Gỡ điểm nghẽn trong nghiên cứu khoa học

GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NH.
GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NH.
TP - Ngày 29/7, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”.

Đào tạo và nghiên cứu là hai trụ cột chính

Hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học, Viện nghiên cứu, các bộ/ngành, các doanh nghiệp. Những thuận lợi, khó khăn trong nghiên cứu khoa học được các đại biểu đưa ra để định hướng trong thời gian tới.

Theo PGS. TS Vũ Văn Tích, trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia Hà Nội về khảo sát hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011 – 2016, khối trường kỹ thuật công nghệ, khối trường nông, lâm, ngư, y  là có đóng góp lớn nhất về nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH. Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế ISI và Scopus của các khối trường này cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Một số trường kỹ thuật công nghệ lớn cho thấy công bố quốc tế giai đoạn 2011-2016 là có 1.733, chiếm khoảng hơn 30% công bố của ngành giáo dục trên cả nước. Khối trường ĐH nông, lâm, ngư, y đăng tải 7.023 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế.

Trong khi đó, khối các trường ĐH sư phạm, Khoa học xã hội và nhân văn các công trình nghiên cứu khoa học và các bài báo quốc tế còn rất khiêm tốn. Báo cáo của 21 cơ sở đào tạo sư phạm trên cả nước cho thấy về công bố quốc tế, trung bình 7 cơ sở đào tạo giáo viên lớn của cả nước cần  7-10 giảng viên mới công bố được 1 bài (tính cả ISI, Scopus, các bài quốc tế khác và bài toàn văn trong hội thảo quốc tế). Về công bố trong nước, tỉ lệ trung bình của các giảng viên là 0,2-0,52 bài/năm.

Tuy khối ngành kỹ thuật công nghệ, nông, lâm, ngư, y có nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều bài báo quốc tế nhưng đánh giá chung cho thấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân một phần do kinh phí còn hạn chế. Nhưng mặt khác, theo GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, các Giáo sư, Tiến sĩ ở các trường ĐH của Việt Nam phần giảng dạy vẫn chiếm nhiều hơn phần nghiên cứu.

Trong khi ở nước ngoài, Giáo sư chủ yếu làm nghiên cứu. Chính vì vậy, GS Đặng Kim Vui kiến nghị cần có sự thay đổi, điều chỉnh. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định nghiên cứu khoa học và đào tạo là 2 trụ cột của các trường ĐH, nhưng triển khai thế nào có sự khác nhau giữa các quốc gia, các cơ sở đào tạo.

Doanh nghiệp vào cuộc

Đại diện đến từ tập đoàn VNPT, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng giám đốc cho biết hiện hai lĩnh vực công nghệ nền tảng và công nghệ ứng dụng tập đoàn rất cần nhưng phải đi nhập của nước ngoài. Vì vậy, nếu cơ sở giáo dục ĐH sẵn sàng thì ông Tân cho rằng hoàn toàn có thị trường.  Có thể nói nguồn cung của Việt Nam chưa sẵn sàng hoặc sẵn sàng chưa cao. Đề xuất: cơ sở giáo dục ĐH có cơ chế để giảng viên, Giáo sư làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp. Chúng ta không kỳ vọng  nhập khẩu trọn gói sản phẩm nước ngoài về. Chúng ta đã phải trả giá.

Thứ hai, quy mô đào tạo, cần tính đến số lượng sinh viên cho từng ngành, cần đến bao nhiêu. Ví dụ lập trình viên, FPT hàng năm cần 15.000, VNPT cũng cần nhiều nghìn người nhưng thị trường không đáp ứng được. Rồi chuẩn kiến thức cho sinh viên cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để làm sao có thể thực hiện được công việc hiện tại.

GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị chính phủ cần tạo điều kiện để các trường ĐH tham gia vào các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp nước ngoài.

Kết luận tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng thời gian vừa qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục về nghiên cứu khoa học là mối quan hệ tự thân.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chủ trương để sắp tới mối quan hệ này là mối quan hệ tự giác. Về kinh phí, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định đã có hành lang pháp lý chung, Bộ không phân biệt giữa công và tư. Chỗ nào còn khó khăn, hai Bộ sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, mỗi năm, ngành giáo dục được phân khoảng 200 tỷ đồng cho quỹ nghiên cứu khoa học. Nhưng với cách phân bổ như truyền thống vừa qua là không hợp lý, thời gian tới, kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học không cấp hành chính mà theo chất lượng công trình, đối tượng ưu tiên. Bộ cũng sẽ tiến tới đưa tiêu chí chất lượng lên, không tính số lượng.

MỚI - NÓNG