Giải thể trường học ở Yên Thành, Nghệ An:

Hàng trăm phụ huynh kéo lên huyện

Hàng trăm phụ huynh kéo lên huyện
TP - Sáng 10/7, hơn 400 người của hai xã Khánh Thành và Kim Thành (Yên Thành, Nghệ An) kéo đến trụ sở UBND huyện phản ứng quyết định giải thể trường THCS Kim Thành và THCS Khánh Thành.

Đây là quyết định giải thể theo Đề án Qui hoạch mạng lưới trường, lớp của UBND huyện Yên Thành giai đoạn 2009 - 2015.

Chưa hợp lòng dân

Theo khảo sát của Phòng giáo dục huyện Yên Thành, do tỉ lệ sinh hàng năm trên địa bàn huyện hiện nay dưới một phần trăm nên số học sinh ngày càng giảm mạnh, một số trường ở vùng đồng bằng, thị trấn có dưới 16 lớp học, ở vùng núi dưới 12 lớp, cho nên không đạt chuẩn qui định của Bộ GD&ĐT.

Về cơ sở vật chất thì cần được cải tạo, nâng cấp. Từ đó Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án Qui hoạch lại mạng lưới trường, lớp trên địa bàn.

Đề án được bà Nguyễn Thị Nhàn- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký, trong đó đưa ra chủ trương sáp nhập một số trường tiểu học trên địa bàn các xã, giảm tổng số trường tiểu học trong toàn huyện từ 47 xuống còn 41 trường; Giải thể 10 trường THCS tại một số xã để sáp nhập vào trường ở xã khác, giảm tổng số trường THCS trong toàn huyện từ 36 xuống còn 26 trường.

Ngày 31/3, UBND huyện Yên Thành ký quyết định phê duyệt đề án- hai trường THCS Khánh Thành, THCS Kim Thành nằm trong diện bị giải thể đầu tiên. Lập tức cả trăm phụ huynh có con em đang theo học tại hai trường nói trên phản ứng quyết liệt. 

Nguyện vọng của dân là để con được học gần nhà

Hàng trăm phụ huynh học sinh xã Khánh Thành kéo đến trụ sở UBND huyện suốt cả buổi sáng 10/7 với đề nghị bãi bỏ quyết định giải tán trường THCS  trên địa bàn xã để con em họ được đi học gần nhà. Trước những câu trả lời của một lãnh đạo huyện như:

“Chúng tôi không có quyền quyết định vấn đề này. Bà con cứ đề xuất ý kiến để chúng tôi ghi lại rồi báo cáo lên lãnh đạo”, nhiều phụ huynh học sinh càng bức xúc.

Mặc dù trước đó, Phòng GD&ĐT, cán bộ các cấp, các ngành tại địa phương đã giải thích chủ trương của Sở GD&ĐT và nhiều lý do khác. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại bày tỏ nỗi lo rằng:

Khánh Thành là vùng chiêm trũng, giao thông đi lại khó khăn, nếu con em họ chuyển sang học ở các trường THCS ở các xã lân cận theo sắp xếp của Phòng GD&ĐT huyện như: Liên Thành, Bảo Thành, Nam Thành, Công Thành thì đường vừa xa lại còn phải qua sông, qua đập tràn, nếu mùa mưa đến sẽ không an toàn bởi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn sông nước.

Hàng trăm phụ huynh bày tỏ quan điểm: “Trường học xuống cấp mà Nhà nước không đầu tư xây mới thì dân chúng tôi sẵn sàng đóng góp để sửa chữa cho con em học tập chứ nhất định không để các cháu đi học xa”.

Anh Phan Quốc Sơn ở xóm Hồng Thành cho biết: “Để các cháu phải đi học 8 - 9 km mới đến trường là không phù hợp. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều gia đình nghèo không có tiền mua xe đạp cho con đi học nên phải cho nghỉ, vì nếu mua một chiếc xe đạp, cộng với tiền sách vở, học phí, tiền xây dựng đã mất hơn 3,5 triệu đồng mỗi cháu, lấy đâu để lo”.

Chị Nguyễn Thị Hải ở xóm Sao Vàng, xã Kim Thành nói: “Trong đề án có nói là: Sáp nhập, giải thể các trường, lớp học phải tính đến khả năng phát triển giao thông và đảm bảo học sinh đi học không quá sáu km. Vậy mà nếu thực hiện theo quyết định của UBND huyện Yên Thành như hiện nay thì rất nhiều học sinh xã Kim Thành phải đi học xa 8– 9 km?”.

Rất nhiều phụ huynh lên tiếng: “Nếu huyện vẫn cứ giữ nguyên quyết định như hiện nay, đúng ngày khai giảng chúng tôi vẫn đưa con em đến trường cũ, tự đánh trống khai giảng”.

Anh Trần Văn Sơn ở xóm 1 Kim Thành cho biết: “Trường THCS Kim Thành vừa xây mới năm 2004, cơ sở vật chất còn khang trang, vốn chủ yếu do nhân dân đóng góp. Thế nhưng vừa mới có chủ trương giải thể trường, UBND xã đã chuyển đến dỡ bỏ bàn ghế, sửa sang lại để làm việc là không nên. Nếu giải thể để nhập với trường THCS Đồng Thành hoặc Quang Thành thì nên có phân hiệu 2 tại địa bàn xã”.

Do sức ép từ Sở GD&ĐT?

Ông Phan Huy Hải - Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thành cho biết : “Mặc dù nhân dân không đồng tình với chủ trương trên, nhưng do sức ép của Sở GD&ĐT buộc chúng tôi phải tiến hành.

Theo kế hoạch, ngày 13/7, Chủ tịch UBND huyện và Trưởng phòng GD&ĐT sẽ về làm việc với nhân dân hai xã để đưa ra phương án cụ thể. Việc có giải thể và sáp nhập các trường này hay không phải xin ý kiến của Sở GD&ĐT”.

Ông Hải cho biết thêm: “Hầu như người dân cũng như cán bộ ở xã nào nằm trong chủ trương giải thể trường học để sáp nhập sang trường của xã khác cũng có phản ứng tương tự. Điều này một phần do hệ thống giao thông ở nhiều nơi chưa theo kịp với yêu cầu”.

Chủ trương nhập các trường THCS  để tiện cho việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục là chiến lược lâu dài của Bộ GD&ĐT. Song đối với những vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn nên lập thành những phân hiệu nhỏ. Các cấp lãnh đạo không nên quá cứng nhắc trong việc chỉ đạo thực hiện.

MỚI - NÓNG