Hàng trăm học sinh bị trường cũ cấm cửa được đi học

Hàng trăm học sinh bị trường cũ cấm cửa được đi học
TP - Sáng nay, 5/9, hàng trăm học sinh thôn Nam Tiến, thuộc xã Ea Pô huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông bị trường cũ cấm cửa lâu nay có thể dự khai giảng năm học mới, không còn phải chịu cảnh qua sông như trước.
Hàng trăm học sinh bị trường cũ cấm cửa được đi học ảnh 1
Học sinh Nam Tiến không còn phải mặc áo phao tới trường ...

Tuy nhiên, có rất ít hồ sơ được các em rút ra chuyển sang trường mới. 

Suốt 10 năm qua, tất cả trẻ em dân tộc Mường ở thôn Nam Tiến xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông phải vượt sông Sê-rê-pôk sang học ké tại các trường mầm non, tiểu học và THCS của xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Trong lễ khai giảng đồng loạt vào sáng 3/9, các em mất niềm vui tựu trường vì bị trường cũ cấm cửa.

Nhận được nhiều ý kiến từ phụ huynh học sinh thôn Nam Tiến, sáng 4/9, đại diện báo Tiền Phong tiếp tục trao đổi với lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông.

Tiến sĩ Phan Văn Bé, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết, Sở tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để có thể tổ chức khai giảng cho học sinh thôn Nam Tiến vào sáng 5/9.

Trưởng phòng giáo dục Cư Jút Phạm Ngọc Thạch khẳng định, huyện và xã nhanh chóng cải tạo dãy nhà tạm tường ván mái tôn nền đất ngay tại thôn Nam Tiến của công nhân cao su nhường lại, chở bàn ghế vào đủ mở một lớp mẫu giáo, một lớp 1, hai lớp ghép cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5.

Học sinh khối lớp 6 và 7 tùy số lượng nhiều hay ít sẽ có lớp riêng hoặc lớp ghép tại phân hiệu 1 Nguyễn Huệ. Còn số học sinh lớp 8 và 9  tổng cộng chưa tới 10 em nên phải ra trường chính của huyện, cách thôn gần 15 km.

Trước lễ khai giảng, chúng tôi qua sông Sê-rê-pôk đến thôn Nam Tiến, chứng kiến hàng chục học sinh xúng xính trong quần áo mới, khoác loại cặp phao có thể làm nổi người nặng 50kg dưới nước do Liên đoàn Lao động Huyện Cư Jút tặng, khao khát được sang sông học.

Ông Ngân Văn Được, một phụ huynh thôn Nam Tiến có hai con năm nay không được sang học bên huyện Buôn Đôn, kể: “Học trường trái huyện chỉ cách một con sông, trong khi các trường thuộc xã Ea Pô và huyện Cư Jút lại quá xa thôn Nam Tiến, phải vượt suối băng rừng mười mấy cây số hàng ngày sao bọn trẻ đi nổi”.

Lý do không tiếp nhận học sinh thôn Nam Tiến sang học ở huyện Buôn Đôn được các cấp chính quyền hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông xác nhận, là lo cho tính mạng khi các em phải vượt dòng Sê-rê-pôk hung dữ.

Tháng 5/2009, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định không quy hoạch bến đò ngang khu vực này. Tháng 8/2009, lãnh đạo huyện Buôn Đôn chỉ đạo các trường học không tiếp nhận học sinh thôn Nam Tiến sang sông nhập học.

Hàng trăm học sinh bị trường cũ cấm cửa được đi học ảnh 2
...nhưng vẫn phải qua rừng băng suối

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, khẳng định: “Để các cháu khó khăn gián đoạn trong việc học, không chỉ riêng tôi xót lòng.

Tuy nhiên, đoạn sông Sê-rê-pôk rộng trên dưới 120m đầy thác ghềnh từng có nhiều lượt đò chìm gây chết đuối nhiều mạng người này quá nhiều bất trắc. Nếu xảy ra vấn đề gì ai chịu trách nhiệm, ai bù đắp nổi thiệt hại về sinh mạng các cháu? Hai huyện, hai tỉnh bàn thảo nhiều cuộc. Giải pháp tiếp theo thuộc về tỉnh Đắk Nông và huyện Cư Jút”. 

Ông Hoàng Phú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, cho rằng, khu tái định cư ở xã Ea Pô đã có trường lớp xây mới rất khang trang. Hơn 100 hộ dân thôn Nam Tiến không chịu về khu tái định cư mà muốn cho con em học ở Buôn Đôn gây khó cho chính quyền.

Lãnh đạo huyện Cư Jút vẫn đang tìm mọi cách đưa bằng được gần 100 học sinh thôn Nam Tiến về học tại xã Ea Pô, cho tăng cường giáo viên vào thôn Nam Tiến để vận động và dạy học.

Huyện cũng chỉ đạo UBND xã Ea Pô phối hợp với các công ty trồng cao su chuẩn bị phòng học tại chỗ, tạm chấp nhận cơ sở vật chất  tuềnh toàng tạm bợ rồi cố gắng cải tạo dần.

Tuy vậy, trong gần 100 học sinh Nam Tiến bị Buôn Đôn từ chối đến nay vẫn chỉ có rất ít học sinh rút hồ sơ về nhập học ở xã.

Từ năm 2006, huyện Cư Jút có chủ trương giải tỏa trắng  thôn Nam Tiến, để đất giao cho Công ty CP Cao su Đồng Phú và Công ty TNHH Vĩnh An trồng cao su.

Khu định cư mới thuộc dự án ổn định dân di cư tự do huyện Cư Jút tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân xây dựng được hơn ba tỷ.

Hơn 20 hộ dân chịu tái định cư di thiếu đất canh tác nay bỏ đi gần hết, để lại trơ trọi mấy túp lều hoang.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.