Hàng trăm học sinh bị phu huynh cho nghỉ học để phản đối dự án

Từ khai giảng đến ngày 9/9, chỉ có vài học sinh thôn Trung Hiếu Thượng đến lớp
Từ khai giảng đến ngày 9/9, chỉ có vài học sinh thôn Trung Hiếu Thượng đến lớp
TP - Đến hết buổi sáng ngày 9/9, vẫn có tới 265/361 học sinh tiểu học ở thôn Trung Hiếu Thượng (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) được phụ huynh cho nghỉ học để phản đối 2 dự án nằm trên địa bàn thôn.

Chiều 9/9, thông tin với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết, đến buổi học sáng cùng ngày, vẫn có 265/361 học sinh mầm non và tiểu học ở thôn Trung Hiếu Thượng không đến lớp (khối mầm non có 11 cháu đến lớp, 130 cháu nghỉ học, khối tiểu học có 40 em đến lớp, 135 em nghỉ học)

Trước đó, vào buổi khai giảng năm học mới diễn ra vào sáng 5/9 tại mầm non Thanh Hải B và trường tiểu học Thanh Hải B, các đại biểu và nhà trường đã ngỡ ngàng khi thấy hầu hết số học sinh ở thôn Trung Hiếu Thượng nói trên đều bỏ dự lễ khai giảng, để lại khoảng trống lớn ở sân trường.

Đến ngày 6/9, ngày đầu tiên đi học, tại điểm trường mầm non Thanh Hải B nằm tại thôn Trung Hiếu Thượng với 4 lớp, tổng số học sinh là 141 trẻ thì mỗi lớp chỉ lác đác từ 4 đến 5 cháu được phụ huynh đưa đến học. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở trường tiểu học Thanh Hải B.

Thông tin với Tiền Phong về nguyên nhân học sinh của thôn Trung Hiếu Thượng đồng loạt nghỉ học, ông Trần Văn Hiếu, đại diện người dân trong thôn cho biết, việc nghỉ học của học sinh không liên quan đến nhà trường hay ngành giáo dục.

“Chúng tôi cho con em nghỉ học để phản đối 2 dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy của Cty TNHH khoáng sản Trang Huy và Cty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh.

Trước đây, việc khai thác đá của 2 doanh nghiệp này đã gây ra nhiều hệ lụy cho người dân. Quá trình khai thác, họ sử dụng mìn, vật liệu nổ, xe trọng tải lớn chở đá. Ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… đã làm đời sống nhân dân xáo trộn.

Năm 2017, 2 đơn vị này tiếp tục xây dựng bến thủy nội địa ngay cuối thôn để chở đá xuống các tàu thuyền, sau đó lưu thông theo đường sông, khiến người dân càng bức xúc”, ông Hiếu lý giải nguồn cơn việc học sinh trong thôn đồng loạt nghỉ học.

Ông Nguyễn Văn Khoa, một người dân thôn Trung Hiếu Thượng chia sẻ “Cực chẳng đã, chúng tôi phải cho con em nghỉ học để phản đối 2 dự án này”.

Cũng theo ông Hiếu, ông Khoa, năm 2018, để phản đối việc xây dựng bến thủy nội địa kể trên, người dân đã không đưa con em đến trường đi học khoảng 1 tháng, đồng thời bỏ trống, không gieo cấy ở 15ha diện tích nằm giữa 2 dự án. Sau khi cơ quan chức năng tạm dừng việc xây dựng bến thủy, các cháu học sinh mới quay lại trường. Đến nay, thấy dự án lại tiếp tục nên người dân buộc lại phải cho con nghỉ học để tiếp tục phản đối.

“Đã tạm dừng dự án”

Xác nhận với Tiền Phong, Chánh Văn phòng Huyện ủy Thanh Liêm Nguyễn Văn Khánh cho biết việc xuất hiện 2 dự án trên là có thật. Cụ thể, ngày 24/7/2017, UBND tỉnh Hà Nam có quyết định về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy của Cty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Cty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Tổng diện đích hơn 15 nghìn m2, tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, trước bức xúc của dân, ngày 22/8, UBND huyện Thanh Liêm đã có văn bản yêu cầu 2 doanh nghiệp trên tạm dừng hoạt động đối với Dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy tại địa bàn xã Thanh Hải cho đến khi có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng.

Đến ngày 23/8, UBND tỉnh Hà Nam đã ra công văn số 2498 yêu cầu tạm dừng hoạt động tại dự án bãi chứa và bến thủy trên sông của 2 doanh nghiệp này. Đồng thời yêu cầu chỉ cho phép 2 dự án này được hoạt động lại khi giải quyết ổn thỏa các kiến nghị của nhân dân.

Chánh văn phòng huyện Thanh Liêm cho biết, ngay sáng 9/9, khi nghe báo cáo về việc học sinh tiếp tục nghỉ học, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Lê Hoàng Thuyên và đoàn công tác của huyện này đã xuống thôn Trung Hiếu Thượng để trực tiếp vận động người dân đưa con em trở lại trường.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.