Hậu tự chủ ĐH: Vì sao sinh viên phản ứng tăng học phí?

Hậu tự chủ ĐH: Vì sao sinh viên phản ứng tăng học phí?
TPO - Từ năm 2015, Chính phủ đã thí điểm giao quyền tự chủ hoàn toàn cho 14 trường đại học (ĐH) trên cả nước. Vốn quen được nhà nước hỗ trợ một phần học phí nên nhiều sinh viên không khỏi “sốc” khi học phí đột ngột tăng cao.

Sinh viên thêm khó khăn

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tự chủ ĐH cho một số trường, trong đó có ĐH Kinh tế quốc dân và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo đề án này, các trường được thu học phí theo hình thức thu bù chi đúng mức trần được Chính phủ quy định dành cho các trường tự chủ.

Tuy nhiên, khi “bị đối mặt” với mức học phí mới, nhiều sinh viên đã “sốc”. Một phụ huynh chia sẻ, mức học phí mà ĐH Kinh tế quốc dân  đưa ra cho năm học 2016-2017 cao so với các trường cùng đào tạo kinh tế. Cụ thể, mức thu tại ĐH Kinh tế Quốc dân là 530.000đ/tín chỉ trong khi các trường kinh tế khác chỉ 200.000đ – 300.000/tín chỉ.

Trên Fanpage NEU Confessions cũng có đăng tải tâm thư của một sinh viên khóa 57 trải lòng về những bức xúc trong vấn đề tăng học phí năm học 2016-2017 của trường ĐH Kinh tế Quốc Dân. Sinh viên này viết: “Năm thứ nhất của K57 bọn em phải trả 355k/1 tín chỉ, con số đó đã là không nhỏ. Bọn em vẫn chấp nhận để vào NEU vì tình yêu với ngôi trường này nhưng với tình hình hiện nay, theo quyết định mới của nhà trường thì học phí lại tiếp tục tăng và tăng quá cao so với các trường công lập khác, thậm chí có thể cao hơn cả trường dân lập. Có những ngành lên tận 450k-530k/1 tín chỉ”.

Mặt khác, sinh viên cũng thắc mắc học phí tăng lên nhưng điều kiện đảm bảo học tập của sinh chưa tăng như mong muốn. “Học phí có tăng nhưng giảng đường vẫn chưa có điều hòa” – một sinh viên Học viện Nông nghiệp chia sẻ. Còn sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân cho biết thêm vẫn phải đi học thuê và nhiều giảng đường tại trường cũng đang xuống cấp.

Tăng theo đúng lộ trình!

Trước phản ứng của sinh viên, ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân đã trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này. Theo ông Chương, trường đã xây dựng lộ trình tăng học phí theo đúng quy định. Cụ thể là theo Đề án Tự chủ của trường được Chính phủ phê duyệt và Nghị định 86 của Chính phủ về học phí đối với các trường ĐH tự chủ.  Trên cơ sở pháp lý đó, trường xây dựng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ. 

“Mức học phí của ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra trong năm nay cũng như năm trước đây chúng tôi đều tính đến khả năng chấp nhận của thị trường, người học, điều kiện kinh tế xã hội. Cụ thể, chúng tôi chia theo nhóm ngành. Những ngành ít người học nhưng xã hội vẫn cần, mức học phí thấp hơn nhiều. Những ngành hot, cơ hội việc làm cao, thu nhập cao thì mức học phí cao hơn.  Mức học phí của ngành thấp chỉ 12 triệu/năm, còn ngành hot nhất là 17.5 triệu/năm. Tính trung bình, mức học phí đại trà của trường là 13.5 triệu/năm, còn theo Nghị định 86 thì mức học phí phải là 17.5 triệu/năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đi kèm dành cho sinh viên cũng tăng lên ” – ông Chương cho biết. 

Ông Chương thừa nhận, mức học phí đã được trường thông báo từ tháng 3/2016. Nhưng do vào thời điểm sinh viên đang thi, công tác truyền thông chưa đủ tốt để sinh viên hiểu. Ông Chương cũng khẳng định, sinh viên K57 (những sinh viên vào nhập học năm 2015-2016) có phần thiệt thòi hơn. Vì nhập học đúng giai đoạn “bước đệm”, trường chuyển từ tự chủ một phần lên tự chủ toàn phần theo đề án. Do đó, mức tăng học phí năm nay, năm tới có thể tăng  lên 30%. Không những thế, khu nhà trung tâm của trường vẫn đang hoàn thiện, dự kiến năm học 2017-2018 đưa vào hoạt động nên còn khoảng 20% phòng chưa có điều hòa. Trường cũng vẫn phải đi thuê 30 phòng học. Để sinh viên K57 và K58 (sắp tới) đỡ thiệt hơn các sinh viên khóa sau, dự kiến, đầu tháng 8 tới, trường sẽ có buổi đối thoại với sinh viên để thống nhất chỗ học cho sinh viên.

Còn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Ngọc Huyên, Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên cho biết trường tăng theo đúng lộ trình. Nhưng do đặc thù sinh viên của trường chủ yếu là các tỉnh lẻ nên học phí của Học viện vẫn thấp hơn quy định của Nghị định 86.  Theo Nghị định 86 thì mức học phí đối với ngành khoa học xã hội là 1.750.000 đồng/1 tháng. Áp dụng công thức tính học phí theo tín chỉ thì học phí của ngành  khoa học xã hội từ khóa 58-60 là 583.333đ/tín chỉ. Tuy nhiên, do nhiều sinh viên xuất thân từ nông thôn nên học phí của ngành khoa học xã hội đối với năm học 2016-2017 là 248.000đ/tín chỉ.

Về cơ sở vật chất, ông Huyên cũng cho hay thời gian vừa qua, trường đầu tư xây mới nhiều khu giảng đường. “Nhưng khó có thể vừa tăng học phí đã có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của người học. Nên trường vẫn còn một số giảng đường chưa được lắp điều hòa” – ông Huyên cho hay.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hồng Chương, phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân  và ông Vũ Ngọc Huyên, trưởng phòng công tác chính trị và sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều cho biết hiện trên mạng xã hội, có một số đối tượng đang lợi dụng việc này để kêu gọi tẩy chay trường. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mời công an vào cuộc để điều tra. 

14 trường: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tài chính-Marketing, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, ĐH Mở TP HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Thương mại.

MỚI - NÓNG