Hà Đông: Vì sao nhiều giáo viên bị mất việc?

Hà Đông: Vì sao nhiều giáo viên bị mất việc?
TP - Những ngày đầu năm 2007, người dân Hà Đông (Hà Tây) tràn ngập trong  niềm hân hoan đón mừng sự kiện Hà Đông “lên” thành phố. Nhưng 178 giáo viên (GV) tiểu học và THCS của TP này lại không thể vui bởi họ đang đối diện nguy cơ mất việc làm.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh, trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây (hệ chính quy), cô N.P.T trở thành giáo viên trường THCS Phú Lãm.

Thời điểm đó, trường này thuộc địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Tây). Do quá ít chỉ tiêu biên chế, cô N.P.T cũng như nhiều GV khác của Hà Tây phải chịu thân phận “hợp đồng với mức lương (từ 180.000 đồng, rồi 290.000 đồng và vài năm nay là 310.000 đồng/ tháng) và không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tuy vậy nhưng cô vẫn bám nghề dù đã từng một lần (năm 2004) phải rời bục giảng. Tháng 10/2003, thị xã Hà Đông mở rộng địa giới hành chính, Phú Lãm và 2 xã khác (Phú Lương, Yên Nghĩa) được nhập về Hà Đông.

Vì chỉ có hợp đồng lao động ký với huyện Thanh Oai, cô và nhiều GV hợp đồng khác của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn 3 xã này đã phải nghỉ việc.

Sau một thời gian đấu tranh, cô và các đồng nghiệp được UBND thị xã Hà Đông cho phép trở lại đứng lớp. Nhưng đến thời điểm này, một lần nữa, người giáo viên đã ngót 10 năm gắn bó với bục giảng này lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Chiều 15/3, chúng tôi liên lạc với cô N.P.T nhưng không được. Mẹ đẻ của cô T. tiếp chuyện PV Tiền phong: “Cháu bé (con cô N.P.T – PV) vừa phải đi cấp cứu bệnh viện nên tôi chạy sang đây (nhà cô N.P.T – PV) xem thế nào. Em nó được nhà trường cho nghỉ việc từ hôm trước Tết.

Em nó buồn lắm, bây giờ con ốm thế này chắc chẳng có tâm trí nào mà tiếp  chuyện nhà báo. Được biết, chồng cô T. là bộ đội, cuộc sống gia đình cô (vợ chồng và một cháu nhỏ) vốn chẳng dư giả gì, nay càng chật vật.

Giáo viên hợp đồng:Thả nổi cho trường

Theo Ban giám hiệu các trường THCS trên địa bàn TP Hà Đông, dù chưa nhận được văn bản chính thức nhưng trong nhiều cuộc họp giao ban hiệu trưởng gần đây, Phòng GD&ĐT liên tục thông báo chủ trương của lãnh đạo UBND Thành phố về việc cho GV diện hợp đồng nghỉ việc.

Một lãnh đạo trường THCS Đồng Mai nói: “Trường THCS Đồng Mai vốn có 8 GV hợp đồng. Đa phần GV có kinh nghiệm. Trong đó, có những GV giảng dạy đã 7 – 8 năm, có đóng góp nhất định cho nhà trường.

Nhưng chúng tôi vẫn đã phải cho họ nghỉ từ tháng 12/2006 (khi chưa kết thúc học kỳ I – PV). Nếu không, chúng tôi lấy đâu ra tiền trả lương cho các cô giáo? Khi cho số GV này nghỉ, công tác chuyên môn của chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phải khắc phục thôi”.

Một số trường khác như THCS Nguyễn Trãi, THCS Trần Đăng Ninh... thì sử dụng giải pháp “nước đôi”: Yêu cầu GV hợp đồng làm đơn xin dạy không lương.

Hiệu trưởng một trường có quy mô lớn của Hà Đông cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận được chỉ đạo “miệng” nên cũng thông báo “miệng” với các GV hợp đồng rằng, trường không thể tiếp tục trả lương cho họ. Muốn được tiếp tục đứng lớp, các cô giáo phải làm đơn xin dạy học không lương. Nếu sau này trên có quyết định ký tiếp hợp đồng với GV thì chúng tôi lại trả lương cho các cô giáo. Nếu không, buộc lòng các cô giáo phải tìm việc làm khác”.

Còn cô giáo Vũ Thị Hằng (Hiệu trưởng trường THCS Vạn Phúc) tâm sự: “Đồng lương GV hợp đồng vốn dĩ ít ỏi rồi, nay lại cắt luôn của các cô giáo thì tôi thấy tội họ quá. Hiện tại mới bắt đầu học kỳ II nên trường tôi quyết định cho các cô làm việc đến hết năm học. Lương thì trường vẫn trả dù chưa biết lấy từ nguồn nào!”.

Hiện nay, tình trạng việc làm của 178 GV hợp đồng (tiểu học và THCS) tại các trường trên địa bàn Hà Đông tuy khác nhau nhưng đều không sáng sủa: Người thì đã bị nghỉ việc từ đầu năm học; người thì nghỉ trước Tết; người thì vẫn đi dạy, song không có lương; người thì vẫn đi dạy, vẫn có lương, nhưng được thông báo là chuẩn bị nghỉ.

Gánh nặng của một thị xã khi lên thành phố

Trao đổi với Tiền phong, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hà Đông nói rằng, từ đầu năm học 2006 – 2007, UBND thành phố Hà Đông có chủ trương không sử dụng tiếp GV hợp đồng ở những môn đã dư thừa GV. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể như thế nào thì ngành đang bàn bạc để tham mưu cho UBND thành phố.

Theo kết quả rà soát đội ngũ GV của Phòng GD&ĐT Hà Đông, hiện nay toàn thành phố thừa 389 GV trong biên chế (theo định biên). Bên cạnh đó còn có 189 GV hợp đồng và nhân viên hợp đồng (111 người ở cấp tiểu học, 67 người ở cấp THCS, 11 người ở cấp mầm non).

Một lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết, tình trạng thừa GV nói chung ở Hà Đông là thực tế từ chục năm nay nhưng vấn đề càng trầm trọng sau mỗi đợt Hà Đông mở rộng địa giới hành chính.

Mỗi lần chỉ tiếp nhận thêm 3 xã thôi nhưng số biên chế thừa sau khi tiếp nhận và trước khi tiếp nhận hơn nhau đến vài trăm GV. Đây là lý do khiến cho ngân sách chi cho ngành GD&ĐT của thành phố “quá tải”.

Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là, tại sao UBND thành phố Hà Đông chưa hề có một văn bản chỉ đạo nào về việc giải quyết ra sao với GV diện hợp đồng mà Phòng GD&ĐT Hà Đông đã thả nổi cho các trường tự quyết?

Mặt khác, theo quyết định 137 ban hành tháng 1/2006 của UBND tỉnh Hà Tây, từ tháng 1/2006, tiền công lao động với GV hợp đồng đã được tăng thêm 55.000 đồng/người tháng (THCS) và 65.000 đồng/người/tháng (tiểu học).

Vậy nhưng suốt năm 2006, các trường trên địa bàn Hà Đông vẫn trả tiền công cho các GV theo mức cũ. Lý giải điều này, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hà Đông cho rằng, ngành chỉ áp dụng quyết định 137 với các trường hợp GV hợp đồng mà ngành cần.

Còn những GV hợp đồng mà ngành không cần thì thành phố trả bao nhiêu GV phải chấp nhận bấy nhiêu! Khi được hỏi, ngành không cần, tại sao UBND thị xã Hà Đông (cũ) lại ký hợp đồng với GV và sử dụng họ làm công tác giảng dạy trong nhiều năm qua, vị lãnh đạo này trả lời, vì họ xin xỏ nhiệt tình quá (?)!

MỚI - NÓNG