Giáo viên phải chủ động thay đổi thông lệ xấu

Giáo viên phải chủ động thay đổi thông lệ xấu
TP - Cần phải chấm dứt tình trạng thương mại hoá trong cách đón nhận ngày 20/11 của mọi đối tượng liên quan, phải trả nó trở về với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu và theo đúng nghĩa tôn sư trọng đạo...
Giáo viên phải chủ động thay đổi thông lệ xấu ảnh 1
Một bông hoa cũng đủ để bày tỏ tình cảm với thầy cô. Ảnh: H.V

Sự quan tâm của xã hội dành cho nghề giáo trong ngày 20/11 vốn xuất phát từ truyền thống tôn sư trọng đạo, từ tình cảm thầy trò chân thành. Nhưng hiện nay nét đẹp đó đang có nguy cơ bị thương mại hóa trong quan hệ giáo viên - phụ huynh, giáo viên - học sinh.

Nhiều thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh đang trăn trở trước thực trạng này. Tiền phong xin giới thiệu tâm sự của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tôi - với tư cách một nhà giáo – đã từng rất vui khi thấy học trò đến với mình bằng tình cảm, cũng chẳng hoa chẳng quà cáp gì, nhưng rất vui. Chính sau những cuộc gặp như thế mà tôi như cảm thấy được động viên.

Nhưng càng về sau, tôi cảm thấy việc thăm viếng dần dần ít đi tình cảm chân thành. Đó cũng là hiện trạng chung của xã hội. Có một số người suy nghĩ nếu mình không tặng quà cho thầy cô thì con em mình thiệt, sợ thầy cô trách mình vô tình...

Tôi cho rằng cần phải chấm dứt tình trạng thương mại hoá trong cách đón nhận ngày 20/11 của mọi đối tượng liên quan, phải trả nó trở về với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu và theo đúng nghĩa tôn sư trọng đạo.

Trên thực tế, cho dù các vị phụ huynh mang quà tặng thầy cô nhưng con họ đối với thầy cô giáo có thái độ hỗn láo thì làm sao thầy cô thấy mình được tôn vinh? Nhiều em học trò còn đề nghị cha mẹ tặng quà cho thầy cô con đẹp hơn, giá trị hơn quà của bạn này, bạn kia...

Hãy để học trò đến với thầy cô bằng tình cảm. Chỉ cần đem một bông hoa đến tặng thầy cô thôi cũng là cách  bày tỏ tình cảm. Đừng nên để lại trong lòng trẻ thơ nhận thức về việc mua bán của người lớn, vạch ra những nét đen trong tâm hồn trẻ thơ.

Tuy nhiên, mong muốn là như vậy. Nhưng tìm một giải pháp để thực hiện mong muốn đó là rất khó. Theo tôi, trước hết người  giáo viên cần phải chủ động. Họ phải cho học trò một lời khuyên để học trò hiểu rằng, cô cần sự tôn trọng, yêu mến đúng  nghĩa.

Tất nhiên, thay đổi thì rất khó. Nhưng nếu mỗi giáo viên quyết tâm thì họ sẽ nhận được sự tôn trọng của phụ huynh, của học trò. Thực ra có nhiều thầy cô giáo cực khổ quá nên cũng có tâm lý chờ đợi quà cáp dịp đó. Do đó, nói ra điều này thì có người cho rằng phải giải quyết vấn đề đời sống cho giáo viên. Nhưng ông bà ta có câu, đói cho sạch, rách cho thơm.

Cả nước có 1 triệu giáo viên, không phải ai cũng nhận thức như nhau, không phải ai cũng cùng quan điểm. Nhưng cũng không thể dùng biện pháp hành chính. Chỉ có thể tác động tới nhận thức của người làm nghề giáo thông qua nhiều kênh.

Dư luận xã hội cũng là một kênh. Phải làm sao để mỗi giáo viên nhận thức rằng, nghề làm thầy đòi hỏi cái đức trong sáng, người thầy chỉ cần thái độ tôn trọng, yêu mến của học trò là đủ.

Biểu hiện của tôn trọng và yêu mến là có thái độ nghiêm túc trong khi học. Người thầy phải là một thành trì của sự liêm khiết. Nếu tiêu cực xâm phạm được thành trì đó đó thì là sự đau lòng, là dấu hiệu báo động.  

Quý Hiên ghi

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.