GS Phạm Tất Dong: Đừng nhìn giáo dục lúc nào cũng chỉ thấy tiêu cực

Sinh viên trong lễ nhận bằng tốt nghiệp. ảnh: Như Ý
Sinh viên trong lễ nhận bằng tốt nghiệp. ảnh: Như Ý
TP - Theo GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bức tranh giáo dục năm 2018 có những nét chấm phá buồn. Nhưng không vì thế mà phủ nhận sự cố gắng của hàng triệu học sinh, sinh viên và các thầy cô đang hàng ngày cố gắng vươn lên dạy và học. GS. Phạm Tất Dong khẳng định, năm vừa qua, giáo dục ĐH có nhiều khởi sắc hơn giáo dục phổ thông.

GS. Phạm Tất Dong nói: Năm 2018 giáo dục không có gì nổi bật, đều bình thường, thỉnh thoảng lại rộ lên một việc, mà đều là những việc mang tiếng. Kém khởi sắc lại còn bị mang tiếng nên dư luận nhìn vào giáo dục không mấy  lạc quan. Sự kiện bị dư luận lên án nhất là tiêu cực thi cử tại một số địa phương. Có thể nói, đây  là một sự kiện không hay và làm giáo dục mất uy tín.

Như ông nói, năm 2018, giáo dục có nhiều sự kiện không vui. Ông ấn tượng với những sự kiện nào, thưa ông?

Năm vừa qua, có những sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục. Ví dụ như vụ việc tiêu cực tôi đã nói ở trên.  Thứ hai là bạo lực học đường xảy ra trên  rất nhiều mặt. Có lẽ phải lên án mạnh chuyện bạo lực học đường. Những vụ việc này lại rất lạ. Thậm chí trong lịch sử giáo dục thế giới cũng không có chuyện 231 cái tát, hay  50 cái tát.

Thứ ba, chương trình giáo dục phổ thông mãi vẫn chưa giải quyết dứt điểm để công bố. Giáo dục mà cứ phải  dừng lại để làm việc gì đó thì xã hội đã phát triển vụt qua rất xa. Mỗi một làn sóng công nghiệp đều có một nền giáo dục tương ứng với nó. Cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 có nền giáo dục hướng nghiệp, bắt đầu phát triển hệ thống nghề.

Cuộc cách mạng 3.0 là máy tính, internet. Cuộc cách mạng  này nhiều trường ĐH của Việt Nam  không với tới, vẫn chỉ 2.0. Hiện vẫn nhiều trường xa lạ với công nghệ trong học tập. Vậy thì nói gì với 4.0, nhất là phổ thông. Chương trình phổ thông liệu có chậm không? Tôi cho rằng chương trình mới không phản ánh được cuộc cách mạng 4.0. Thậm chí so với cuộc cách mạng  3.0 đã bất cập.

Có vẻ như giáo dục có quá nhiều vấn đề cần giải quyết trong năm 2019 và các năm tiếp theo?

Thực ra, theo tôi, điều quan trọng nhất bây giờ phải làm thế nào để động viên giáo viên làm việc tích cực hơn. Đừng nhìn giáo dục lúc nào cũng chỉ thấy tiêu cực, và lúc nào cũng chỉ muốn sa thải giáo viên.  Cần phải động viên họ, có kế hoạch để bồi dưỡng năng lực chuyên môn để họ có thể dạy tốt, làm tốt công việc của mình

Năm vừa rồi có vẻ giáo dục ĐH khởi sắc hơn. Sự khởi sắc này bắt đầu đi vào giáo dục mở, hiện đại hóa các trường ĐH. Tuy  các trường ĐH đang vướng cơ chế tự chủ chưa rõ ràng nhưng dù sao đây là hướng đi để phát triển ĐH.

Giáo dục phổ thông vẫn ở đà đó. Chương trình giáo dục chưa  đi vào đổi mới thực sự. Tuy nhiên không phải vì vài hiện tượng mà phủ nhận giáo dục của nước mình. Hàng chục triệu học sinh vẫn đang cố gắng học tập và đạt kết quả nhất định. Các em thể hiện được sự thông minh lanh lợi. Thế giới đánh giá giáo dục Việt Nam cũng không đến mức nào. Còn chúng ta đang nhìn giáo dục trong bối cảnh xã hội lắm tiêu cực nên thấy nó thấp, nhiều bất cập.

Công việc năm tới của giáo dục chính là vấn đề đội ngũ quản lý, hoạch định chính sách giáo dục phải đổi mới hơn. Thực ra chính sách giáo dục, tư tưởng quản lý không bắt gặp đổi mới, nên nhiều khi cán bộ làm việc tắc trách. Đáng tiếc nhất là dự thảo có nói về chuyện sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học. Dự thảo này thể hiện sự ấu trĩ trong cán bộ làm chính sách. Một bộ phận cán bộ của Bộ GD&ĐT, nhất là cán bộ hoạch định chính sách yếu.

Vậy còn các vấn đề khác, thưa ông?

Tôi không hy vọng lắm thi  cử sẽ đổi mới. Vì tư tưởng của người tổ chức kỳ thi là chống gian lận. Trong khi đó, mục đích của kỳ thi là tìm được chất lượng thực của thí sinh, làm thế nào để thúc đẩy học sinh học tập cho tốt.  Mục tiêu không phải ra sức tìm mọi cách chống gian lận thi cử. Gian lận của học sinh không “chết người”. Mà gian lận của người lớn mới “chết người”.

Họ mua điểm cho con em nên gian lận của người tổ chức thi, không phải của học sinh. Lắp camera phòng thi, cán bộ ĐH chấm thi không phải là liều thuốc trị được gian lận thi cử. Phong bì gian lận thi đi từ nhà của cán bộ này sang nhà của cán bộ kia, nó không đi vào trường thi. Vậy có camera để quay được không, hay có camera trong lòng mỗi người không? Hay nói cách khác tư tưởng mua bằng bán điểm thì camera nào quay nổi.

Bức tranh giáo dục nói chung chưa đẹp, nhiều nét chấm phá tối. Do đó, tôi mới nhấn mạnh đến việc  phải động viên hàng triệu giáo viên  đang công tác ở vùng khó khăn. Cần cố gắng phát huy mặt tốt và tìm cách hạn chế tiêu cực, hạn chế những gì không phù hợp với thời đại và hạn chế dính dáng đến tiêu cực xã hội. 

Bức tranh giáo dục như ông nói có những nét chấm phá tối thì nguyên nhân theo ông là từ đâu?

Theo tôi, lỗi cơ bản nhất từ những người lãnh đạo. Cách họ lãnh đạo, điều hành không chặt chẽ. Họ không có tư tưởng giáo dục một cách thấu triệt.  Tư tưởng giáo dục của chúng ta là muốn mang lại một sự công bằng, bình đẳng, đạo đức cho  thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ phát triển. Nhưng tư duy  của những người lãnh đạo giáo dục có vẻ chưa đến tầm. Làm thế nào để nâng được tầm tư duy của các nhà lãnh đạo?

Thực tế hiện nay, nhiều khi tôi thấy đứng trước các vụ việc,  các nhà lãnh đạo lại chạy theo vá víu hoặc chắp vá. Lỗi thứ hai là lỗi quản lý. Trong giáo dục, đang có một sự quản lý rất lỏng lẻo.  Cứ chỗ nào bung ra mới chạy  đến xử lý. Quản lý giáo dục phải chủ động đánh giá, phải có những cảnh báo để phòng tránh những sự việc đáng tiếc.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG