vẫn đến trường bằng chiếc xe máy cũ được người anh họ cho lại đến nay đã cùn mòn, cọc cạch nhưng cô chưa dám nghĩ đến chuyện thay.

Cô thở dài, vì mình yêu con trẻ nên chọn nghề. Lắm hôm, nằm ngủ nước mắt chảy vòng quanh vì hờn tủi nhưng khi bước chân đến cổng trường, thấy học sinh chào cô, vui cười hồn nhiên mọi mệt mỏi, muộn phiền tan hết. Chưa kể, bố mẹ cô cả đời chân lấm tay bùn nuôi dạy con trưởng thành, được làm nghề giáo viên nơi thành phố cũng rất đỗi tự hào. Vì thế, dù đồng lương ít ỏi, bản thân cô cũng không dám nghĩ đến chuyện chùn bước.

… đến đi nhặt ve chai

Cô Vương Thị Thùy, giáo viên dạy Mỹ thuật Trường tiểu học Viên Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được nhiều giáo viên, học sinh trong trường biết đến vì hoàn cảnh nghèo khó phải đi nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập. Cô tâm sự, mỗi tuần cô dạy 11 lớp với 14 tiết với mức lương nhận về khoảng hơn 3 triệu đồng/ tháng. Lương thấp, chồng cô Thùy lại mang trọng bệnh nằm viện điều trị nhiều năm nay nên ngoài giờ dạy, trút bỏ bộ váy áo tinh tươm, cô xỏ giày thể thao, mặc bộ quần áo sờn cũ xách túi ra các điểm đổ rác để lượm lặt những gì còn sót lại có thể bán được mang về.

Để có tiền trang trải viện phí, thuốc men, cô Thùy phải làm đủ nghề như: quét sơn, giúp việc theo giờ cho các giáo viên khác trong trường. Cô chia sẻ, thầy cô ban giám hiệu biết hoàn cảnh nên sắp xếp lịch dạy gần nhau để cô dành thời gian đi làm thêm. Các giáo viên trong trường thi thoảng gọi cô đến giúp việc nhà ngày 2-3 tiếng. Cứ như vậy, mỗi ngày cô kiếm thêm 100-150.000 đồng để giúp cô nuôi chồng bị bạo bệnh.

Đam mê nên bám trụ với nghề

Đồng lương eo hẹp là thế nhưng đa số giáo viên khi được hỏi đều có điểm chung là yêu nghề, yêu trẻ nên dù lương thấp vẫn nhất quyết bám trụ.

Cô Phạm Thị Thúy Hằng có thâm niên 16 năm đứng lớp tại Trường tiểu học nông trại bò, Ba Vì (Hà Nội) đến nay chỉ nhận mức lương hơn 1 triệu đồng/ tháng. Vì trót yêu nghề, yêu lớp nên cô Hằng cứ đến trường năm này qua năm khác bằng niềm tin và hi vọng một ngày mình sẽ được nghề đãi ngộ.

Năm 2009, cô về Trường tiểu học nông trại bò Ba Vì cách nhà chừng 10 cây số. Dù mỗi tuần vẫn dạy đủ 16 tiết nhưng mức lương cũng chỉ được tăng lên hơn 1 triệu đồng. Tình trạng lương như thế kéo dài đến nay đã hơn 10 năm. Cô Hằng phân trần về số phận kém may mắn trong hai lần thi viên chức cô chỉ thiếu nửa điểm nên đành ngậm ngùi. “Thi viên chức giảng bài trực tiếp mình được đánh giá cao, giành 8,5 điểm nhưng vì đăng ký nguyện vọng không trúng nên đành chịu và chờ đợt thi tiếp”, cô nói.

Ly hôn chồng, một mình nuôi hai con ăn học nên để trụ lại với nghề cô Hằng phải lăn lộn dạy thêm ngoài giờ để kiếm sống. “Nước mắt rơi đã nhiều rồi, lắm lúc cũng nghĩ đến chuyện bỏ trường để ra các trung tâm Anh ngữ tuy nhiên mình trót yêu trường, yêu học trò nên cứ theo đuổi, cứ hi vọng”, cô Hằng ngậm ngùi.

Hay như cô Nguyễn Thị Xuyến, giáo viên một trường mầm non ở Hà Nội ra trường đã 5 năm, nhận mức lương 3,6 triệu đồng. Cô Xuyến chia sẻ : “Chỉ mong được nhà nước tăng lương để cuộc sống đỡ chật vật còn cô chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề”. Lý giải điều này, cô Xuyến nói vì cô trót yêu trẻ, yêu trường, khi đến lớp vùi đầu vào công việc, cô chẳng còn thời gian để nghĩ, để buồn.

MỚI - NÓNG