Giữ “lửa” đam mê học tập cho trẻ

Giữ “lửa” đam mê học tập cho trẻ
TP - Với những bậc cha, mẹ, làm cách nào để con trẻ luôn hào hứng với “sách bút thân yêu ơi”, để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, để đạt hiệu quả cao trong học tập là câu hỏi thường trực...
Giữ “lửa” đam mê học tập cho trẻ ảnh 1

Thầy giáo Trần Phương -  “tác giả” của lớp học đặc biệt với 5 học sinh lớp 6 “giải ngon” đề thi đại học môn Toán khối B năm 2007, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.

10 giờ sáng 7/9, thầy Trần Phương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ (CENSIP) giảng môn Toán cho các em học sinh khối 6, 7, 8, 9 tại giảng đường Đại học Hà Nội.

Không khí lớp học rất vui vẻ, thân thiện. Trên bục giảng, thầy tươi cười, hướng dẫn những phép toán khi thì bằng cách viết lên bảng, lúc thì bằng màn chiếu projector với những minh hoạ “biết nói”…

“Một đàn vịt đi dạo, người ta đếm được 3 con đi trước, đi trước 3 con; 3 con đi giữa, đi giữa 3 con; 3 con đi sau, đi sau 3 con. Hỏi đàn vịt có mấy con?” - Thầy Phương bất ngờ dừng giảng, đặt câu hỏi cho cả lớp. Dưới lớp, học sinh xôn xao bàn tán. Nhiều em mạnh dạn đưa ra đáp án và lý giải. Tất cả đều bị cuốn vào với sự hứng thú của môn học được thầy giáo chuyển tải bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Hết 40 phút của tiết Toán, các em ùa ra sảnh nghỉ giải lao, trước khi bước vào học môn “Khám phá thế giới”. Môn học hôm nay nói về các con vật. Các em được xem video về nhiều con thú, cùng với sự hướng dẫn, giảng giải của giáo viên phụ trách.

“Chúng tôi luôn cố gắng kết hợp học mà chơi, liên tục thay đổi không khí với nhiều “món ăn” khác nhau để các em không cảm thấy chán” - Thầy Phương nói trong giờ giải lao.

Học mà chơi

Các giáo viên ở Câu lạc bộ Phát triển tài năng học sinh (thuộc CENSIP) có biện pháp gì để giúp học sinh không chán học, nhất là khi các em đã phải bù đầu với bài vở ở trường và cả ở nhà?

Câu lạc bộ Phát triển tài năng học sinh khai giảng khoá đầu tiên vào ngày 1/6 với 300 học sinh được lựa chọn từ kiểm tra IQ. Hiện nay, một tuần các em chỉ học một buổi vào chủ nhật với 6 tiết: 1 tiết Toán logic, 2 tiết tiếng Anh, 1 tiết Khám phá thế giới, 1 tiết Tin học, 1 tiết Toán kết nối Công nghệ Thông tin (tới đây sẽ đổi sang Toán Tiếng Anh).

Riêng với môn Toán do tôi đứng lớp, vì thời lượng học chỉ có 40 phút, nên tôi không thể dạy “sách vở” như thông thường. Tôi không đọc cho học sinh chép đề bài mà phải soạn, photo rồi phát cho các em trong giờ học. Ngoài viết bảng, giáo viên dùng màn chiếu để cung cấp cho học sinh những bài toán liên hệ, hình minh hoạ…, giúp các em thay đổi không khí, cũng như hiểu thêm được vấn đề.

Đặc biệt, thường đến cuối giờ học, khi thấy học sinh mệt mỏi, tôi sẽ không giảng nữa mà dùng những bài toán đố dân gian để hỏi. “Một con ếch sa xuống hố sâu 3m. Mỗi lần con ếch nhảy được 0,5m, hỏi sau bao lâu thì con ếch nhảy được lên khỏi hố?”. Tôi sưu tầm trong sách và trên mạng internet hàng vạn bài toán thông minh như thế để đan xen trong giờ giảng. Những bài toán kiểu này thường lôi kéo được sự hào hứng tham gia của các em.

Nhưng nếu cho các em “ăn” mãi một món trong một thời gian dài sẽ làm chúng chán và “bỏ bữa”?

Đúng vậy! Chính vì thế mà sau 40 phút học, các em chuyển sang tiết học với môn khác như Tiếng Anh, Khám phá thế giới, Tin học… để thay đổi không khí.

Với tiết học Khám phá thế giới, các em học mà… chơi. Thông qua những đoạn phim được chiếu trên màn ảnh rộng, được soạn theo nhiều chủ đề: Lịch sử, địa lý, khoa học phổ thông, thế giới động vật…, giáo viên sẽ “lồng tiếng”, giải thích cho các em. Những ai chưa hiểu, có thể hỏi thầy, cô tại lớp. Những bài học này giúp các em được bồi dưỡng thêm kiến thức xã hội một cách nhẹ nhàng.

Đặc biệt, một tháng, chúng tôi tổ chức cho các em tham gia hoạt động ngoại khoá một lần. Học sinh sẽ tham gia vui chơi có thưởng, những trò chơi đố tiếng Anh, giải đố dân gian… Đây là hoạt động chúng tôi rất chú ý, nhằm chuyển tải kiến thức môn học qua trò chơi.  

Dạy cách đọc sách

Nhiều người cho rằng, việc các em học một cách thụ động cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chán học, vậy giáo viên của trung tâm có phương pháp gì giúp khắc phục tình trạng này?

Một trong những mục đích hướng tới của chúng tôi là rèn cho các em khả năng tiếp cận, giải quyết vấn đề, chứ không phải chỉ chăm chăm giải các bài toán trong sách giáo khoa. Chính vì thế, tới đây, chúng tôi sẽ dạy các em phương pháp đọc sách, thay vì bắt các em học thuộc lòng các định nghĩa, khái niệm mà không hiểu về bản chất.

Riêng với môn Toán, tôi sẽ dành 15 phút để hướng dẫn cách đọc sách, 15 phút làm bài tập, 10 phút để học sinh giải các bài toán thông minh.

Thay vì đọc lại khái niệm, định nghĩa cho các em chép, chúng tôi hướng tới giải thích mục đích của chương, bài trong sách giáo khoa, trên cơ sở đó mới đưa ra khái niệm, định nghĩa và bài minh hoạ.

Thầy có lời khuyên gì để các em học tốt và luôn đam mê môn Toán?

Để con học tốt và luôn ham học, bố mẹ phải là người thầy đầu tiên, giúp đỡ con, đặc biệt là ở khối tiểu học. Các bậc phụ huynh đừng vì muốn con giỏi môn này, môn kia mà ép các cháu học quá nhiều. Hãy cho các cháu đổi “món ăn” chứ không nên “nhồi” mãi một loại.

Theo tôi, thầy giáo cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Thầy giỏi sẽ có trò hay. Thầy giỏi không chỉ có kiến thức, phương pháp truyền đạt tốt mà còn phải thối được niềm đam mê học tập cho học sinh bằng cách làm sinh động bài giảng của mình.

Xin cảm ơn Thầy.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.