Hàng vạn học viên, giáo viên bị lừa

Hàng vạn học viên, giáo viên bị lừa
TP - Giấy phép hoạt động giảng dạy tiếng Anh của SITC đã hết hạn hôm 31/12/2005, đến 22/1/2006, học viên và giáo viên mới tá hỏa, trung tâm đóng cửa và lúc đó Sở GD-ĐT TPHCM mới sực nhớ... ra!
Hàng vạn học viên, giáo viên bị lừa ảnh 1

Các học viên ngơ ngác trước trung tâm SITC 24 Đại Cồ Việt , Hà Nội (Ảnh chụp lúc 17giờ ngày 6/2) . Ảnh: Hồng Vĩnh

Năm 2005, báo Tiền phong đã có loạt bài Trung tâm Anh ngữ SITC đào tạo “chui” 15 khóa Thạc sỹBát nháo những trung tâm Anh ngữ quốc tế, phản ánh những hoạt động mờ ám của Trung tâm Anh ngữ quốc tế SITC, rải đều tại các thành phố lớn từ Bắc đến Nam.

Đầu năm 2006, hàng loạt trung tâm SITC ở nhiều tỉnh, thành phố lớn đồng loạt biến mất khiến hàng chục ngàn học viên, hàng trăm giáo viên dở khóc dở cười vì bị lừa. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì trước sự kiện này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền phong, SITC (Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC) thực sự có mặt tại Việt Nam từ tháng 8/2003, thông qua giấy phép đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc ký.

Cty “mẹ” của SITC là Life Knowledge Consultancy Pte.LTd, trụ sở đặt tại 583, Orchard Road, Singapore. Với tư cách là cơ sở giáo dục - đào tạo có 100% vốn đầu tư nước ngoài (300.000 USD), thời hạn hoạt động 20 năm, chức năng của SITC là đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng quản trị kinh doanh và nghiệp vụ văn phòng.

Ban đầu, SITC có trụ sở chính tại 29 Lê Duẩn và một cơ sở giảng dạy tại  63 Sương Nguyệt Ánh (quận 1, TPHCM). Sau đó, SITC mở rộng địa bàn hoạt động ra Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Nha Trang.

Riêng ở TPHCM, SITC có 5 cơ sở giảng dạy với lượng học viên có khi lên đến 30.000 người. 

Để khuếch trương, thường sau mỗi khoá học SITC tổ chức lễ cấp chứng chỉ cho học viên vô cùng rình rang tại các khách sạn lớn. Sở GD-ĐT TPHCM đã từng đình chỉ một buổi lễ cấp chứng chỉ của SITC chỉ vì SITC in mẫu chứng chỉ quá “nổ”, không tuân theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

Không chỉ đào tạo ngoại ngữ, SITC còn qua mặt cơ quan chức năng, tự tiện liên kết với trường Đại học ACU (Mỹ) tổ chức đào tạo “chui” đến 15 khoá đào tạo Thạc sỹ, mà theo tìm hiểu của phóng viên Tiền phong, Trường ĐH ACU là trường “ma”, không có tên trong danh sách những trường ĐH ở Mỹ.

Tất cả mọi hoạt động của SITC tại Việt Nam đều do ông Michael –Yu, một thành viên  thuộc Ban lãnh đạo SITC “mẹ” (có trụ sở chính tại Singapore)  điều hành.

Hàng tháng, Michael-Yu có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của SITC Việt Nam về SITC “mẹ”. Những bản báo cáo này thể hiện SITC Việt Nam “đang ngày càng phát triển”.

Tuy nhiên, vào khoảng tháng 5/2005, Michael-Yu thông báo tình hình hoạt động của SITC Việt Nam gặp khó khăn vì danh tiếng của SITC bị ảnh hưởng bởi có nhiều bài báo (trong đó có báo Tiền phong) viết những điều không hay về trung tâm.

Ngay sau đó, SITC “mẹ” chuyển cho Michael -Yu gần 400.000 USD để “phục hồi” lại danh tiếng. Thế nhưng, ông Michael –Yu vẫn tiếp tục báo lỗ. Trước tình hình đó, lãnh đạo SITC “mẹ” đã sang Việt Nam để tìm hiểu tình hình.

Khi đó họ mới hay, SITC Việt Nam đang  có nguy cơ vỡ nợ vì chính bản thân người điều hành - ông Michael–Yu có những hoạt động mờ ám. Ông Michael–Yu chỉ đạo các trung tâm lập 2 hệ thống sổ sách tài chính khác nhau, trong đó có một hệ thống sổ sách “ma” để đối phó với SITC “mẹ”.

Tất cả tiền đầu tư từ SITC “mẹ”  gửi sang đều được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Michael–Yu để ông này sử dụng vì  mục đích riêng.

Đầu năm 2006, khi SITC “mẹ”  phát hiện việc làm mờ ám của ông Michael-Yu và báo cáo với Cảnh sát Singapore thì ở Việt Nam, ông Michael-Yu đã ôm tiền bỏ trốn khỏi Việt Nam. Hàng chục ngàn học viên bị lừa vì đã đóng học phí  trọn gói, hàng trăm giáo viên bị nợ lương.

Theo thông tin của phóng viên Tiền phong, mặc dù thời hiệu hoạt động của SITC tại Việt Nam theo giấy phép của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là 20 năm nhưng giấy phép “con” để mở các trung tâm Anh ngữ quốc tế tại TPHCM do ông Trương Song Đức - Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM ký chỉ có giá trị đến hết  ngày 31/12/2005.

Thế nhưng, mãi đến ngày 22/1/2006, khi báo chí nêu SITC “mất tích” khiến hàng chục ngàn học viên và hàng trăm giáo viên hoang mang thì Sở GD-ĐT mới sực nhớ ra, rằng SITC đã hết phép hoạt động gần 1 tháng.

Sau sự kiện này, Sở GD-ĐT TPHCM đã mời lãnh đạo SITC lên làm việc nhưng đến lúc này, lãnh đạo cao nhất của SITC ở Việt Nam đã “cao chạy xa bay”. 

Tin từ SITC “mẹ” ở Singapore cho hay, do SITC Việt Nam thua lỗ quá nặng nên SITC “mẹ” quyết định “khai tử” SITC Việt Nam. Trong khi đó, đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GD-ĐT và nhiều cơ quan chức năng có liên quan khác vẫn chưa có động thái nào tích cực nhằm giải quyết quyền lợi chính đáng của học viên và giáo viên.

Đà Nẵng: Học viên phẫn nộ

Chiều tối ngày thứ Hai (6/2), hàng trăm học viên của cơ sở Anh ngữ quốc tế SITC tại Đà Nẵng (số 7 Lê Đình Dương) sau kỳ nghỉ Tết khi đi học trở lại đã đối mặt với những cánh cửa sắt im ỉm khóa. Toàn bộ băng rôn, biển đồng, giấy thông báo đã bị lột sạch sẽ từ bao giờ. Chỉ có 2 vệ sĩ đứng trước cánh cổng sắt ngó ra, và đôi ba giáo viên xách cặp tới rồi lặng lẽ quay lui.

Học viên Đặng Phương Mai (trú tại số nhà 185 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) cùng cô bạn gần nhà Võ Minh Hường – cả hai đều còn là học sinh cấp 2 Trường PTCS Lê Lợi – đã học ở cơ sở Anh ngữ này được hơn 3 tháng, không giấu được sự hoảng hốt : “Các thầy cô dặn sau Tết quay lại học, vậy mà như thế này. Chúng cháu đã nộp đủ tiền cả năm rồi mà (3,5 triệu đồng/học viên – PV). Lớp của Mai và Hường có 24 học viên, đều đã nộp tiền.

Ngạc nhiên và phẫn nộ, đó là thái độ của mấy trăm học viên của SITC tại Đà Nẵng lúc này.  

MỚI - NÓNG