Giỏi hơn Anh, Mỹ sao Intel khó chọn nhân viên Việt Nam?

Giỏi hơn Anh, Mỹ sao Intel khó chọn nhân viên Việt Nam?
Ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa Việt Nam & Giáo dục (IVCE), cho rằng, kết quả PISA về khả năng giỏi toán và khả năng khoa học của học sinh Việt Nam không giúp ích cho học sinh Việt Nam khi học đại học và sau khi ra trường, làm việc.

Giỏi hơn Anh, Mỹ sao Intel khó chọn nhân viên Việt Nam?

> Bộ GD-ĐT nói gì về kết quả đánh giá học sinh của PISA
> PISA & YOLO
> Giám đốc PISA nói về học sinh Việt Nam giỏi hơn Anh, Mỹ

Ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa Việt Nam & Giáo dục (IVCE), cho rằng, kết quả PISA về khả năng giỏi toán và khả năng khoa học của học sinh Việt Nam không giúp ích cho học sinh Việt Nam khi học đại học và sau khi ra trường, làm việc.

"Học sinh Việt Nam hay các nước châu Á học nhiều kiến thức toán và khoa học tại PTTH, nhưng học nhiều có giúp ích gì cho sinh viên khi vào môi trường làm việc? Câu trả lời là KHÔNG!".

Học sinh Việt Nam giỏi toán không có gì ngạc nhiên
Học sinh Việt Nam giỏi toán không có gì ngạc nhiên.

Bộ GD-ĐT rất tự hào khi chia sẻ kết quả đánh giá “mỹ mãn” của PISA về khả năng toán học của học sinh Việt Nam. Vị trí 17/65 nước, cao hơn cả Anh, Mỹ, ông có chia sẻ với niềm tự hào của Bộ GD-ĐT không, tại sao?

Ông Trần Thắng: Khi chúng ta nói về phẩm chất của một học sinh là chúng ta đánh giá toàn diện về các mặt như: kiến thức khoa học, kiến thức nhân văn học, kiến thức nghệ thuật, kỹ năng cá nhân, kỹ năng đọc sách, kỹ năng viết, thể dục thể thao.

PISA 2012 thẩm định về toán và khoa học thì chúng ta được hiểu là kết quả này không đại diện cho toàn bộ phẩm chất của một học sinh.

Các nước châu Á dạy toán và các môn khoa học nhiều hơn so với Mỹ hay các nước Tây phương. Ví dụ như chương trình PTTH tại Mỹ từ lớp 9 đến lớp 12, học sinh được học môn Toán tại mỗi năm. Nội dung môn Toán của mỗi năm thấp hơn nhiều so với chương trình Việt Nam.

Chương trình Toán lớp 9-10 tại Mỹ tương đương với lớp 8-9 tại Việt Nam, chương trình Toán lớp 11-12 tại Mỹ tương đương với lớp 10-11 và một phần lớp 12 tại Việt Nam. Toán lớp 12 tại Việt Nam tương đương Toán của năm thứ nhất đại học Mỹ ngành Kỹ Sư & Tin Học, là loại Toán cao cấp chỉ giành cho các ngành này.

Về các môn khoa học Sinh, Hóa, Lý cũng vậy. Lượng thời gian học các môn khoa học của học sinh Việt Nam gấp 4 lần so với học sinh Mỹ. Học sinh Việt Nam học nhiều về toán và khoa học nên nhạy bén hơn học sinh Mỹ.

Ngoài ra chúng ta xem thái độ thi cử của học sinh thế nào? Việt Nam rất nặng về các kỳ thi cử, mỗi kỳ thư cử là cả nước phải rúng động, phụ huynh, học sinh đều căng thẳng, mệt mỏi. Ngay từ nhỏ, học sinh Việt Nam có thái độ thi nghiêm túc, chuẩn bị tốt về tâm lý và kiến thức học. Ðây là điểm tốt của học sinh Việt Nam.

Ðối với học sinh Mỹ lại khác, họ xem nhẹ thi cử. Như môn thi SAT, là môn thi bắt buộc cho học sinh vào đại học, một năm tổ chức 7 kỳ thi, nhưng rất nhiều phụ huynh Mỹ không biết khi nào con mình thi SAT.

Theo tôi, với 2 yếu tố trên, PISA 2012 cho thấy các nước châu Á dẫn đầu về toán và khoa học là không có chút gì ngạc nhiên.

Ngoài ra, kết quả thẩm định về giáo dục phụ thuộc nhiều về địa lý kinh tế. Theo nghiên cứu của Viện Brookings (US), học sinh ở Thượng Hải đạt 84% vào đại học. PISA 2012 cho thấy kết quả của thành phố Thượng Hải (China) là cao nhất.

Nếu như Việt Nam lấy kết quả của học sinh trường chuyên Amsterdam hay các trường chuyên top đầu thì Việt Nam đạt hạng cao nhất trong bảng của PISA 2012.

Tại Mỹ, nếu lấy kết quả của các trường tại tiểu bang Connecticut như Choate Rosemary Hall, The Loomis Chaffee School, Darien High School, Conard High Scholl, Weston High School, Hall High School; hoặc các trường thuộc tiểu bang Massachusetts như Phillips Andover Academy, Deerfield Academy, Sturgis Charter Public School, Advanced Math & Science Academy Charter School, Salem Academy Charter School, là 2 tiểu bang có nền giáo dục tốt nhất và GDP cao tại Mỹ, thì chúng ta chưa biết học sinh nào giỏi hơn học sinh nào về toán và khoa học.

Nhưng phải nhìn lại, Việt Nam dạy nhiều về toán và khoa học như vậy là do nhu cầu của môi trường đại học hay là môi trường làm việc? Thử đặt câu hỏi tại sao Việt Nam dạy nhiều về kiến thức toán & khoa học so với Mỹ và các nước Tây phương trong khi học sinh Mỹ và Tây phương lại thành công khi vào môi trường đại học hoặc ra trường làm việc tốt.

PISA 2012 là dịp để Bộ GD-ÐT xem lại chương trình giáo dục của PTTH Việt Nam so với các nước trên thế giới để từ đó có hoạch định chính sách cho phù hợp với nhu cầu hơn là tự hào về PISA 2012.

Cùng với kết quả PISA "mỹ mãn" theo niềm tự hào của Bộ GD-ĐT, Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) đã chỉ ra một nghịch lý: có tới 50% sinh viên tốt nghiệp đi làm đều phải đào tạo lại. Phải lý giải những con số mâu thuẫn này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thắng: Mỹ hay các nước Tây phương thiết kế chương trình giáo dục có tính liên tục, có nghĩa là chương trình PTTH làm nền tảng cho chương trình ÐH, chương trình ÐH làm nền tảng cho chương trình sau ÐH và nghiên cứu khoa học, chương trình ÐH làm nền tảng cho sinh viên ra trường làm việc.

PISA 2012 chỉ ra kết quả cao của Việt Nam hay các nước châu Á, nhưng nếu đặt trong một tổng thể về giáo dục thì kết quả này có giá trị gì? Tại Mỹ, học sinh PTTH được học căn bản và các kỹ năng khác, khi vào ÐH sinh viên sẽ được học rộng về chuyên ngành và các kỹ năng khác phục vụ cho việc đi làm sau này.

Học sinh Việt Nam hay các nước châu Á học nhiều kiến thức toán và khoa học tại PTTH, nhưng học nhiều có giúp ích gì cho sinh viên khi vào môi trường làm việc? Câu trả lời là KHÔNG! EuroCham đánh giá như thế, công ty Intel của Mỹ khi tuyển nhân viên trong 2.000 sinh viên chỉ chọn ra được 90 ứng cử viên, tương đương 5% đạt yêu cầu.

Không có gì mâu thuẫn về PISA 2012 và sách Trắng của EuroCham, tại vì chúng ta hiểu sai vấn đề khi so sánh. Hai vấn đề này hoàn toàn không liên quan gì với nhau.

PISA 2012 thẩm định về toán và khoa học của học sinh PTTH lứa tuổi 15. Toán và khoa học là 2 trong tổng số các phẩm chất của học sinh.

Nhận định của EuroCham, Intel đi sâu vào vấn đề về chất lượng ra trường của sinh viên Việt Nam. Chất lượng ra trường của sinh viên Viêt Nam là kết quả của nền giáo dục Việt Nam.

Bộ GD-ĐT đã đưa ra 'đề án đổi mới toàn diện giáo dục', được coi là đề án tốt nhất của Bộ từ trước tới nay. Nhưng nhìn vào thực trạng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, ông có đề xuất gì cho đề án này?

Ông Trần Thắng: Tôi chưa đọc về đề án này. Từ khi quan tâm và làm việc về lãnh vực giáo dục, tôi nghe và đọc nhiều đề án, đề án nào cũng nói thay đổi mạnh mẽ. Nhưng thực tế thì chất lượng học sinh và sinh viên vẫn không khá.

Tôi nghĩ việc thay đổi giáo dục đơn giản, nó không như cái gì người ta gọi “cuộc cách mạng giáo dục”, “triết lý giáo dục Việt Nam”, “thay đổi toàn diện”…

Có nhiều việc cơ bản chúng ta không làm hoặc làm kiểu nửa chừng. Chương trình thay đổi giáo dục Việt Nam muốn có kết quả cần phải có suy nghĩ thực tế, nên bỏ hết các giáo điều ra bên ngoài, như việc làm cho một bài toán đơn giản 1 + 1 = 2.

Để trả lời cho câu hỏi chất lượng đầu ra, theo tôi ngành giáo dục cần phải thay đổi những điểm chính cụ thể như sau:

Về chương trình học: PTCS cấp I, II: giảm 30% lượng thời gian học, tăng chất lượng dạy và học, tăng thời gian giải trí, tăng thời gian đọc sách, tăng kỹ năng viết, tăng kỹ năng cá nhân. Bỏ kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10.

PTTH cấp III: giảm 30% lượng thời gian học, tăng chất lượng dạy và học, tăng thời gian giải trí, tăng thời gian đọc sách, tăng kỹ năng viết, tăng kỹ năng nghiên cứu, tăng kỹ năng cá nhân, tăng kỹ năng ngoại ngữ tiếng Anh.

Bỏ kỳ thi Ðại Học, dùng điểm thi tốt nghiệp PTTH và điểm học tại 3 năm PTTH làm kết quả xét tuyển vào Ðại Học. Kỳ thi PTTH nên tổ chức thi 4 môn như trước năm 2000.

Cần lưu ý, học sinh VN đang học 13 môn trong năm học, trong khi học sinh Mỹ tại lớp 9-10 học 5-6 môn và lớp 11-12 học 6-8 môn.

Ðại học: tăng chất lượng dạy và học, điều chỉnh lại chương trình chuyên ngành năm thứ 2, 3, 4 cho phù hợp với nhu cầu thực tế nơi làm việc. Tăng kỹ năng đặc thù cho một số ngành riêng biệt, ví dụ như Kỹ sư Cơ khí cần có kỹ năng về viết kỹ thuật (technical writing), kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng sử dụng các phần mền vẽ trên máy tính như UG, CATIA, ProE. Tăng kỹ năng ngoại ngữ tiếng Anh. Tăng chất lượng thời gian thực tập của sinh viên. Tăng quan hệ hợp tác quốc tế.

Về chính sách: Sở giáo dục toàn quyền xây dựng hệ thống PTCS và PTTH.

Hệ thống đại học chia làm 3 loại: A, B, C. Trường Ðại học loại A được toàn quyền xây dựng mô hình đại học và không phụ thuộc vào Bộ GD-ÐT như cách quản lý của Ðại học Quốc gia VN hiện nay. Trường Ðại học loại B có một số mặt thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ÐT và một số mặt toàn quyền quản lý. Trường Ðại học loại C thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ÐT. Khi các trường loại B, C phát triển thành loại A thì trường hoàn toàn tự quản lý.

Về ngân sách: Quốc hội tăng ngân sách cho ngành giáo dục 10% GDP.

Trường Ðại học Việt Nam được phép thành lập Endowment (Quỹ tiền riêng). Endowment là tiền từ các nguồn như tài trợ của chính phủ, tài trợ của quốc tế, tài trợ của công ty, tiền học phí, tiền lợi nhuận từ đầu tư, tiền đóng góp từ cựu sinh viên và nhà hảo tâm...

Nhà trường toàn quyền sử dụng nguồn tiền này. Ðây là nguồn tiền riêng của trường kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hệ thống ÐH công lập và tư thục Hoa Kỳ đều sống vào nguồn Endowment.

Xin chúc đề án thành công.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hiếu Lam
Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG