Hãy để trẻ thoải mái!

Hãy để trẻ thoải mái!
TP - Lại một năm học mới bắt đầu với những đợt chạy đua vào trường chuyên lớp chọn, những cuộc thi tuyển vào lớp 1 và những lịch học dày đặc toán - văn - ngoại ngữ và các môn năng khiếu. Cơn sốt vẫn chưa dừng.
Hãy để trẻ thoải mái! ảnh 1
Học quá nhiều có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn  Ảnh: A.N

Nhân dịp khai giảng, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Care Honore một nhà báo quốc tế, tác giả cuốn sách “Bí quyết cứu vớt tuổi thơ khỏi trào lưu nuôi con theo công nghệ nuôi gà chọi”.

Ông đã thẳng thắn nói: Bạn muốn nuôi dưỡng con cái thành kẻ vô tích sự? Không có gì đơn giản hơn: hãy nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, hãy cố nuôi nó thành thiên tài. Thành công đã được đổ bê tông - tuổi thơ như thế là một cực hình!

…Tất cả bắt đầu trong buổi họp phụ huynh. Tất cả mọi người đều khen ngợi con tôi. Một trong số bài tập của con tôi, bức phác họa nghệ sĩ ảo thuật được đưa lên trên tường làm mẫu cho những học sinh khác.

Ngay buổi tối cùng ngày tôi đã lục tìm trên Internet các trung tâm dạy vẽ và thầy giáo có thể giúp năng khiếu của con trai tôi phát triển. Trong suy nghĩ tôi đã nhìn thấy mình nuôi dưỡng danh họa Picasso phiên bản mới thế nào - cho tới buổi sáng tiếp theo - Bố ơi, con không thích thầy dạy vẽ, con chỉ thích vẽ - con trai tôi hồn nhiên tuyên bố trong bữa ăn sáng.

Yoga dành cho trẻ sơ sinh

Trầm cảm và chứng hoảng loạn ở trẻ em - cùng sự lạm dụng các hợp chất độc hại, sự tự làm thương tật và tự tử vốn thường đi liền với nó - bây giờ xảy ra nhiều nhất không phải ở trong những khu nhà ổ chuột, mà tại những căn hộ sang trọng ở trung tâm thành phố và các khu biệt thự tại vùng ngoại ô tràn ngập cây xanh.

Nó làm tôi đau đớn không khác gì đòn hiểm đánh vào mông. Con trai tôi đam mê hội họa. Nó chúi đầu hàng giờ trên tờ giấy nghĩ ra những dạng sống xa lạ, thiết kế những chuyện tranh phức tạp hay phác họa hình ảnh danh thủ Ronaldo đang thực hiện cú sút phạt gián tiếp. Nó vẽ khá giống và điều đó làm nó hạnh phúc.

Tôi những muốn hiện thực hóa cảm giác hạnh phúc đó, mài sắc và mông má năng khiếu của con, biến niềm vui của con thành kỳ tích hội họa.

Đến một ngày tôi ý thức được rằng, với vai trò một người bố, mình đã đánh mất trạng thái cân bằng. Điều đó đã gợi ý tôi viết cuốn sách “Bí quyết cứu vớt tuổi thơ khỏi trào lưu nuôi con theo công nghệ nuôi gà chọi”. Tôi đã tìm kiếm trong đó trả lời cho câu hỏi, thế nào là trẻ em và bố mẹ trong thế kỷ XXI.

Ngay từ hai ngàn năm trước, thầy giáo Lucius Orbilius Pupillus (thời Hy Lạp cổ đại) đã coi những bậc cha mẹ gò con học nhiều như rào cản quá trình truyền thụ kiến thức của giáo viên. Khi Mozart thần đồng phát lộ trong thế kỷ XVIII, nhiều gia đình châu Âu đã giam con mình trong phòng kín với kỳ vọng sẽ tạo ra thần đồng mới.

Đến nay kiểu hành động như thế đã bành trướng ra trên toàn thế giới. Những đĩa DVD “Einstein tý hon” hay yoga dành cho trẻ sơ sinh, những thiết bị định vị vệ tinh GPS gắn vào cặp học sinh thời gian biểu học thêm đầy ắp các giờ học toán, tiếng Anh, vũ ba lê, đàn piano, tennis, bóng đá. Nếu  như con cái chúng ta không tỏa sáng – chúng ta cảm thấy mình đã thất bại.

Tuy nhiên cha mẹ chỉ là một bộ phận của cơ chế này. Tất cả, từ chính quyền đến ngành quảng cáo đều nỗ lực uốn nắn tuổi thơ vào khuôn mẫu những lợi ích của chính mình. Thí dụ một nhóm nghị sĩ Vương quốc Anh cách đây không lâu đã cảnh báo rằng, có quá nhiều trẻ em mơ ước lớn lên trở thành thầy bói, công nương hay ngôi sao bóng đá. Họ đã đưa ra giải pháp: tư vấn nghề nghiệp dành cho trẻ từ 5 tuổi!

Thế nhưng sự kèm cặp quá chu đáo đã mang lại hậu quả trái với mong muốn. Hãy bắt đầu từ sức khỏe. Trẻ bị giam trong bốn bức tường và đưa đón bằng xe hơi to béo hơn bất kỳ thời gian nào trước đây. Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu Phát phì ước tính, đến năm 2010 tối thiểu 38% đối tượng dưới 18 tuổi tại châu Âu và 50% tại Bắc và Nam Mỹ sẽ bị béo phì.

Ngay bây giờ, những kilôgam dư thừa trọng lượng đã đẩy trẻ mắc những bệnh nan giải như bệnh tim, tiểu đường týp 2, loạn nhịp tim và những bệnh vốn cách đây không lâu còn là “sản phẩm” của riêng người lớn. Cả những trẻ yêu thể thao cũng khổ sở vì nạn tập luyện quá nhiều. 

Cố vấn các trường đại học thông báo về số lượng kỷ lục sinh viên rơi vào tình trạng suy sụp thần kinh.

Sự cưng chiều đã đẻ ra “Cái rốn của vũ trụ” không thể động chạm thậm chí sau khi đã tốt nghiệp đại học. Cha mẹ xuất hiện thậm chí tại những cuộc phỏng vấn tuyển dụng, để có thể giúp con đàm phán về các chế độ lương bổng và các chế độ xã hội khác.

Nhiều trẻ ngày nay quá bận vì theo đuổi các giờ học đàn hoặc học thêm môn toán, để nhét sự vô hạn và lòng bàn tay nhỏ.

Trẻ cần có thời gian và không gian, để phát hiện thế giới theo những điều kiện của riêng chúng: bằng cách ấy chúng học suy nghĩ, sáng tạo và thực hành sinh hoạt tập thể; cảm thụ từ những gì thú vị, hiểu bản thân là ai, thay vì bản thân muốn trở thành ai hoặc đã là ai.

Một khi cha mẹ kiểm soát tuổi thơ một cách vụn vặt, trẻ sẽ bỏ qua những việc vốn mang lại nội dung, ý nghĩa và niềm vui cho cuộc sống con người – những cuộc phiêu lưu nhỏ, những chuyến đi bí ẩn, hương vị bất hạnh và thất bại, những giây phút cô đơn hay buồn chán…

Trong khi thực tế trẻ không có tự do thể hiện chính mình – Tôi giống như bản thiết kế mà cha mẹ chưa bao giờ có ý định hoàn thành công việc – cô bé 12 tuổi Jessie Cartwright ở New York bộc bạch – Thậm chí cả khi tôi đứng bên cạnh, họ cũng thường nói chuyện về tôi như nói về con người xa lạ.

Sự thư giãn cần thiết

Cũng may, cho dù còn ít, song ở một số nơi đã xuất hiện những biến đổi bước đầu tích cực. Người ta đã tìm cách dành cho trẻ nhiều tự do hơn, bằng cách này tạo điều kiện giúp chúng phát hiện thế giới theo nhịp độ của chúng. Nhà trường hạn chế nỗi ám ảnh vì thi cử và cắt giảm gánh nặng bài vở. Kết quả cho thấy: khi có nhiều thời gian hơn để thư giãn và suy ngẫm, trẻ sẽ có kết quả học tập khá hơn.

Cách đây không lâu Ban Giám hiệu Cargilfield, trường tư thục ở Xcốtlen đã cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 6. Trong vòng một năm học, kết quả điểm thi môn toán và các môn học tự nhiên cao hơn thời gian trước gần 20%.

Học sinh của trường này cũng có nhiều thời gian hơn cho thư giãn và giải trí – Vấn đề là tạo điều kiện để trẻ giải trí thoải mái, để tránh biến một ngày bình thường của chúng thành cuộc tra tấn nặng nề - ngài John Elder, Hiệu trưởng trường Cargilfield giải thích – Tạo hóa cho chúng ta hiện diện trên thế giới này, để hưởng thụ cuộc sống và không bao giờ có cơ hội trở lại tuổi ấu thơ.

Thậm chí Đại học Harvard danh tiếng cũng khuyến khích sinh viên mới điều chỉnh lại chương trình học tập quá tải của mình, trước khi đăng ký học thêm những chuyên ngành mới. Trang web của trường công bố bức thư ngỏ của GS Harry Lewis, cựu Phó Hiệu trưởng cảnh báo sinh viên: “Hãy giảm tốc độ. Có thể mang ra từ Harvard nhiều hơn bằng cách học gạo ít hơn”.

Để tuổi trẻ thực sự hứng thú hoạt động thể thao, một số trường học đã yêu cầu các bậc cha mẹ chấm dứt việc cổ vũ con em mình tại các cuộc thi đấu và nhấn mạnh với họ rằng, quan trọng không phải là chiến thắng bằng mọi giá, mà nỗ lực học được cái gì đó và hưởng thụ niềm vui từ thể thao.

Tại Toronto (Canada) huấn luyện viên một đội khúc côn cầu học sinh lứa tuổi dưới 10 đã từ  bỏ phương thức theo dõi thành tích cá nhân và triển khai phương thức đảm bảo tất cả cầu thủ nhí đều có thời gian ra sân như nhau, bất kể trình độ năng lực cụ thể. Kết quả: đám trẻ say đắm môn thể thao này, chúng tự hoàn thiện năng lực và đã giành chiến thắng gần 20 giải trong vòng ba năm học.

Vicente Ramos, luật sư ở Barcelona đã quan sát đứa con trai Miguel 11 tuổi của mình chơi bóng thế nào. Ở trên sân, ông hét: Sút đi! Chặn nó lại! Chạy về! Sau đó, khi hai bố con đã trở về nhà, ông đã chấm điểm cho con theo thang điểm từ 1 đến 10, sau khi đã phân tích chi tiết trận đấu. Đến một ngày cậu con trai tuyên bố, nó muốn bỏ đá bóng- Tôi đã bị choáng - Ramos kể lại - đã có nhiều trận bố con cãi vã, cho đến lúc cuối cùng con chán ngấy sự chăm sóc của tôi.

Ramos đã quyết định thả lỏng. Bây giờ thỉnh thoảng ông lấy xe đưa con đến sân bóng, sau đó một mình đi đến quán cà phê. Khi quan sát con trai trên sân bãi, Ramos hạn chế tối đa bình luận. Điều làm ông ngạc nhiên nhất: chính điều đó đã khiến bản thân ông cảm thấy phấn khởi còn Miguel lại tìm thấy tình yêu với bóng đá.

Tự do và lời nói “không”

Cần phải xét lại cả thói quen bảo vệ con thái quá. Trẻ ba tuổi tại một trường mẫu giáo ở Xcốtlen có nhiều thời gian ở trong rừng, ngay cả khi trời mưa và mùa đông băng giá bằng sinh hoạt đốt lửa trại và nhận biết nấm ăn được, nấm độc. Nhiều trẻ trở về trường với chân tay trầy xước, song hạnh phúc hơn, tự tin hơn và ít bị lây bệnh và không bị dị ứng.

Để bắt đầu những thay đổi trong chính nhà mình, chỉ cần tổ chức một ngày, để trẻ tự chơi đùa một mình trong thời gian một hay hai giờ, không cần công nghệ mới và sự hiện diện của người lớn. Tuy nhiên để điều đó có thể trở thành hiện thực, trước hết cha mẹ phải học cách thư giãn. Tuổi thơ không phải cuộc chạy đua chỉ những trẻ “siêu nhân” giành phần thắng.

Tuy nhiên cần phải bảo vệ con cái chúng ta trước chủ nghĩa tiêu thụ. Phụ huynh nhiều quốc gia thế giới đã tổ chức chiến dịch cấm các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm tại trường học. Cũng cần ghi nhận trào lưu phản đối việc tổ chức linh đình tiệc sinh nhật cho con. Không ít bối cảnh trẻ cần có kỷ luật và thái độ kiên quyết. Nhờ những giới hạn trẻ cảm thấy an toàn hơn và được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống được xây dựng trên những nguyên tắc sắt đá và những nhượng bộ nhất định.

Nói tóm lại, trong lĩnh vực nuôi dạy con cái chúng ta buộc phải học kỹ năng, khi nào làm giúp chúng ít hơn, khi nào nhiều hơn; khi nào coi việc nào đó có thể bỏ qua, khi nào dứt khoát “trước sau không đổi”.

Người ta ước tính, ngày nay, phần lớn trẻ em vô tình buộc phải xem khoảng 40 ngàn quảng cáo/năm. Trong khi một nửa số trẻ em Vương quốc Anh thuộc nhóm từ 8 đến 12 tuổi không bao giờ có cơ hội trèo cây, bởi bố mẹ chúng coi đó là trò chơi nguy hiểm.

Để học trò ngồi yên trong giờ học tại Mỹ và một số quốc gia Tây Âu người ta đã cho chúng uống lượng biệt dược an thần nguy hiểm như Ritalin lớn hơn bất cứ thời gian nào trong lịch sử.

Khuê Minh (dịch)
Theo El Pais số 23/09

MỚI - NÓNG