Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5:

Hàng trăm thí sinh hoang mang vì bị đình chỉ thi

Hàng trăm thí sinh hoang mang vì bị đình chỉ thi
TP - Chiều 23/5, hàng trăm thí sinh đang ôn thi ở Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5 (TSQDTQK5) ra về rất hoang mang bởi lãnh đạo trường thông báo kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông (BT THPT) năm 2006 bị đình chỉ.
Hàng trăm thí sinh hoang mang vì bị đình chỉ thi ảnh 1
Học sinh bức xúc ra về chiều 23/5

Cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến ngày 2/6/2006.

Chị Trịnh Thị Khuyên giới thiệu mình là giáo viên mầm non trường Hoa Hồng ở Phú Thiện (Auynpa, Gia Lai) song chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Nghe giới thiệu dự thi ở Trường TSQDTQK5 kiến thức nhẹ, các năm đều đỗ 100% nên chị đăng ký thi.

Vừa lên ôn được 4 ngày, chị đã phải nộp tiền lệ phí thi, tài liệu học tập hết 1.230.000 đồng. Không ngờ khi ngày thi đến gần trường lại thông báo đình chỉ kỳ thi, hẹn đến 28/5 tập trung lại nếu xin được cấp trên sẽ tổ chức thi.

Chị Khuyên cho rằng đây là việc làm rất vô trách nhiệm của trường, yêu cầu cần phải làm rõ.

Đặng Thị Thủy - Công nhân hợp đồng của Cty Cao su Chư Prông (Gia Lai) đã ôn 5 ngày ở đây, tiền bạc nộp đủ. Thủy cho biết việc đình chỉ thi như vậy không rõ tiền bạc, lệ phí chị đã nộp đến bao giờ mới được lấy lại.

Còn Văn Minh Trung, nhà ở 27 Trần Quốc Toản (thị xã An Khê, Gia Lai) thì cho rằng nghe thông tin đình chỉ kỳ thi anh rất buồn. Trung đang học năm 2 trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, rất cần tấm bằng trung học phổ thông trong năm nay để sang năm lo tập trung thi tốt nghiệp, khỏi phải lo thi THPT.

Dân sự thành quân nhân

Trước đó, sáng  21/5 trong vai một thí sinh đi ôn thi, hòa vào số hơn 800 thí sinh đăng ký dự thi vào trường này, phóng viên báo Tiền phong vào khu vực ôn thi do trường tổ chức, bất ngờ gặp một người quen, nữ y tá Ksor Phi Ly công tác ở Krông Pa (Gia Lai).

Phi Ly được xếp vào lớp 12C. Chị cho biết ở Krông Pa còn có Kso H’ Yơm, Nây Pớt là giáo viên nhưng chưa có bằng THPT nên dự thi lớp này. Tất cả 3 người theo danh sách trích ngang treo ở lớp học đều ghi nơi công tác là  “Biên phòng Kon Tum”.

Nhiều học viên khác là giáo viên mầm non, học sinh trung cấp ở một trường Gia Lai, cán bộ công chức... song được xếp là công tác ở các đơn vị bộ đội Tây Nguyên.

Sáng 22/5, chúng tôi đăng ký làm việc với Hiệu trưởng nhà trường, Đại tá Lê Quang Minh. Đến nơi người tiếp lại là Trưởng ban Tuyên huấn - Thiếu tá Nguyễn Quang Phong và Trưởng ban Đào tạo- Trung tá Nguyễn Thành Công.

Trường TSQDTQK 5 được thành lập từ năm 1979, trước đây đào tạo quân sự, bổ túc văn hoá, thiếu sinh quân, nay chỉ còn đào tạo thiếu sinh quân cho các tỉnh Quân khu 5.

Năm nay số học sinh chính thức lớp 12 ở đây chỉ 2 lớp 31 em. Thế nhưng ông Nguyễn Thành Công cho biết hiện có 856 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp BT THPT gồm: Sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp 18 người, hạ sĩ quan 52 người, công nhân viên quốc phòng 755 người.

Một số học viên theo học ở đây nói việc ôn tập chỉ mới thực hiện từ giữa tháng 5/2006, song chương trình học mà ông Công đưa, thời gian học từ ngày 4/2/2006 đến 29/5/2006.

(Trong khi đó ông Công lại đưa cho chúng tôi xem tờ trình số 02 “V/v xin được tiếp nhận đối tượng dự thi tốt nghiệp BT THPT năm 2006 của Hiệu trưởng Trường, đề ngày 07/3/2006).

Được biết từ năm 2001, Trường TSQDTQK5 tổ chức thi tốt nghiệp BTTHPT cho các đối tượng không đào tạo chính thức tại trường, các thí sinh tự do bên ngoài mỗi năm khoảng 500 - 700 thí sinh, đều đậu 100%.

Đối tượng dự thi thường là quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng, học ở đâu cũng được, miễn hồ sơ đầy đủ là được thi. Đây là động lực cho nhiều đối tượng học giả, muốn có tấm bằng thật, làm giả thành công nhân viên quốc phòng.

Ông Nguyễn Sanh - Nguyên Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đức Cơ, mà báo Tiền phong đã có lần phản ánh cũng đã làm giả hồ sơ để dự thi tốt nghiệp BT THPT ở đây.

Chiều 23/5, sau khi tiếp nhận ý kiến bức xúc từ phía thí sinh không được dự thi, chúng tôi tiếp tục đăng ký làm việc với lãnh đạo Trường TSQDTQK5 song không được.

Hiện nay hàng trăm thí sinh hoang mang không rõ việc thi cử của mình ra sao. Đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục-Đào tạo sớm làm rõ sự việc, đồng thời cần rà soát toàn bộ danh sách thí sinh tự do đã dự thi tại Hội đồng thi trường TSQDTQK5 từ năm 2001 đến nay, xem trong đó có bao nhiêu đối tượng là cán bộ công nhân viên Nhà nước, con em nhân dân bên ngoài làm giả hồ sơ, học bạ để thi và có tấm bằng tốt nghiệp thật ở trường này.

Câu hỏi đặt ra là có hay không những đường dây làm giả hồ sơ biến những người dân thành công nhân quốc phòng?

MỚI - NÓNG