Hiểm họa rình rập cổng trường

Hàng quán bủa vây trường học.
Hàng quán bủa vây trường học.
TP - Lợi dụng sở thích ăn quà vặt và sự thiếu hiểu biết của trẻ con, tại các cổng trường từ nông thôn đến thành thị của Quảng Bình, hàng quán với các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ mọc lên như nấm. Đã có học sinh nguy kịch phải nhập viện, hay tử vong sau khi ăn quà vặt trước cổng trường.

Màu sắc sặc sỡ và rẻ

Dạo một vòng địa bàn TP Đồng Hới, trước cổng chính, cổng phụ của các trường học đều ken đặc hàng quán biển hiệu bắt mắt, các kệ hàng trườn ra cả lề đường với vô số sản phẩm kẹo bánh, nước uống màu sắc sặc sỡ. Trong vai một phụ huynh chờ đón con trước cổng trường tiểu học Đồng Phú, hỏi chuyện một nữ chủ cửa hàng tạp hóa, bà cho biết: Hàng hóa trong cửa hàng của bà phải có gần 100 loại sản phẩm, từ bánh kẹo đến nước uống. Có thứ thì bà nhập từ đại lí, có thứ xe ô tô mang đến tận quán giao cho cửa hàng.

Hỏi một lốc nước ngọt, có màu hồng, trong chai nhựa 300ml, bà chủ quán nhanh nhẩu: “Nước ngọt của Thái Lan đó chú, hai nghìn một chai”. Thắc mắc vì nhìn mãi chẳng thấy tem nhập khẩu, ngày sản xuất, hay hạn sử dụng, bà chủ quan liến thoắng tiếp thị: “Chú yên tâm đi, hàng Thái Lan thiệt đó. Hạn sử dụng thì chú khỏi lo, cứ hai ngày tui nhập một lần, có hàng ế đâu mà sợ hết hạn sử dụng”.

Quay sang kệ bánh kẹo, với hàng chục loại xanh, đỏ, tím, vàng… nhưng chẳng thấy một thương hiệu nổi tiếng nào của Việt Nam. Và điều đặc biệt, thứ nào cũng rẻ, giá chỉ bằng 1/3 so với thị trường chung. Ở các quán hàng này, 500 đồng có thể mua được vài cái kẹo hay bánh để ăn.“Tiền mô nơi bọn con nít, nên phải bán rẻ rứa đó, lời lãi được mấy mô chú” – bà chủ quán phân trần.

Chủ quán kế bên là một cụ già chừng 70 tuổi, có vẻ thật thà hơn khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa: “Mệ nhập ở mô không có biết mô chú. Bán hàng cho trẻ con phải theo thị hiếu, màu sắc bắt mắt, ngọt lịm thì chúng mới mua”.

Một phụ huynh chờ đón con than phiền: “Biết hàng hóa ở đây toàn phẩm màu độc hại, cấm con ăn nhưng có được đâu chú. Thấy bạn ăn, con mình khóc đòi ăn. Chiều con nên đôi lúc cũng đành tặc lưỡi”.

Một giáo viên ở trường tiểu học Đồng Phú cho biết: Nhiều phụ huynh học sinh không ý thức được sự nguy hiểm của việc ăn quà vặt. Cứ cho con tiền, còn việc các con mua cái gì để ăn thì họ không hề kiểm soát. Thậm chí, không ít phụ huynh có con học lớp 1, thấy con khóc mỗi khi vào lớp, lại kéo ra quán, con chỉ cái gì mua cái ấy.

Tương tự, một số quán bán đồ ăn vặt trên đường Dương Văn An cạnh trường tiểu học, trường THCS Đồng Mỹ, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan, học sinh vào ra rất tấp nập. Trong một quán nhỏ, nước ngọt pha từ can cáu bẩn được gọi là nước chanh. Những học sinh như cháu Bảo N. hồn nhiên nói: “Cháu thích uống nước màu đỏ, bạn cháu thích nước màu xanh. Dì bán nước rót xong lấy bột màu trong từng lọ đổ vào, đứa mô cũng uống cả, ngọt và thơm lắm”.

Trong lúc đó, nhiều phụ huynh học sinh ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch… phản ánh: Trước các trường học ở đây cũng bán nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, có một loại kẹo mút chất liệu là polimer với đường. Nhiều học sinh mút loại kẹo này một hồi, phát hiện kẹo được làm bằng bao ni lon cuộn tròn. Một số phụ huynh mang về  ngâm vào nước, sau một hồi, từ viên kẹo tròn rã ra những tấm ni lon dạng túi đựng hàng của các bà đi chợ.

“Thần chết” đã gõ cửa

Mới đây, cháu Hồ Thị Kiều Anh (11 tuổi), ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch phải nhập viện cấp cứu vì toàn thân mẩn đỏ, phồng rộp nghiêm trọng như bị bỏng, kèm loét miệng, khó thở sau khi uống một chai nước Rồng Đỏ không rõ nguồn gốc.

Một trường hợp khác, cách đây chục ngày, cháu Đ. Th. Tr. M. học lớp 7, trường THCS số 1 Đồng Sơn đã bị ngộ độc sau khi uống 2 lon nước Rồng Đỏ bán dọc vỉa hè và ăn vặt tại một quán thức ăn nhanh trên đường Hai Bà Trưng tại phường Đồng Phú, TP Đồng Hới. Các triệu chứng của cháu M. cũng giống cháu Anh, gia đình đã đưa cháu M. nhập viện đa khoa Đồng Hới.

Tại đây cháu được can thiệp tích cực nhưng bệnh tình quá nặng nên được chuyển viện Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Bác sĩ bệnh viện này cũng áp dụng các phương pháp trị liệu như một vụ ngộ độc thông thường, tuy nhiên gia đình thấy cháu ngày càng yếu đi nên đã xin chuyển vào bệnh viện TW Huế. Lúc xe chuyển đến gần cổng bệnh viện TW Huế thì cháu M tử vong.

Các bác sỹ ở bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cho biết, cháu M. bị suy đa phủ tạng, mà xuất phát điểm từ đường ruột, nhưng vẫn chưa thể xác định cháu bị ngộ độc thực phẩm hay do nguyên nhân khác.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình cho biết, trường hợp cháu M. tử vong, đơn vị đã lên tìm hiểu tại bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Phía cơ quan có sản phẩm nước Rồng Đỏ cũng đã đến Quảng Bình xuất trình các giấy tờ hợp pháp về việc lưu hành sản phẩm nước ngọt này.

MỚI - NÓNG