Góc khuất sau những tấm huy chương

Góc khuất sau những tấm huy chương
TP - Theo những giáo viên mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, quy trình tuyển chọn hiện nay đang có nhiều bất cập, thậm chí là những “bước lùi” so với quy trình trước đây. G.S Đàm Trung Đồn (ĐHQG Hà Nội) nhận định. 

Mỗi khi nghe tin học sinh Việt Nam (VN) đạt được thành tích cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi quốc tế (HSGQT) thì chắc hẳn mỗi người trong chúng ta ngoài lòng tự hào còn ẩn chứa một niềm hy vọng về một nền khoa học VN  sẽ lớn mạnh nay mai, trở thành động lực đưa nền kinh tế phát triển.

Góc khuất sau những tấm huy chương ảnh 1
Nghiên cứu vật lý thực nghiệm vẫn là khâu yếu của khoa học Việt Nam (Ảnh mang tính chất minh họa)

Nhưng khi nền khoa học của chúng ta chưa lớn mạnh như hy vọng, thì quy trình tuyển chọn học sinh giỏi đi thi quốc tế đã bộc lộ những bất cập gây nhiều băn khoăn trong giới chuyên môn.

Bước lùi

G.S Đàm Trung Đồn- nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội)- cho biết: “Tính riêng bộ môn Vật lý, về mặt thành tích tương quan với các nước ASEAN, chúng ta không thể mãi tự hào.

Trước kia, đoàn học sinh VN chỉ có thua Trung Quốc, còn các nước như Indonesia, Singapore, Thái Lan... thì xếp dưới. Nhưng hai, ba năm nay, thành tích của chúng ta còn thua cả các nước trong khu vực”.

Đem vấn đề nêu trên trao đổi với nhiều giáo viên đã công tác lâu năm trong ngành giáo dục, chúng tôi đều nhận được quan điểm “không thể cho rằng học sinh chúng ta bây giờ kém hơn trước”.

Với tư cách là người từng nhiều lần được giao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn học sinh VN đi tham dự các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, G.S Đàm Trung Đồn nhận định: Thành tích các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế tùy thuộc rất lớn vào quy trình tuyển lựa có chọn ra được học sinh xuất sắc nhất hay không.

Theo những giáo viên mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, quy trình tuyển chọn hiện nay đang có nhiều bất cập, thậm chí là những “bước lùi” so với quy trình trước đây. 

Chỉ cần giỏi lý thuyết?

Một bạn từng đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế cho biết: “Thông thường, sau khi thi học sinh giỏi quốc gia xong, 30 thí sinh đạt điểm cao nhất sẽ được chọn vào vòng II.

Ở vòng II, 30 thí sinh này sẽ thi tiếp để chọn ra 5 thí sinh vào đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế. Đề thi vòng II có cả hai phần thực nghiệm và lý thuyết. 5 thí sinh đi thi quốc tế sẽ được tập trung ôn luyện từ đầu tháng 6 đến tháng 7.

Nội dung ôn luyện chủ yếu là Vật lý hiện đại và thực nghiệm. Đề thi quốc tế cũng gồm hai phần là thực nghiệm và lý thuyết”.

Hiện nay, đề thi vòng II đã bỏ phần thực nghiệm. G.S Đàm Trung Đồn phản đối việc này: “Những học sinh giỏi lý thuyết thì không hẳn sẽ giỏi thực nghiệm.

Quy trình tuyển chọn hiện nay chỉ có thể đảm bảo chọn ra được những em giỏi lý thuyết, trong khi đó thực nghiệm lại là một phần quan trọng trong thi quốc tế. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, chính những học sinh giỏi thực nghiệm mới là những học sinh sáng tạo, có nhiều đột phá trong làm bài thi.

Quá thiên về lý thuyết, sẽ dẫn đến khả năng đề thi tuyển học sinh giỏi đi thi quốc tế sẽ được ra theo kiểu đề thi đại học, khi đó, nếu rơi vào một số dạng đề đã được luyện đi luyện lại thì những em trúng tuyển chưa hẳn là những em xuất sắc nhất”.

Về quy trình ra đề thi, trước đây các giáo viên được triệu tập làm đề thi chọn đội tuyển Olympic (triệu tập) không hề phải ăn ở tập trung. Tuy nhiên, lấy lý do bí mật đề thi nên hiện nay tất cả giáo viên được triệu tập đều phải tập trung trong thời gian nhất định.

Quy định khắt khe này khiến những giáo viên được triệu tập không thể là những giáo viên có năng lực nhất. Được biết, mới đây Ban tổ chức kỳ thi Olympic Vật lý châu Á đã mời nhiều giáo viên VN vào nhóm làm đề thi, nhưng họ không hề bắt buộc các giáo viên này phải tập trung. 

Vì sao không công khai?

Ở “vòng II”, các thí sinh không được mang đề ra khỏi phòng thi, cũng như không biết điểm số của mình, mà chỉ có thể biết được mình “trúng” hay “trật”.

Cách làm này gây thắc mắc cho chính các thí sinh, trên diễn đàn giáo dục (edu.net.vn), ở chuyên mục “Chuyện thi học sinh giỏi”, một thí sinh đã bày tỏ nguyện vọng: “Theo mình nghĩ thì điểm của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học… phải được đưa lên mạng.

Khi thi xong, chúng mình đều muốn biết kết quả nhưng không biết xem ở đâu. Vì vậy mình muốn yêu cầu diễn đàn cần bổ sung điểm kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế vào phần tra cứu”.

Dĩ nhiên là sau nhiều ngày đưa lên diễn đàn giáo dục thì thắc mắc này vẫn chưa được trả lời. Trong khi các thí sinh thắc mắc thì giới chuyên môn lại đặt vấn đề, G.S Phạm Quý Tư phát biểu: “Thi xong vòng II, tại sao không công bố đề thi trên các tạp chí chuyên ngành như cách làm trước đây?”. 

Được biết, lâu nay việc ra đề thi tuyển chọn học sinh giỏi đi thi Olympic quốc tế là do Vụ Giáo dục trung học chịu trách nhiệm, nhưng đến năm 2005, do có sự chuyển đổi nên Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) là nơi ra các đề thi.

Cũng trong năm 2005, một sự việc cực kỳ hi hữu liên quan đến quy trình tuyển chọn học sinh giỏi đi thi quốc tế đã diễn ra, đó là việc đề thi tuyển vòng II môn Toán có tới 3/5 bài trùng với các bài Toán đã từng được ra làm đề thi tại các cuộc thi khác nhau trong thời gian gần nhất.

Theo phản ánh của nhiều giáo viên và thí sinh tâm huyết với môn Vật lý thì đề thi vòng II chọn đội tuyển Vật lý năm qua cũng “có vấn đề không bình thường”, thậm chí là “sai đề”(?).

Nhưng khi chúng tôi chuyển phản ánh này đến ông Nguyễn An Ninh-Cục trưởng Cục Khảo thí, thì đã nhận được trả lời với đại ý rằng: “Đưa vấn đề đó ra bây giờ để giải quyết cái gì?… Tất cả đã qua rồi… Hiện giờ chúng tôi đang phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học”.

Ba tiêu cực tạo nên căn bệnh thành tích

Tiêu cực đầu tiên là xuất phát từ các cấp lãnh đạo khi có chủ trương, thậm chí đặt thành chỉ tiêu là phải đi thi và đạt giải thật cao. Người ta mong muốn có được những bản báo cáo đẹp, những bảng xếp hạng đứng cùng Mỹ, Trung Quốc, bỏ xa Thái Lan, Hàn Quốc mà không biết thành tích đó nói lên điều gì.

Tiêu cực thứ hai là từ các trường chuyên khi đã thay nội dung đào tạo phổ thông để “tạo điều kiện” cho các học sinh có thời gian ôn luyện. Miễn học, miễn thi từ giữa lớp 11, đến miễn cả thi tốt nghiệp sẽ khiến cho một học sinh thiếu hụt những kiến thức phổ thông một cách trầm trọng.

Bản thân tôi lúc đó, cũng như suy nghĩ của bao nhiêu bạn trẻ, là thoải mái và hào hứng với những ưu đãi này nhưng giờ đây tôi đang phải học lại những kiến thức phổ thông để hòa nhập vào xã hội, thậm chí vào môi trường nghiên cứu khoa học của mình.

Tiêu cực thứ ba xuất phát từ phía gia đình, xã hội khi đã nhận định sai về những cuộc thi quốc tế, qua đó tạo áp lực lên học sinh, trong đó bao gồm cả một số báo, đài.

Những chuyện như đến nhà thầy ra đề, lộ đề, sai đề, … tưởng như chỉ có ở bên ngoài thì giờ đây đã len lỏi vào những kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chọn đội tuyển quốc tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.