Hà Nội : Nhiều người đi học viết chữ đẹp

Hà Nội : Nhiều người đi học viết chữ đẹp
TPO - Có một lớp học nơi gác xép tầng hai của căn hộ nhỏ trên đường Thụy Khuê (Hà Nội). Học sinh có đủ trẻ, già; từ học sinh tiểu học đến công chức nhà nước, thậm chí cả giáo viên... Đặc biệt hơn,  lớp học này lại chỉ dạy viết chữ đẹp.

Đó là câu đầu tiên thầy giáo dạy lớp viết chữ đẹp Nguyễn Văn Sơn viết lên đầu mỗi cuốn vở của học viên như một lời động viên, nhắc nhở. Từ hơn 1 năm nay, căn phòng nhỏ này đã trở thành lớp học của hàng trăm lứa học viên đến học viết chữ đẹp.

Thầy Sơn tâm sự: “Thời đại công nghệ thông tin, mọi việc đều do máy tính làm nên dường như người ta quên mất cả việc luyện chữ viết. Trên thực tế thì có nhiều việc mà máy tính không thể làm thay cho mình được”.

Đến bây giờ thầy Sơn cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã dạy bao nhiêu khóa học viết nữa. Những cuốn vở của học viên thầy lưu lại cứ cao dần lên trên chiếc giá, có lẽ tới gần nghìn cuốn.

Thầy coi đó như là một bảo tàng về những kỷ niệm và thành tích trong cuộc đời mình. Những nét chữ học viên ban đầu nguệch ngoạc, xiêu vẹo..., sau 12 buổi luyện tập với thầy Sơn thì tiến bộ lên trông thấy.

Em Phùng Hải Nam (học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Du, Tây Hồ) đến cơ sở của thầy Sơn học được 4 buổi, về trường làm bài kiểm tra, cô giáo nhìn bài liền gọi lên hỏi đã nhờ ai làm bài giúp vì thấy nét chữ thay đổi nhiều quá.

Không chỉ có học sinh tiểu học mà những người đã đi làm, nhiều thầy cô giáo cũng tìm đến thầy để... học chữ. “Chuyện nghe lạ đời nhưng là sự thật. Nhiều thầy cô giáo chữ rất xấu. Điều đó nhiều khi ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng vì ngoài viết trong vở, các thầy cô còn phải viết lên bảng... Thế là họ tìm đến tôi”, thầy Sơn giải thích.

Không ai có thể ngờ người thầy giáo gần 50 tuổi phụ trách lớp học ấy đã từng trải qua hơn mười năm là thợ sửa xe máy.

Vốn có năng khiếu từ nhỏ, vào bộ đội thầy Sơn được cử đi học lớp ngắn hạn về kẻ vẽ và trang trí. Rời quân ngũ, được cử đi lao động ở Liên Xô, sang đây anh lại có điều kiện phát huy năng khiếu khi được giao nhiệm vụ làm họa sỹ của nhà máy.

Năm 1991, về nước anh định tiếp tục công việc ở nước ngoài bằng cách mở cơ sở kẻ vẽ biển quảng cáo. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh không cho phép anh đành gác lại ý định. Để mưu sinh, anh quyết định chọn nghề sửa chữa xe máy.

Thế nhưng nhiều lúc anh em bạn bè vẫn thường nhờ luyện viết chữ cho con em. Năm 2005, khi nhu cầu luyện viết của nhiều người lên cao, nghe lời khuyên của mọi người, thầy mở lớp học trên tầng 2 này.

Tiếng lành đồn xa, sau những khóa học đầu đạt hiệu quả cao, học viên đến đăng ký học rất đông. Thậm chí có nhiều người từ Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tây... cũng tìm đến địa chỉ 508 Thụy Khuê này dể học viết chữ đẹp.

Nét chữ, nết người

Lá thư của một học viên là giáo viên ở Tuyên Quang viết sau khóa học, những nét chữ đều đặn và mềm mại:

“Thầy ơi! Hôm nay là ngày mà em phải tạm biệt thầy để trở về với quê hương yêu dấu và tiếp bước thầy trên con đường sự nghiệp. Thật sự em không biết phải nói gì ngoài lời cảm ơn với thầy. Trong suốt tuần qua thầy đã hết lòng tận tình chỉ dạy cho em để có được những kiến thức và những dòng chữ đẹp như bây giờ. Em rất vui và hạnh phúc...  Trò của thầy: Bùi Bích Thảo”.

Thầy Sơn tâm sự: “Tôi chỉ dạy cho các học viên 12 buổi nhưng thầy trò sống tình nghĩa lắm. Hàng năm vào dịp 20/11 và năm mới tôi vẫn nhận được điện thoại chúc mừng của học viên. Không là giáo viên được đào tạo sư phạm nhưng tôi thấy hạnh phúc vô cùng”.

Thực tế thì khi đến học ở lớp học này, các học viên  không chỉ được dạy từng nét chữ mà còn dạy cả lòng kiên trì, nhẫn nại.

Anh Trung (Nhân viên phòng kinh doanh, sở Điện lực HN) giải thích: “Thầy Sơn vẫn bảo viết được chữ đẹp không cần phải có hoa tay nhưng cần phải có lòng kiên trì, chịu khó mới có thể luyện thành công được. Sau khi viết được chữ đẹp, tính nết tôi cũng thay đổi nhiều lắm. Tôi cẩn thận hơn, kiên trì hơn trong mọi việc. Ngoài kiến thức về hội họa, về cách viết chữ đẹp, thầy Sơn còn truyền cho chúng tôi điều đó”.

Trong mỗi khóa học, thầy vẫn dặn các học viên: “Tôi có 10 cái hoa tay nhưng tôi luôn cẩn thận trong mọi việc. Không thể vội vàng hấp tấp được. Các bạn cũng phải thế”. Bởi vậy, trước khi mỗi học viên đến đăng ký, thầy đều yêu cầu viết thử mấy dòng để xem tính cách của từng người, dựa vào đó mà luyện cho họ.

Một điều đặc biệt nữa là ở đây học viên không chỉ được học những chữ viết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn được học các kiểu chữ mỹ thuật dùng để trang trí. Từng được học về hội họa nên trong bài giảng của thầy bao giờ cũng vận dụng những kiến thức mỹ thuật. Vì thế, học viên sau khóa học còn biết vận dụng những kiến thức hội họa trong cách trình bày con chữ.

MỚI - NÓNG