GS, PGS coi nhẹ giảng dạy đào tạo: Quá tệ, không thể chấp nhận

Ảnh: Lê Văn
Ảnh: Lê Văn
Góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, GS Đinh Văn Đức bày tỏ sự không đồng tình với việc coi nhẹ nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo của các giáo sư, phó giáo sư.

Từ năm 1980 đến nay, việc Nhà nước tổ chức nhiều đợt phong chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho các cơ sở giáo dục và đào tạo là một việc làm kịp thời, nghiêm túc và có tác dụng tốt trong sự nghiệp phát triển giáo dục, nhất là đào tạo sau và trên đại học. 

GS và PGS là những nhà giáo bậc cao mà nhiệm vụ chính của họ là tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện trách nhiệm xã hội của người thầy. Năng lực tự học thông qua các hoạt động khoa học thực tiễn của người thầy là rất quan trọng. Giỏi ngoại ngữ là rất cần thiết để có thông tin khoa học cập nhật và hội nhập quốc tế.

Không thể coi nhẹ nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo         

Đã có thầy thì phải có trò. Trách nhiệm đào tạo là trách nhiệm lớn nhất của người làm thầy. Thầy phải dạy, truyền đạt tri thức cho trò và giới thiệu những kết quả nghiên cứu cập nhật của mình. Tôi không đồng tình với việc coi nhẹ nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo của các GS, PGS.

Giảng dạy đại học thì tất phải nghiên cứu. Không nghiên cứu là hỏng. Nghiên cứu trước hết là để phục vụ giảng dạy, nâng cao từng bước chất lượng bài giảng, hướng dẫn người học sau đó và đồng thời là các cống hiến cho học thuật khoa học. 

Nghiên cứu thể hiện ở 4 nội dung: Chất lượng bài giảng và của các sách giáo trình đại học, sau và trên đại học và phải thường xuyên cải tiến và cập nhật mỗi lần in lại; Các sách chuyên khảo (Monography) có độ sâu, giàu thông tin, giỏi phương pháp, có khi cả đời thầy mới viết xong một cuốn; Ở các công bố học thuật trong nước và ngoài nước, tại các diễn đàn khoa học quốc tế và trên các tạp chí quốc tế có uy tín của từng chuyên môn; Việc chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc địa hạt chuyên ngành.

Nghĩa là, theo đó, tiêu chí cho một GS, PGS phải là một hợp thể mang tính tích hợp.

Nội dung nói trên, thực ra, lâu nay ta đã và đang đang thực hiện đúng hướng và cần tiếp tục. Có điều, chất lượng một số nội dung cụ thể của các tiêu chuẩn học thuật cần điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp và có cả những chuyện phải thay đổi. Cần bình tĩnh, dân chủ và chân thành thì sẽ có các giải pháp hợp lý, được cộng đồng ủng hộ.

Công bố quốc tế: “Dục tốc bất đạt”

Gần đây rộ lên nhiều ý kiến đòi hỏi về việc tăng cường tiêu chí công bố quốc tế của các ứng viên GS, PGS và của các NCS và tân Tiến sỹ. 

Về việc này thiết nghĩ, công bố quốc tế của giới học thuật là một yêu cầu tất yếu. Việc này thể hiện chất lượng nghiên cứu và khả năng hội nhập. Tuy nhiên không thể quá nóng vội và thực hiện ngay lập tức bằng những quyết định có tính mệnh lênh và áp đặt. Người xưa nói: "Dục tốc bất đạt” (Muốn vội là hỏng). 

Cần có lộ trình và tính hết thực tế cho việc này, mà trước hết cần khuyến khích việc tham gia các hội nghị khoa học quốc tế trong khu vực và thế giới theo từng chuyên môn. Khuyến khích việc công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc không gian của ISI và SCOPUS. Tăng điểm cao cho những kết quả công bố này khi xét chọn là rất hợp lý.

Công đồng khoa học ở ta khá đa dạng về tính chất và nguồn lực. Cần phân loại đối tượng (nhóm ngành) để có cách ứng xử thích hợp trong đánh giá  công bố quốc tế: Khối ngành khoa học tự nhiên, khối ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ, khối ngành khoa học xã hội, khối ngành khoa học nhân văn, khối ngành khoa học chính trị, khối ngành khoa học an ninh và quốc phòng…, rõ ràng là không đồng đều về cách thức tiếp cận, khả năng khám phá, điều kiện công bố của mỗi chuyên môn… Chắc chắn rất cần những tính toán khoa học để có các giải pháp và yêu cầu hợp lý. 

Tôi đã đọc Dự thảo về các tiêu chuẩn, quy chế mới để xét, công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Tôi  hoan nghênh Ban Soạn thảo đã có nhiều cố gắng và chú ý đến đặc thù của các ngành khoa học khác nhau.

Nhân đây cũng xin nói rằng tôi không đồng tình với những đòi hỏi vội vã, lấy thực tế một vài chuyên môn có thuận hơn trong việc công bố quốc tế làm trung tâm để coi thường, bài xích, chê bai các địa hạt khác nơi có ít cơ hội hoặc điều kiện bằng.

Không vội, không thể là cái cớ để chậm trễ, lười biếng. Chúng ta phải cố gắng.

Cũng cần tính đến tình hình thực tế: Nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế chưa lâu, đầu tư cho khoa học còn ít ỏi, nếp quản lý khoa học theo kiểu hành chính còn nặng nề, thu nhập quốc dân còn thấp,…những cái đó ảnh hưởng lớn đến kết quả nghiên cứu khoa học của cả nước và chất lượng nghiên cứu của từng cá nhân.

Nên coi trọng tiêu chuẩn sách chuyên khảo

Nói đến công bố khoa học quốc tế qua báo chí thì cũng phải nói đến một địa hạt rất quan trọng khác là xuất bản các sách chuyên khảo (Monography) có chất lượng cao. 

Đời người viết cho được quyển sách khó lắm. Nhiều người có các bài báo quốc tế nhưng viết cho được một cuốn sách hay để xuất bản lại khó về phương diện khác. Một GS viết được một cuốn sách được giới chuyên môn trong ngành hoặc cộng đồng xã hội đánh giá cao thì thật vinh dự. Tôi biết ngành tôi - Ngôn ngữ học - thế hệ trước, nhắc đến sách của các thầy Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Hoàng Phê, Phan Ngọc… anh em đều bái phục. 

Bởi vậy, những cuốn chuyên khảo có giá trị cao (được trong ngành đánh giá nghiêm ngặt) thì nên được cho điểm rất cao như những công trình công bố quốc tế (có chất lượng).

Tôi thấy Nhà nước cần coi trọng tiêu chuẩn này như một nội dung nghiên cứu quan trọng (nhất là đối với một vài khu vực học thuật có bề thuận).

Không nên đặt vấn đề “một trong năm thứ tiếng”

Về vấn đề ngoại ngữ, GS và PGS là những chức danh trao cho người có trình độ học thuật cao. Ngoại ngữ phải là một tất yếu. Lấy thông tin khoa học, trao đổi quốc tế, công bố quốc tế là một yêu cầu không thể bỏ qua. Ngôn ngữ chỉ là công cụ nhưng là công cụ rất quan trọng. 

Ở thời chúng ta, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế có độ phổ dụng cao. Bởi vậy tiếng Anh phải là thứ nhất. 

Thiết nghĩ: Không nên đặt vấn đề “một trong năm thứ tiếng” như lâu nay. Các tiếng sau tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ đứng thứ hai - có được thì cũng rất quý.

Tuy nhiên, không nên đánh giá trình độ ngoại ngữ của GS, PGS theo cách học trò: Các bậc đo ngoại ngữ theo khung châu Âu ( B1, B2…) hay kiểm định theo kiểu Anh, Mỹ…, mà phải theo yêu cầu khác, theo những nhóm đối tượng khác nhau.

Theo tôi biết, ở các nước phát triển, để bổ nhiệm một ghế GS, họ thông báo rộng rãi, trong và ngoài nước. Trong số nhiều ứng viên, họ chọn lấy 3 - 5 người và mời đến trình bày và chất vấn trước một hội đồng khoa học, thường dùng tiếng Anh, rồi bỏ phiếu kín, chọn lấy một.

Vẫn cần có mặt bằng chung

GS, PGS là chức danh trao cho người làm công tác giảng dạy đại học là chính. Đối với các nghiên cứu viên bậc cao ở các cơ sở nghiên cứu có tham gia đào tạo thì nên mềm hơn, nên tạo cơ hội cho phép quy đổi các công trình khoa học có chất lượng cao để bù cho số giờ dạy, số thâm niên đại học. Như thế sẽ thuận hơn cho anh chị em. 

Việc xét duyệt phong chức danh GS, PGS trước hết phục vụ cho các trường đại học (GS trường nào) cho nên việc bổ nhiệm và trả lương là công việc của các trường. Tuy nhiên, trên phương diện quốc gia cũng cần có mặt bằng vì các thành viên trong cộng đồng đại học (nhất là ở ta) chất lượng không đồng đều về nhiều mặt. 

Do đó thiết nghĩ nên tiếp tục duy trì sự điều chỉnh từ phía vĩ mô (cấp Nhà nước) đồng thời từng bước tăng cường tính tự chủ cho các hội đồng chuyên môn của ngành và hội đồng khoa học của các cơ sở đại học có uy tín. 

GS Đinh Văn Đức nghiên cứu chuyên ngành Ngôn ngữ học trong các lĩnh vực Việt ngữ học, Lí luận Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng tại ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây và ĐH Quốc gia Hà Nội hiện nay.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, ông quan tâm và đã có nhiều bài viết về lí luận ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, ngữ pháp lịch sử tiếng Việt, dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ…, các nghiên cứu về sự phát triển tiếng Việt trong thế kỉ XX.

GS Đinh Văn Đức có ba đề tài nghiên cứu cấp Bộ về tiếng Việt thế kỉ XX, với hơn 10 bài nghiên cứu chuyên khảo trong tạp chí “Ngôn ngữ” về ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, ngữ pháp lịch sử, dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, với hơn 20 bài nghiên cứu khác cùng hướng trong các tạp chí chuyên ngành, các hội thảo quốc gia và quốc tế.

GS  Đinh Văn Đức- Nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội 

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG