Hà Nội : Ăn, học bán trú thời dịch bệnh

Hà Nội : Ăn, học bán trú thời dịch bệnh
Cả tuần nay, cuộc sống của gia đình chị Thu Hiền (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) và nhiều nhà có con đang học lớp 1 tại trường tiểu học Trưng Vương (Hà Nội) bị xáo trộn vì phải cho con nghỉ bán trú do diễn biến của dịch tiêu chảy cấp.

>> Hà Nội : Báo động vệ sinh bếp ăn nhà trường

Hà Nội : Ăn, học bán trú thời dịch bệnh ảnh 1
Các học sinh trong trường tiểu học Tây Sơn trong giờ ăn trưa. Ảnh: Hải Yến

Mọi khi, học sinh khối lớp 1 vẫn học chính khóa buổi sáng, ăn trưa tại trường, rồi học bán trú buổi chiều bên Cung thiếu nhi. Còn nay, sau buổi học sáng, theo yêu cầu của trường, các gia đình phải đến đón con về tự quản lý tại nhà và việc này chưa biết bao giờ kết thúc.

Trường tiểu học Kim Liên, nơi có số lượng học sinh đông bậc nhất của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện Ban phụ huynh và bà Bùi Minh Tuyển, cán bộ y tế nhà trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất bữa ăn trưa.

Cô Hiệu trưởng Phan Lan Phương cho biết: hàng ngày tổ bếp với 15 nhân viên phải phục vụ gần 3000 suất ăn trưa cho học sinh và giáo viên, nên yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất nghiêm ngặt. Toàn bộ nguồn thực phẩm hàng ngày, từ củ hành, củ tỏi, cân muối đến rau, thịt, trứng, cá đều có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy trình chế biến thực hiện một chiều, có tủ lạnh lưu mẫu thức ăn trong vòng 24h. Nước uống cho các cháu, hàng tháng cũng phải lấy mẫu kiểm nghiệm, trước sự chứng kiến của nhân viên y tế quận, ban phụ huynh và đơn vị cung cấp nguồn nước.

Tháng 9 vừa qua, trường đã mời y tế quận Đống Đa tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ sức khỏe cho tất cả 110 cô (mỗi lớp 2 cô) phục vụ các lớp bán trú này. Ngay khi biết thông tin về dịch tiêu chảy, nhà trường đã ngừng ngay việc cho các cháu ăn hoa quả và sữa tươi mà thay bằng các loại bánh, sữa của các công ty lớn như Vinamilk, Hải Hà, Kinh Đô; đồng thời thường xuyên nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, không ăn đồ ăn thức uống ngoài đường.

Hàng ngày, đại diện Ban giám hiệu, Thanh tra, y tế và ban phụ huynh còn thường xuyên kiểm tra đột xuất các quy trình phục vụ ăn-ngủ bán trú, mua dung dịch thử xác suất trên nồi xoong, bát thìa của học sinh. Với cách làm bài bản này, nhà trường luôn được phụ huynh tín nhiệm, ngay cả thời kỳ cao điểm của dịch H5-N1, số lượng học sinh ăn tại trường cũng chưa hề suy giảm. Nhưng không phải trường học nào cũng có điều kiện làm được như Kim Liên...

Khi Hà Nội công bố dịch trên địa bàn, nhiều gia đình có con học mẫu giáo, tiểu học thực sự lo lắng và không ít gia đình đã cho con nghỉ học để "bảo toàn lực lượng". Trên thực tế, do trẻ mẫu giáo mầm non đều sinh hoạt cả ngày tại trường nên bữa ăn cực kỳ quan trọng trong lịch trình chăm sóc giáo dục trẻ. Còn với học sinh tiểu học, đa phần học 2 buổi/ngày, các trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt như Kim Liên, Tràng An, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Thăng Long, Dân lập Lý Thái Tổ, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn...đều tổ chức bếp ăn một chiều.

Theo thống kê bước đầu trong hơn 200 trường tổ chức ăn tập thể chỉ có 30%-40% bếp tuân thủ đúng quy trình bếp ăn một chiều. Các trường không có điều kiện thì ban phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm phối hợp tổ chức bữa ăn và ôn tập bài vở ngoài nhà trường cho học sinh, có sự đồng ý của cha mẹ các em.

Những bếp ăn dạng "thỏa thuận" này, mặc dù được các bậc phụ huynh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhưng vẫn chỉ sạch ở mức độ cảm tính, theo kiểu "gia đình ăn như thế nào sẽ lo cho các cháu thế đấy, miễn là không bị sự cố".

Bên cạnh đó, một số trường ở khu vực nội thành như quận Long Biên, Cầu Giấy chọn phương thức ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh, bước đầu cũng nhận được sự ủng hộ của phụ huynh. Nhưng trước tình hình dịch bệnh, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa đón con về ăn tại nhà cho đảm bảo.

Không chỉ các trường tổ chức bán trú, nhiều trường học một buổi khác như THCS như Trưng Vương cũng đã cảnh giác, tạm đóng cửa căng tin, không bán đồ ăn, thức uống để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh lúc ở trường..

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, trong tuần qua, Sở đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các trường học, đặc biệt là các trường có bếp ăn tập thể để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Đồng thời yêu cầu các trường đẩy mạnh tuyên truyền, phát tờ rơi về 4 khuyến cáo liên quan đến phòng chống bệnh tiêu chảy tới 100% học sinh và phải sử dụng nước đun sôi cho học sinh uống tại trường; các bếp ăn không đạt yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm sẽ phải đóng cửa. Những công việc này sẽ tiếp tục được Sở tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG