Hà Nội: Những băn khoăn trước thềm năm học mới

Hà Nội: Những băn khoăn trước thềm năm học mới
Luật Giáo dục 2005 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2006 nhưng năm học mới chỉ còn mấy ngày nữa là bắt đầu. Bộ GD&ĐT chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật, vậy là nhiều vấn đề đành phải để ngỏ...

Theo Luật GD bổ sung, sửa đổi (gọi là Luật GD 2005), nhà trường trong hệ thống GD quốc dân không còn loại hình bán công. HN không nhiều trường phổ thông bán công. Nhưng với cấp học mầm non (MN), đây quả là một vấn đề.

Thực hiện quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHN đã lên kế hoạch 55/ KH- UB: hết quý 3/2005 sẽ có 30% trường MN công lập được chuyển sang bán công và hầu hết các trường MN nông thôn thực hiện mô hình bán công. Đến cuối năm học vừa rồi, HN có 16/131 trường MN công lập đã chuyển đổi. Ngoài ra còn có 119 trường MN nông thôn.

Tại cuộc họp báo về tình hình chuẩn bị năm học mới của Sở GD&ĐT được tổ chức ngày 30/8, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở cho biết, các trường MN nông thôn cần được ổn định bộ máy, có tổ chức, bài bản và nghiêm túc để đáp ứng yêu cầu của GD MN hiện nay.

Hiện tại, đây vẫn sẽ là loại hình bán công. Nhưng khi Luật GD 2005 có hiệu lực, những trường này sẽ là trường dân lập.

Với những trường MN công lập đã chuyển đổi (thực chất là những trường công lập thu học phí cao) thì Sở GD&ĐT HN chưa có cách giải quyết cụ thể.

Dự định của Sở GD&ĐT HN là sẽ xin ý kiến của Bộ GD&ĐT để những trường đó được hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ công ích – nghĩa là vẫn sẽ lấy thu đủ chi như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ không còn tên gọi “bán công”. Đây sẽ là những trường nòng cốt trong hệ thống GD MN của Thủ đô.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Lập – Phó GĐ Sở GD&ĐT HN – nói: “Có những vấn đề phải tháo gỡ dần dần. Không phải cứ hễ thực hiện luật là các trường bán công ngay lập tức phải biến mất!”

Bỏ thi tốt nghiệp THCS, căn cứ nào để tuyển sinh vào lớp 10?

Cho đến thời điểm này, Sở GD&ĐT chưa triển khai một cuộc họp chính thức nào bàn về việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2006. Đã 7 năm qua, HN thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập bằng hình thức xét tuyển (căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THCS).

Thực hiện Luật GD 2005, từ năm 2006, cả nước bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Một lãnh đạo Sở GD&ĐT HN cho biết: “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ”. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT HN cũng đã xác định: sẽ kiên trì theo con đường xét tuyển.

Có thể là sự kết hợp giữa thi và xét tuyển. Nếu chỉ xét tuyển căn cứ vào học bạ e rằng sẽ không đảm bảo sự công bằng bởi chưa ai dám chắc về sự đồng đều trong đánh giá HS giữa các trường THCS. Vì vậy, cần có căn cứ để đánh giá trên mặt bằng chung - đó là một cuộc thi. 

Nhưng chỉ thi không thì nẩy sinh vấn đề khác: HS sẽ chỉ chú trọng tới những môn sẽ thi, ảnh hưởng tới yêu cầu dạy – học toàn diện. Có khả năng, ngay trong học kỳ I năm học này, phương án tuyển sinh lớp 10 công lập của HN sẽ được công bố. Nếu không, muộn nhất sẽ là ngay sau HK I.

HS lớp 12 THPT phân ban thí điểm thi cử thế nào?

Vấn đề khiến lãnh đạo Sở GD&ĐT HN đau đầu nhất, đó là việc thi cử của đối tượng HS này trong năm 2006. Năm nay, HN có khoảng hơn 2000 HS lớp 12 của 5 trường THPT phân ban thí điểm.

Ông Lê Đình Lập nói: “Gay go nhất là thi ĐH, CĐ. Thú thật, ngay cả các giáo viên cũng băn khoăn chứ chưa nói gì đến phụ huynh và HS!”

Đầu tiên là vấn đề về đề thi. Chương trình THPT phân ban có 2 ban – 2 ban này lại không tương ứng với các khối thi của ĐH, CĐ. Mỗi ban lại thực hiện 2 bộ SGK – dù trên cơ sở 1 chương trình chuẩn. Chắc chắn, mỗi nhóm  tác giả sẽ có ý đồ riêng, qua đó cách thể hiện sẽ khác nhau.

Ra đề thế nào để phù hợp với trình độ HS ở các ban khác nhau? HS học Ban KHXH&NV (tạm gọi là ban C) muốn thi khối A, liệu có thi nổi không? Tuy Bộ GD&ĐT có hứa hẹn rằng, đề thi sẽ ra trên cơ sở nền chương trình khung, nhưng liệu tư tưởng này có “thấm” được đến người ra đề hay không?

Về cách thức thi tuyển, ông Lập đặt câu hỏi: Nếu cứ thi và xét tuyển lấy từ trên xuống dưới thì HS phân ban có “chen” được vào ĐH không khi phải đọ sức với một lực lượng HS không phân ban có số lượng áp đảo?

Thi thì lấy chương trình chuẩn. Nhưng chuẩn của phân ban và không phân ban khác nhau. Thậm chí có những đề mục đọc tên lên thì giống nhau, nhưng nội dung học khác nhau, độ nông sâu khác nhau.

Nếu người ra đề chỉ nhìn thấy 2 HS học cùng một vấn đề giống nhau để ra đề (dù một đằng 4 tiết/ đề mục, một đằng 2 tiết/ đề mục) thì sao?

Mọi trông chờ giờ đây là ở sự “tháo gỡ” của Bộ GD&ĐT. Hy vọng rằng rốt cục sẽ có một giải pháp để không thiệt thòi tới quyền lợi của HS THPT phân ban thí điểm.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".