Hai cô gái xuất sắc của xuất sắc

TP - Đỗ Kim Hoa (dân tộc Nùng) ở Bắc Giang hiện đang là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội với điểm sàn đầu vào vượt xa cả những thí sinh Hà Nội được học thêm “tận răng”: Toán 9,6; Lý 9,25; Hóa: 9,75 điểm.

Bố Hoa mất sớm, cô gái nhỏ mỗi sáng đều dậy từ 5h để phụ mẹ dọn hàng bán ngoài chợ. Bất cứ ngày nghỉ nào, thay vì đi chơi với bạn, Hoa đều mang sách ra chợ giúp mẹ trông hàng. Tiếp xúc với việc buôn bán sớm, Hoa mong muốn sau này được làm những công việc liên quan đến giao tiếp, kinh doanh. Hoa cũng là một trong số ít thí sinh “dạn người”, không bị bẽn lẽn, căng thẳng khi tiếp xúc với người lạ.

Hai cô gái xuất sắc của xuất sắc ảnh 1 Đỗ Kim Hoa.

Xuống Hà Nội học đại học, Hoa chọn ở ngoại trú có điều kiện tự nấu cơm để tiết kiệm chi phí. Việc Hoa giỏi nhất là đi chợ. Giết gà, làm cơm cũng là chuyện trong tầm tay.

Mới học năm nhất, Hoa đã loay hoay tìm cách đi làm thêm để cộng với phần học bổng, mong muốn giảm gánh nặng kinh tế cho mẹ. Hiện Hoa đang làm gia sư mỗi tuần ba buổi. Cô gái rất lấy làm may vì “mác” Đại học Ngoại thương tương đối dễ xin việc, chứ như nhiều trường khác, năm nhất gần như không có cơ hội làm gia sư.

Lê Thị Huệ Chi (dân tộc Nùng) ở Thái Nguyên từng được giải Nhì môn Sinh học kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Hiện Chi là sinh viên Đại học Y Hà Nội - một trường nổi tiếng khó nhằn và khó vào.

Hai cô gái xuất sắc của xuất sắc ảnh 2 Lê Thị Huệ Chi.

Chi kể, có lẽ vì mê nghề y nên dù mới học mấy tuần ở Viện giải phẫu, cô cũng không quá bị sợ hãi, ám ảnh. “Những người hiến xác cho y học đều có suy nghĩ tiến bộ, nên mình tôn trọng họ” cô nói.

Trong bộ trang phục Nùng được may vá cực kỳ cẩn thận, bao gồm cả khăn đội đầu và túi đeo, Chi khoe đấy là đồ của bà ngoại. Cứ có cháu gái lớn là bà may cho một bộ, đứa nào cần bà cho mượn dùng, dùng xong phải trả bà bảo quản mới yên tâm.

Trong khi đa số học sinh cho rằng: thoát khỏi “lò luyện ngục” thi cuối cấp, vào đại học rồi là dịp để xả hơi, thì Chi kết luận ngược: vào trường Y mới thấy trước học chuyên cũng chưa gọi là vất vả! Xác định mất ít nhất 9 năm học Đại học (ĐH Y sau khi tốt nghiệp, học sinh đều phải học thêm ít nhất ba năm chuyên sâu) và hàng ngày phải tiếp xúc với máu, với bệnh tật, đau đớn song Chi không ân hận vì lựa chọn của mình. Bác sĩ tương lai không run rẩy trong nhà xác nhưng lại khóc ngon lành khi được hỏi: có nhớ món ăn Nùng không? Nhớ món Nùng, với Chi đồng nghĩa nhớ nhà.

MỚI - NÓNG