Góc nhìn từ những người thầy...

Góc nhìn từ những người thầy...
(TPO) Các thầy giáo, những vị khách mời cho biết, các câu hỏi của HS qua các buổi giao lưu trực tuyến ôn & thi đại học trên TPO khiến họ phải suy ngẫm về sự học và thi hiện nay.

Câu hỏi mà các em đặt ra khá đa dạng. Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Tôi nhận thấy, những câu hỏi thể hiện sức ép tâm lý khá nhiều. Chứng tỏ các em rất lo lắng và căng thẳng trước kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Vì thế, vừa trả lời, chúng tôi vừa phải trấn an các em. Nói chung các băn khoăn của các em đều hợp lý. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi chứng tỏ các em chưa tìm hiểu kỹ những hướng dẫn về kỳ thi của Bộ GD&ĐT.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa (Môn Toán): SGK quá đơn giản, càng đơn giản thì càng “chết” cho HS!

Có một thắc mắc chung của một số lượng khá lớn HS gửi câu hỏi về - đó là về vấn đề sách tham khảo (STK). STK rất nhiều, các em không biết phải lựa chọn thế nào! Còn SGK thì quá đơn giản. Càng đơn giản thì càng “chết” cho HS! Nói là HS chỉ cần học theo SGK là thi được ĐH là không chính xác.

Như tôi đã trả lời, nếu em làm được đầy đủ mọi bài tập trong SGK thì em chỉ đạt được đến điểm 7 – mà phải là HS giỏi mới đạt được điểm 7. SGK ít bài tập quá. Bộ GD&ĐT nên tập trung đầu tư để đưa ra được một bộ SGK hoàn chỉnh hơn bộ đang có hiện nay. Có như thế, chỉ cần làm được hết mọi bài tập trong SGK thì các em có thể đạt được điểm tối đa trong khi làm bài thi tuyển sinh ĐH được.

PGS TS Nguyễn Ngọc Long (Môn Lý): Nhiều em tỏ ra rất lo lắng vì sợ đề thi sẽ quá khó

Cách đây nhiều năm thì có thế thật. Nhưng mấy năm nay thì không có chuyện ra đề “đánh đố” nữa. Những bài khó thường rất ít điểm (chỉ 1 điểm). Với cách ra đề như hiện nay, tôi thấy các bài tập trong SGK môn Vật lý thế là đủ để các em học và đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, có một điểm mà các em phải khắc phục - đó là cách học thuộc phần lý thuyết.

Nhiều em băn khoăn về việc này và tôi cho rằng các em chưa tìm ra được phương pháp học hiệu quả. Các em nên nhớ một điều rằng cách ra đề hiện nay không có kiểu ra một câu lý thuyết 4 điểm hay bao nhiêu điểm như trước đây. Lý thuyết thường rất ngắn gọn và muốn trả lời được đầy đủ thì không chỉ học thuộc mà HS còn phải biết suy nghĩ, tổng hợp.

PGS TS Ngô Đăng Tri (Môn Lịch sử): Đừng nên để cho HS cảm thấy mệt mỏi khi học môn Sử

Các em rất lo lắng tới việc làm thế nào để nhớ được các số liệu. Đây là một điều Bộ GD&ĐT nên lưu ý khi ra đề thi ĐH môn Lịch sử. Đừng nên để cho HS cảm thấy mệt mỏi khi học môn Sử, đừng để việc nhớ số liệu là “gánh nặng” cho các em. Trên thực tế, đã là Lịch sử thì phải có số liệu. Đây là một mâu thuẫn mà những người ra đề cần phải giải quyết. Nếu buộc các em quá chú trọng vào việc nêu số liệu thì sẽ làm cho các em quên mất nội dung, ý nghĩa của sự kiện. Như vậy, HS sẽ có ấn tượng không hay về môn Lịch Sử và cho đó là một môn chỉ cần học thuộc lòng. 

Còn với HS, tôi khuyên các em không nên câu nệ vào việc học thuộc lòng số liệu. Lạc đề, sai quan điểm lịch sử, nhầm lẫn các sự kiện... thì các em mới bị mất điểm. Còn nếu các em không nhớ chính xác có 5 ngàn mấy trăm người tham gia một sự kiện thì chỉ cần nhớ con số hơn 5000 là được rồi. Đừng “thật thà” quá. Điều quan trọng là định lượng là để đưa ra định tính chứ không phải chỉ để chứng tỏ mình nhớ tới từng con số.

TS Hà Bình Trị (Môn Văn học): HS dường như chưa được cung cấp phương pháp học thế nào cho tốt

Với cách ra đề như mấy năm qua thì SGK môn Văn đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu ôn thi ĐH cho HS. Tất nhiên, nếu các em có điều kiện để đọc một số STK thì rất tốt. Nhưng không có nghĩa là những em ở vùng sâu vùng xa – nơi rất ít STK – sẽ không làm bài thi vì sự cách biệt về kiến thức (để thi ĐH) giữa những em có STK với em chỉ có SGK không lớn lắm.

Tuy nhiên, qua câu hỏi của các em gửi tới, tôi nhận thấy có phần nào đó HS dường như chưa được cung cấp phương pháp học thế nào cho tốt. Các em rất lúng túng về cách học. Có vẻ như ở một số nơi, GV chưa chú ý đúng mức tới việc hướng dẫn phương pháp học cho HS mà chỉ chú trọng vào việc “nạp” kiến thức cho các em.

PGS.TS Nguyễn Viết Thịnh (Môn Địa lý): Ám ảnh... thuộc lòng

Trong cuộc giao lưu, tôi phải trả lời những câu hỏi mà chính tôi cũng đã trả lời trực tiếp cho những em đang ôn thi ĐH ở các lớp luyện thi. Điều đó chứng tỏ hình thức giao lưu trực tuyến này rất hữu ích vì nó không chỉ giải đáp thắc mắc cho một HS cụ thể nào đó mà cho rất nhiều HS khác trên toàn quốc.

Tôi nhận thấy cái đang ám ảnh các em chính là quan niệm: các môn khoa học xã hội là những môn học thuộc lòng. Thực tế là những môn khoa học xã hội rất cần năng lực tư duy tổng hợp, tư duy logic. Các em HS tỏ ra lo lắng vì SGK Địa Lý lớp 12 rất mỏng – 96 trang.

Xin thưa, tất cả mọi dữ kiện cần thiết để làm một bài thi ĐH đều nằm ở trong đó. Vấn đề là HS phải có khả năng xâu chuỗi, khả năng liên tưởng. Công thức để đạt điểm cao trong môn Địa lý là: nắm vững SGK + biết vận dụng + có thông tin về các sự kiện kinh tế – chính trị hiện tại của đất nước (qua các kênh thông tin đại chúng).

Vì thế, tôi cho rằng vai trò của một GV môn Địa lý khá quan trọng trong việc giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi ĐH. GV có giỏi thì mới giúp các em biết vận dụng các kiến thức có sẵn trong SGK.

MỚI - NÓNG