Giáo viên ở Than Uyên, Lai Châu : Quà Tết là ổ chó con

Giáo viên ở Than Uyên, Lai Châu : Quà Tết là ổ chó con
TP - Cô giáo Nguyễn Tố Uyên ngậm ngùi: “Tết sắp đến, nhà trường phải vận động các cô giáo bỏ tiền túi ra mua tất cho các em đi. Còn thưởng Tết ư, nhắc làm chi”.

Trường mầm non Pa Mu trong thung lũng hoang vắng của dãy núi cao bên dòng sông Nâm Mu thuộc huyện Than Uyên (Lai Châu).

Xuân về, hoa đào hoa ban đã nở rực. Cả trường có một nhà gạch lợp ngói còn nữa toàn tranh tre nứa lá. Gió mùa đông bắc lạnh như cắt lùa rơi cả mái tranh. Nhiều trâu bò lăn ra chết. Học sinh lớp mầm non vẫn phong phanh áo mỏng, có em không mặc quần, để lộ làn da tím tái, run rẩy.

Mười chín năm trong nghề, cô chưa một lần có tiền thưởng Tết. Trường có năm cô quê ở miền xuôi, phải đi bộ nửa ngày đường để ra được bến xe khách.

Rồi từ đó, vượt qua hàng trăm cây số đường núi mới về được tới nhà. Về nhà, không quà cáp, không tiền, ở được vài hôm lại vượt qua một hành lộ nan để quay trở lại Pa Mu. Có cô đành ở lại trường, đón Tết giữa bốn bề núi rừng heo hút.

Giáo viên ở Than Uyên, Lai Châu : Quà Tết là ổ chó con ảnh 1
Cả trường, ngoài một nhà gạch lợp ngói, toàn là nhà tranh tre mái lá

Có phụ huynh mang một ổ chó con sang chúc Tết: “Chẳng có gì biếu các cô, có ổ chó con này, nó bụ lắm, các cô chịu khó nuôi nó giữ trường cho vui”.  Định đem trả chó ngay, nhưng bận quá, các cô đành nuôi ổ chó con được một tuần rồi đem trả cho phụ huynh nọ.

Nói mãi phụ huynh mới chịu nhận. Nhưng khi các cô về đến trường, lại thấy ba con chó con đang vẫy đuôi trong nhà tập thể.

Cô giáo Nguyễn Tố Uyên khoe với tôi: “Năm nay các cô giáo ở trường mình cũng được thưởng Tết. Mỗi giáo viên được thưởng 70 nghìn đồng. Tiền này do nhà trường gây quỹ mà có. Còn một suất quà Tết dành cho giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của công đoàn nhưng cũng chưa biết giá trị bao nhiêu”.

Các cô dùng bẩy mươi nghìn để mua bộ ấm chén, bức tranh, những thứ có thể lưu lại với thời gian để làm kỷ niệm.

Mừng tuổi bằng thùng nước sạch

Trường PTCS Pù Nhi huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa nằm dưới thung lung hoang vắng. Vượt qua những “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, tôi đến trường khi các thầy cô giáo đang nấu cơm tối.

Trong ngôi nhà tập thể tuềnh toàng, cô giáo Hà Thị Thành  kê hòm viết thư về cho gia đình. Tôi thoáng thấy  bức thư mở đầu bằng: “Tết nay con lại không về...”.

Khu tập thể giáo viên chiều cuối năm, sương mù bao phủ lên mái nhà lợp bằng ván gỗ đầy mối mọt. Thầy giáo Trần Đình Cường bảo: “Chúng mình chưa lo Tết, trước hết phải lo việc ...nước đã”.

Cả khu tập thể giáo viên ở đây thường xuyên thiếu nước sạch dùng. Chỉ có một cái bể xi măng nhỏ xíu để  dự trữ nước sạch, tắm giặt đành phải ra con suối gần trường. Các cô giáo phải xách nước cả cây số về nhà tắm. Nhưng nước suối giờ đây cũng nhiễm bẩn.

Còn nước để ăn, giáo viên phải vào bản mua của đồng bào dân tộc. Tiền lương và các loại phụ cấp giáo viên vùng cao cũng một tháng trên vài triệu đồng. Nhưng ở nơi nước sạch cũng phải đi mua từng thùng, thu nhập của họ trang trải hết cho chi phí sinh hoạt.

Giáo viên ở Than Uyên, Lai Châu : Quà Tết là ổ chó con ảnh 2

Lớp học mầm non tạm bợ ở làng Lơk, xã Lơk ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Ảnh: Sỹ Huỳnh

Còn thưởng Tết? Thầy giáo Lê Khắc Tu, Hiệu trưởng trường PTCS Pù Nhi cho biết: “Nhà trường chịu khó gây quỹ từ đầu năm, Tết thưởng cho giáo viên trên dưới ba trăm nghìn một chút thôi”.

Ông Lương Văn Bường, Chủ tịch huyện Mường Lát, tâm sự: “Mường Lát vẫn đang là một trong những huyện nghèo nhất nước”.

Giáo viên ở thung lũng hoang vắng ngày Tết có một niềm vui nho nhỏ. Họ được đồng bào dân tộc sang chúc mừng năm mới và mừng tuổi cho mấy thùng nước sạch.

MỚI - NÓNG