GS, PGS Việt Nam cần tiệm cận chuẩn quốc tế

Lễ phong tặng đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu.
Lễ phong tặng đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu.
TP - Số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt tiêu chuẩn xét duyệt 2017 của Việt Nam không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI, Scopus  khá lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiêu chí xét duyệt của Việt Nam đang có nhiều bất cập, cần phải thay đổi để tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Tiêu chuẩn giáo sư thấp hơn tiêu chuẩn tiến sĩ

Theo quy định hiện hành (Quyết định 174 của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 về Ban hành Quy định, tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư), trong 4 tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, không có tiêu chuẩn nào yêu cầu phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus.  Thậm chí, đến 5 tiêu chuẩn chức danh giáo sư cũng không có một dòng nào nhắc đến bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus.  Chỉ duy nhất tại khoản 4, điều 8 tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư có quy định: có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thì danh mục tạp chí được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính điểm không chỉ gồm các tạp chí ISI/Scopus mà cả các tạp chí trong nước, tạp chí của các trường ĐH. Điều vô lý ở chỗ, mức điểm để tính không quy định cứng mà quy định theo khoảng để tùy hội đồng chấm xem xét.

Ví dụ, với các tạp chí ISI/ Scopus thì từ 0-2 điểm, các tạp chí của Viện Hàn lâm thì từ 0- 1 điểm. Tạp chí Khoa học & Công nghệ của các  Trường Đại học Kỹ thuật cũng từ 0-1 điểm, Tạp chí của một số trường ĐH khác từ 0-0,5 điểm hoặc từ 0-0,75 điểm.  Với cách tính điểm như thế này, thì theo một tiến sĩ, viết 10 bài báo trong nước sẽ dễ hơn viết 1 bài báo đăng trên ISI/Scopus, trong khi tính  điểm, 10 bài báo trong nước cao hơn nhiều 1 bài báo quốc tế.

Điều bất cập ở đây chính là tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện hành đang thấp hơn tiêu chuẩn tiến sĩ theo quy chế mới vừa được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2017. Theo quy chế đào tạo tiến sĩ này, một trong những điều kiện để nghiên cứu sinh được đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, đó là đã công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 2 bài báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Đặc biệt, so với tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư của  ĐH Tôn Đức Thắng từng công bố năm 2015 thì tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư kể cả trong dự thảo đang lấy ý kiến vẫn còn thua xa. Tiêu chuẩn cho phó giáo sư của trường ĐH Tôn Đức Thắng là 5 bài ISI (3 tác giả chính), hoặc 5 bài Scopus (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội.  Đối với giáo sư, phải công bố quốc tế gồm 10 bài ISI (7 tác giả chính), hoặc 5 bài ISI (3 tác giả chính) và 5 bài Scopus (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội.  Còn dự thảo đang đưa ra lấy ý kiến của Bộ GD&ĐT thì với tiêu chuẩn giáo sư, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 02 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 bài báo khoa học. Nhóm  ngành khoa học xã hội còn yêu cầu thấp hơn. Đối với tiêu chuẩn phó giáo sư, từ năm 2019 yêu cầu ít nhất 1 bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus.

Trong khi đó, theo quy định của quy chế đào tạo tiến sĩ, từ năm 2019, người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải là tác giả chính tối thiểu 1 bài báo hoặc báo cáo khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục các thạp chí của ISI/Scopus... Như vậy, với những giáo sư, phó giáo sư không có bài báo quốc tế, không có ít nhất một chương sách tham khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN do các nhà xuất bản nước ngoài phát hành hoặc là tác giả chính của tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện... thì sẽ không đủ điều kiện để hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Cần tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, dự thảo tiêu chuẩn xét duyệt chức danh  giáo sư, phó giáo sư đang lấy ý kiến có đưa điều kiện bắt buộc phải có bài báo quốc tế vào là một sự tiến bộ. Tuy so với thế giới, số lượng bài báo ISI/Scopus bắt buộc chỉ rất nhỏ nhưng cũng cho thấy bắt đầu tiệm cận được với tiêu chuẩn chung của thế giới.

Theo PGS.Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong quy định hiện hành không yêu cầu giáo sư, phó giáo sư phải có bài báo ISI, Scopus. “Thực tế, thời gian gần đây chúng ta mới bắt đầu quan tâm đến các bài báo trên ISI/Scopus. Trước đây, phần lớn chỉ những người đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài mới có bài đăng. Còn trong nước, một phần do không chú ý, một phần do khó đăng. Nhưng thời gian gần đây những phòng thí nghiệm trong nước đã bắt đầu xuất hiện các bài báo ISI/Scpous” – PGS. Trần Văn Tớp cho hay.  

PGS. Tớp khẳng định, tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo xu hướng chung của thế giới ngày càng phải cao hơn. Ở một số nước, có định biên giáo sư, phó giáo sư cho từng cơ sở nghiên cứu. Mỗi hướng nghiên cứu chỉ có 1 giáo sư đứng đầu. Như vậy hàng năm, có nhiều người được xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Nhưng ở đâu bổ nhiệm là chuyện khác.

“Ở Pháp, xét duyệt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư giống như được nhận bằng tốt nghiệp. Còn xin việc ở đâu để được bổ nhiệm thì lại là chuyện khác. Điều này khác hoàn toàn với Việt Nam” – PGS. Trần Văn Tớp khẳng định. Mặt khác, ông cũng cho biết, ở các nước phát triển như Mỹ thì giáo sư lại do các trường ĐH bổ nhiệm. Giáo sư gắn với danh hiệu của mỗi trường.  Ở Việt Nam, việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư không giống với cả hai hình thức chung của thế giới.  Nhưng PGS.Trần Văn Tớp cho rằng việc đưa bài báo  ISI/Scopus vào tiêu chuẩn là cần thiết để Việt Nam tiệm cận gần với thế giới.

Điều nghịch lý ở đây chính là tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện hành đang thấp hơn tiêu chuẩn tiến sĩ theo quy chế mới vừa được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2017.

MỚI - NÓNG