Hàng nghìn HS có nguy cơ không được chứng nhận hoàn thành bậc học

Hàng nghìn HS có nguy cơ không được chứng nhận hoàn thành bậc học
TP - Chỉ vì việc triển khai thiết bị giảng dạy quá chậm, hàng nghìn học sinh tiểu học ở Hưng Yên có nguy cơ không được nhận chứng nhận hoàn thành bậc học.
Hàng nghìn HS có nguy cơ không được chứng nhận hoàn thành bậc học ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngoài ra, hàng nghìn học sinh lớp 11 của 25 trường THPT trong tỉnh cũng phải chạy đua với với môn tin học khi phải học chương trình của ba học kỳ trong kỳ hai năm 2008.

Nguyên nhân của câu chuyện kỳ lạ này xuất phát từ việc tổ chức đấu thầu mà có ý kiến cho rằng có sự “thiếu trách nhiệm” của các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Hưng Yên.

Gói thầu mua sắm thiết bị dạy học lớp 5 và lớp 10 từ năm học 2006-2007 của Sở GD&ĐT trị giá trên 4,5 tỷ đồng mãi đến đầu năm 2008 mới chọn  được nhà thầu kèm theo những tố cáo về sự thiếu minh bạch trong đấu thầu.

Đầu tiên là liên danh Cty TNHH Hoa Mai và Cty Ứng dụng kỹ thuật sản xuất Tecapro, một trong hai nhà thầu, có đơn khiếu nại về kết quả trúng thầu.

Theo ý kiến của ông Phạm Quang Minh, đại diện bên nhà thầu liên danh,  “nhà thầu Cty thiết bị giáo dục & khoa học kỹ thuật (TBGD&KHKT) Long Thành (đơn vị trúng thầu gói thầu số 1) không thể đạt điểm tối đa vì không tiên tiến hơn theo yêu cầu hồ sơ mời thầu. Cấu hình máy tính và máy chủ giáo viên của liên danh Hoa Mai tiên tiến hơn nhờ cấu hình chào thầu bao gồm cả card phục hồi dữ liệu, một chi tiết rất thiết thực trong điều kiện  sử dụng máy tính chung  như ở trường học”.

Không những thế, Cty Long Thành còn bị tố cáo không đáp ứng điều kiện tham gia đấu thầu. Theo quy định, tiêu chí tham gia đấu thầu là phải chứng minh năng lực và kinh nghiệm. Theo đó nhà thầu phải có ít nhất ba hợp đồng đã thực hiện có giá trị tương đương gói thầu trở lên, nếu không sẽ bị loại.

Hồ sơ dự thầu của nhà thầu Long Thành có bản công chứng hợp đồng kinh tế với Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, giá trị thực hiện gần 3,6 tỉ đồng. Chỉ cần xét tiêu chí tương đương như quy định của hồ sơ mời thầu, nhà thầu này lẽ ra phải bị loại ngay từ vòng đầu vì giá trị gói thầu ở Hưng Yên là 4,5 tỷ đồng.

Hơn thế nữa, đơn vị tư vấn, Cty Cổ phần Tư vấn & Xây dựng Bưu điện, còn phát hiện Long Thành có dấu hiệu giả mạo hồ sơ (hợp đồng kinh tế).

Công văn nhà tư vấn gửi Sở GD&ĐT Hưng Yên khẳng định, hợp đồng kinh tế Cty Long Thành thực hiện với UBND tỉnh Bắc Giang, gói thầu “Xây dựng mạng hạ tầng máy tính cục bộ”, giá trị giao thầu chỉ gần 600 triệu đồng chứ không phải là hơn 3,6 tỉ đồng như trong hồ sơ tham dự đấu thầu.

Ngạc nhiên hơn, không phải chủ đầu tư không biết hồ sơ của nhà thầu này có vấn đề. Công văn số 29, ngày 7/1/2008, của Sở GD&ĐT gửi Sở Tài chính, thể hiện sự nghi vấn hồ sơ của Long Thành. Chính vì thế, chủ đầu tư yêu cầu Long Thành mang tất cả hợp đồng kinh tế gốc để đối chứng. 

Nhưng không hiểu vì sao, bất chấp kiến nghị của nhà tư vấn rằng phải có hình thức xử lý việc giả mạo hồ sơ, như đã nói, Long Thành vẫn về đích trước con mắt ngạc nhiên của nhiều người.

Có người cho rằng, sự thành công của Long Thành dường như có bàn tay can thiệp quá nhiều của Sở Tài chính. Theo quyết định  phân công nhiệm vụ, Sở Tài chính là cơ quan thẩm định kết quả thầu. Thế nhưng cơ quan này lại chấm lại và nâng điểm cho Long Thành từ 20 lên 30 điểm.

Không biết có phải vì kết quả đấu thầu vi phạm pháp luật này hay không mà đến nay, quá thời hạn gần nửa tháng, vẫn chưa có hợp đồng kinh tế nào được ký kết.

Câu chuyện đấu thầu chưa biết bao giờ ngã ngũ. Nhưng hậu quả hàng nghìn học từ tiểu học cho đến trung học phổ thông Hưng Yên đang phải gánh chịu lại nhỡn tiền.  

Trong báo cáo  gửi Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh về công tác mua sắm, sử dụng thiết bị dạy học cho lớp 5, lớp 10 và 11, Sở GD&ĐT  đưa ra hướng khắc phục sau khi có thiết bị giảng dạy. Theo đó, học kỳ 2 năm học 2007-2008, học sinh các lớp 5, 10 và 11 sẽ học bù chương trình tin học của học kỳ một. Riêng học sinh lớp 11 sẽ phải nhét thêm toàn bộ chương trình năm lớp 10.

Học kỳ 2 sắp kết thúc. Theo một quan chức trong ngành giáo dục, giải pháp dồn ép môn tin học mà lãnh đạo Sở GD&ĐT Hưng Yên  báo cáo khó có khả năng thực hiện. Khi  bài báo này lên khuôn, vẫn chưa có hợp đồng cung cấp thiết bị nào được ký kết. Không biết Hưng Yên sẽ xoay xở thế nào với hàng nghìn học sinh lớp 5 để các cháu được chứng nhận hoàn thành phổ cập bậc học.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.