Hà Nội: Oái oăm xếp lịch nghỉ của học sinh vì ... thiếu chỗ học

Học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc - Hà Nội dự khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Ảnh: Nhật Minh
Học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc - Hà Nội dự khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Ảnh: Nhật Minh
TP - Thiếu trường học, sĩ số lớp học vượt gần gấp đôi quy định khiến nhiều trường tiểu học tại Hà Nội phải sắp xếp lịch học luân phiên rất oái oăm, nghỉ thứ 4 và học thứ 7. 

Phụ huynh nháo nhác tìm nơi gửi trẻ trong những ngày nghỉ giữa tuần. Nhiều CLB, trung tâm dạy thêm, học thêm nhân cơ hội này hút khách. Thiếu trường lớp học sinh phải nghỉ luân phiên, đó là thực trạng ngay đầu năm học mới ở giữa Thủ đô hiện nay. 

Phụ huynh lao đao tìm nơi gửi trẻ
Chị Nguyễn Thị Mai Anh, có con là học sinh lớp 2 Trường tiểu học Đại Từ, quận Hoàng Mai cho biết, từ năm ngoái đến nay, học sinh không đủ phòng học nên nhà trường phải xếp lịch học cả vào ngày nghỉ cuối tuần, trong khi giữa tuần lại được nghỉ cả ngày. Những tưởng, sự việc chỉ kéo dài một thời gian, trường sẽ tu sửa phòng ốc, đáp ứng nhu cầu học sinh nên cứ ngày con nghỉ học chị lại chở con gửi nhờ hết nhà họ hàng đến người quen cho qua năm học. Tuy nhiên, năm học mới này, con lại được nghỉ học ngày thứ 4, đi học ngày thứ 7. 
Mới đây, chị nhận được thông báo của Hội trưởng Hội phụ huynh với nội dung: “Do thứ 4 hàng tuần lớp nghỉ nên trung tâm mở lớp ôn luyện Toán, Tiếng Việt mời cô giáo chủ nhiệm dạy. Vì vậy, mời phụ huynh có nhu cầu đăng ký cho con học”. Theo chị Mai Anh, học phí được thông báo là 1 buổi 80.000 đồng, cả ngày 160.000 đồng, tính cả ăn trưa là 200.000 đồng. Tính ra, nếu học cả tháng con sẽ mất thêm 800.000 đồng, trong khi thứ 7 là ngày nghỉ, gia đình lại phải đưa con đi học. 
Theo chị Mai Anh, cả hai vợ chồng đều công chức nhà nước, không thể nghỉ làm để trông con. Vì vậy, nếu không học thêm Toán, Tiếng Việt theo “gợi ý” của Hội phụ huynh cũng phải chọn 1 CLB nào đó cho con theo. Tuy nhiên, học CLB chỉ hai giờ hoặc nửa ngày phải đưa đón nên cuối cùng phải quyết định đăng ký cho con đi học thêm Toán, Tiếng Việt để giải quyết vấn đề “gửi trẻ”. 
Tương tự, Trường tiểu học Chu Văn An, Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) năm nay cũng đón lượng học sinh lớp 1 lên tới 1.145 học sinh. So với năm học 2017-2018, năm nay lượng học sinh tăng đến 8 lớp. Thiếu phòng học, trường phải bố trí lịch học luân phiên các ngày trong tuần. Theo lịch được sắp xếp, học sinh mới vào lớp 1 năm nay có sĩ số từ gần 50 em/ lớp. Mỗi lớp chỉ học 4 ngày trong tuần. Vì thế, có lớp học thứ 2, thứ 3, thứ 7, chủ nhật, nghỉ thứ 4 đến thứ 6 hoặc có lớp nghỉ thứ 4, thứ 5, đi học thứ 2,3,6 và thứ 7. Với lịch học, nghỉ bất thường như vậy, khiến hàng nghìn gia đình gặp khó. 

Nở rộ dịch vụ ăn theo
Nắm bắt thời cơ, xuất hiện các dịch vụ tổ chức đón học sinh nghỉ luân phiên. Một cơ sở có tên “Khóa học bán trú” cho biết, sẵn sàng đón học sinh nghỉ học luân phiên để phụ huynh yên tâm đi làm. Trên website, cơ sở này quảng cáo, trong những ngày học sinh nghỉ ở trường, phụ huynh đăng ký gửi con đến đây sẽ được chú trọng ôn tập 3 môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh, ngoài ra còn được học kỹ năng sống hoặc võ thuật, học nhảy… Đi kèm với đó là giá tiền cho mỗi học sinh 550 nghìn đồng/ tháng. Chi phí ngày nghỉ luân phiên đóng cả tuần, học tuần 2 buổi trọn gói cả học phí, ăn trưa, dã ngoại, quà tặng lễ tết là 8,5 triệu (9 tháng học). 
Chị Đặng Thị Bích ở Khu đô thị Linh Đàm cho biết, con vào lớp 1, mỗi tuần nghỉ đúng ngày thứ 4, thứ 5. Hai vợ chồng ở Hà Nội lập nghiệp, không có ông bà, người thân ở gần để gửi con. Nhà còn có một em bé 2,5 tuổi đi nhà trẻ nữa nên đến ngày con lớn nghỉ học không biết xoay xở ra sao. “Có hôm, chị đã liều mình chuẩn bị cơm nước rồi nhốt con trong nhà nhưng đi làm thấp thỏm không yên. Sợ con chẳng may nghịch dại điện, nước… nên không dám nhốt con nữa nên đành chọn phương án cho con đi học ở CLB”, chị nói. Cũng theo chị Bích, con đi học như vậy, chẳng hi vọng sẽ được ôn luyện, củng cố kiến thức gì, chỉ coi như có một chỗ trông con cho vợ chồng đi làm. Tuy nhiên, điều chị lo lắng là ngoài học phí ở trường công, gia đình còn phải đóng gần 1 triệu đồng/ tháng ở CLB là một khó khăn lớn với gia đình trẻ. 
Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết, học sinh đông, khu vực có hơn 70 tòa chung cư chỉ có 2 trường học nên cơ sở vật chất thiếu thốn, việc bố trí cho học sinh học 4 ngày/ tuần như hiện nay là phương án tối ưu nhất rồi. Nếu học 1 buổi/ ngày học sinh, phụ huynh còn vất vả hơn nữa. Bà Thêu cho biết, không riêng lớp 1 mà toàn trường hiện nay phải sắp xếp lịch học 4 ngày/ tuần, không có ngày nghỉ cuối tuần. “Biết là giáo viên, học sinh, phụ huynh đều vất vả nhưng không có phương án khác, đành phải chấp nhận”, bà Thêu nói.  
Không riêng Trường tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai, năm học 2018-2019, lượng học sinh vào lớp 1 tăng đột biến. Do đó, nhiều trường có sĩ số cao gần gấp đôi so với quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em/ lớp. Cụ thể như, Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông) 60 em/ lớp; Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) 60 em/ lớp; Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) 59 em/lớp; Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ) 60 em/ lớp…
Vấn đề sĩ số lớp quá đông tại nhiều trường ở giữa thủ đô đã được nói rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất lên UBND TP phương án mỗi lớp có 2 giáo viên nhưng chưa có kết quả. 

Năm học 2018-2019, TP Hà Nội có gần 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, trong đó riêng lớp 1 có tới 180.000 em, tăng 30.000 em so với năm trước. Do đó, trường lớp không thể đáp ứng đủ nhu cầu, nên có trường phải bố trí tới 60 học sinh/ lớp.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.