Hai cô giáo học làm phi hành gia

Cô Lâm Nguyễn Tường Vy. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.
Cô Lâm Nguyễn Tường Vy. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.
Cô giáo Lâm Nguyễn Tường Vy và Lý Thị Thùy Duyên là hai trong số 8 giáo viên được chọn tham gia chương trình đào tạo mô phỏng phi hành gia tại Mỹ.

Cô Lâm Nguyễn Tường Vy dạy môn Lý tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) được 15 năm. Cô từng là ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn Giáo viên và từng là phó trợ lý thanh niên của trường.

Khi cô giáo 'đóng vai' học trò

Trong suốt 15 năm tham gia giảng dạy, cô Vy có rất nhiều thành tích. Cô là một trong những giáo viên đầu tiên của TP.HCM tổ chức Hội thi Nhà khoa học trẻ dành cho học sinh cấp THCS Và THPT.

Bên cạnh đó, cô còn tham gia điều phối và giảng dạy chương trình dạy Toán và các môn Khoa học bằng tiếng Anh, là giáo viên hướng dẫn cho câu lạc bộ văn hóa Nhật Bản và câu lạc bộ Vật lý.

Trong suốt 5 ngày tập huấn, cô Vy tham gia xây dựng các trò chơi, tiết học, những bước xây dựng kiến thức mới cho học sinh sao cho dễ hiểu và sinh động nhất.

Cùng lúc đó, cô được đóng vai trò học sinh tham gia hết mình vào các hoạt động kỹ năng sống tại khu giả lập 51 (zone 51), Zipline, thoát hiểm khi trực thăng bị chìm, hoặc lắng nghe các bài giảng rất hay của chính nhà du hành vũ trụ, người sáng lập Spacecam, và HESA.

Đặc biệt, cô Vy có cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế từ Jordany, India, Indonesia, Singapore, Mỹ, Nauy, Thổ Nhĩ Kỳ. Đó sẽ là những kỷ niệm rất khó quên với nữ giáo viên.

Cô giáo dạy Vật lý chia sẻ: Kỷ niệm đáng nhớ trong suốt chuyến đi chắc không thể kể hết, từ việc bị cơn bão, mưa và sét níu chân ở sân bay Chicago, Mỹ suốt 28 tiếng, hoặc sự giúp đỡ tận tình của chị Karla, và cả những trận cười của cả đội Destiny khi hướng dẫn không thành công tàu con thoi Discovery quay vòng vòng quanh quỹ đạo…

"Nhắc đến là nhớ lắm những thầy cô hướng dẫn, hai anh chị trưởng nhóm dễ thương và các thành viên rất yêu đời, nhiệt tình, luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương nhất bất kể tuổi tác, quốc tịch”, giáo viên này nói.

Trong thời gian tới, cô Tường Vy ấp ủ dự định được tổ chức các hoạt động đã được học qua chương trình HESA để áp dụng tại trường cho học sinh.

Kinh nghiệm tạo hứng thú cho học trò

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không chỉ có cô Lâm Nguyễn Tường Vy, cô Lý Thị Thùy Duyên cũng tham gia khóa học này.

Ban giám hiệu nhà trường, thầy tổ trưởng đã khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho hai cô giáo đăng ký tham gia chương trình. Việc bố trí công tác hè của hai giáo viên cũng được ban giám hiệu xem xét và phân công rất hợp lý, được sự chấp thuận của ban giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.

Hai cô giáo học làm phi hành gia ảnh 1

Cô Vy cùng bạn bè trong đội. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.

Cô Duyên là giáo viên trẻ, giảng dạy bộ môn Sinh học của trường. Đối với cô, chuyến đi này là kỷ niệm không bao giờ quên bởi mỗi ngày, mỗi giờ, cô học được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là việc tạo hứng thú trong các tiết học cho học trò.

“Trước khi đến khóa học, tôi không hiểu nhiều về không gian và tên lửa. 5 ngày ở HESA đã cho tôi những kiến thức khoa học sinh động, dễ hiểu và khó quên. Tôi rất ấn tượng và vô cùng ngưỡng mộ những suy nghĩ táo bạo vĩ mô và cách biến những suy nghĩ đó thành sự thật của các nhà khoa học. Từ đó, tôi nghĩ học sinh trong thời đại khoa học phát triển cần dám nghĩ, dám ước mơ chính đáng, rồi học tập tìm cách thực hiện ước mơ đó", cô Duyên chia sẻ.

Cô giáo trẻ cũng cho biết cách tổ chức khóa trải nghiệm của HESA rất nghiêm túc và khoa học, một ngày bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 19h. Các hoạt động nối tiếp nhau hợp lý và nhịp nhàng. Tuy lịch hoạt động dày đặc, ai nấy đều cảm thấy cuốn hút.

Tạo điều kiện cho giới trẻ đam mê khoa học

Thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - nhận xét về hai cô giáo của trường tham gia chương trình: “Đây là hai giáo viên trẻ có năng lực tốt, giảng dạy môn Sinh học và Vật lý. Hai cô cũng có khả năng dạy môn của mình bằng tiếng Anh cho học sinh.

Cô Vy và cô Duyên rất năng động trong công việc, có tư chất, phẩm chất tốt và cả hai cô đều đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngoài ra, hai giáo viên này còn là nòng cốt của hoạt động nghiên cứu khoa học của trường”.

Thầy Nghi cũng cho biết việc tạo điều kiện cho các bạn trẻ được tiếp cận chương trình tiên tiến rất cần thiết nên thầy và ban giám hiệu luôn tạo điều kiện hết sức để giáo viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học, các khóa đào tạo có ý nghĩa trong công tác giảng dạy.

Theo Theo Giáo dục thời đại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.