Hành trình tìm lại những người thầy Xô Viết

Hành trình tìm lại những người thầy Xô Viết
TP - Tối chủ nhật (17-1) tới, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình giao lưu trực tiếp thầy trò Xô - Việt.

Công cuộc tìm kiếm bắt đầu từ câu chuyện của những người từng học ở Liên bang Xô Viết trước đây. Để khơi nguồn ký ức, các nhóm làm nội dung chương trình tìm đến một số nhân vật nổi tiếng như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng phu nhân, các nghệ sĩ Thanh Bạch, Đức Hải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu…

Hơn 20 phóng sự truyền hình nhắc lại mối thâm tình giữa các thầy cô giáo trên đất nước Xô Viết  với các thế hệ lưu học sinh Việt Nam đã liên tục được phát sóng trong 6 tháng qua.

Như chạm đúng mạch của nguồn tình cảm dạt dào, thư từ, điện thoại… của khán giả đổ về chương trình tới tấp.

Chị Thu Hằng, phóng viên Ban Thời sự VTV kể: “Có một bác tên là Tường trong TPHCM liên tục gọi điện cho tôi, nhờ tìm một cô giáo trước đây dạy trong một trường quân sự. Cô giáo này được các lưu học sinh Việt Nam gọi là Lý và nói tiếng Việt rất giỏi. Cuộc tìm kiếm hiện đang tiếp tục song chưa có kết quả. Bác Tường và các bạn của mình vẫn không nản lòng. Một mặt họ tiếp tục tự tìm kiếm, một mặt hy vọng vào chương trình khiến chúng tôi rất áy náy”.

Rồi những mắt xích đầu tiên cũng được kết nối. Một nhóm giảng viên ở Học viện Kỹ thuật Quân sự tìm đến phóng viên Thu Hằng, cho số điện thoại và cả địa chỉ email của cô giáo cũ ở Saint Petersburg. Chị Thu Hằng ngạc nhiên vì bản thân chị cũng có cô giáo ở Nga, mỗi lần sang Nga chị đều gọi điện hoặc đến thăm cô giáo song liên lạc bằng email thì chị chưa bao giờ nghĩ tới.

Hóa ra cách làm của nhóm giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự rất đơn giản: ghi âm tiếng Nga bằng các chữ cái la tinh. Để minh họa cho cách thức đó, nhóm khán giả nhiệt tình ấy đã gửi cho chị Thu Hằng một lá thư mà họ đã từng gửi cho cô giáo mình. 

Cũng chính Thu Hằng là người thực hiện chuyến đi các nước thuộc Liên Xô cũ (chủ yếu là Nga và Ucraina) đầu tiên của êkip làm chương trình, hồi tháng 9-2009. Vài ba ngày trước khi đi, nhóm giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự lại tiếp tục đến tìm Thu Hằng. Nhóm công tác đã quay hình ảnh và lời chào của họ gửi đến cô giáo mình ở xứ sở bạch dương.

Trong chuyến đi này, nhóm làm nội dung chương trình có khoảng gần chục địa chỉ xác thực của các thầy cô giáo của các thế hệ lưu học sinh với các nhóm ngành nghề đào tạo khác nhau. 

Ấm nóng hoài niệm

Các đoàn phóng viên của VTV (cũng là lưu học sinh tại Nga) sang Nga và Ucraina tìm gặp lại thầy cô giáo cũ của những thế hệ lưu học sinh Việt Nam. Nhà báo Kim Ngân học ở Nga giai đoạn 1986 - 1992, nhà báo Thu Hằng là lưu học sinh những năm 1989 - 1996.

“Trong những ngày thực hiện nội dung chương trình ở Nga và Ucraina, hình ảnh quen thuộc với chúng tôi là một ông giáo ăn mặc rất lịch sự đứng bên đường, chờ chúng tôi. Khi chúng tôi lên đến căn hộ của họ thì thấy bà giáo cũng đã mặc chỉnh tề, ngồi đợi sau một bàn tiệc vô cùng thịnh soạn”, nhà báo Kim Ngân nhớ lại.

Không chỉ đãi khách bằng những bàn tiệc chất đầy món ăn ngon do mình tự chuẩn bị, những nhà giáo Xô Viết còn đón khách từ Việt Nam bằng nhiều câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương giữa con người với con người.

Họ khoe với các nhà báo những bức ảnh đen trắng chụp trẻ em đang lẫy, phía sau là những dòng địa chỉ của học trò cũ gửi sang từ Việt Nam cách đây nhiều chục năm. Qua những bức ảnh đó, người thầy Xô Viết  an lòng bởi họ biết những cô cậu học trò Việt Nam bé nhỏ, trẻ trung năm nao giờ đã lập gia đình, có con, thậm chí lên ông lên bà…

Trong hành trang  kỷ niệm của các thầy cô là ngồn ngộn những lá thư và cả những bài luận, tất cả đều phẳng phiu, tinh tươm như mới được lưu giữ từ ngày hôm qua dù nét chữ trong tất thảy kỷ vật đều nhuốm màu xưa cũ.

“Những người mà chúng tôi tìm đến phần nhiều đều trên dưới 80 tuổi. Có người đang gần đất xa trời. Nhưng tất thảy họ đều minh mẫn khi nhắc về những học trò người Việt.

Chỉ cần gợi nhắc một cái tên, mọi kỷ niệm trong họ ùa về sáng bừng. Chẳng hạn bà giáo của 100 thiếu nhi đầu tiên được Bác Hồ gửi sang Liên Xô đào tạo đến giờ vẫn nhớ tên của từng học trò, tính cách, hoàn cảnh, sở thích của từng người. Học trò của họ giờ đều gần 70 tuổi nhưng vẫn được họ gọi một cách trìu mến là cô bé, cậu bé hoặc các con của tôi”, nhà báo Thu Hằng cho biết.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.