Hiện đại hóa các trường ĐH, CĐ: Làm kém

Hiện đại hóa các trường ĐH, CĐ: Làm kém
TP - Theo Bộ GD&ĐT, khả năng quyết toán kém, đầu tư thiếu quy hoạch là hai trong những nhược điểm cản trở tiến trình hiện đại hoá, chuẩn hoá các cơ sở đào tạo.  
Hiện đại hóa các trường ĐH, CĐ: Làm kém ảnh 1
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đang nợ quyết toán 700 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Nhiều năm qua, các đơn vị đào tạo thuộc Bộ GD&ĐT được nhà nước dành nhiều ưu đãi trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, trình độ quản lý của các chủ đầu tư còn hạn chế là một trong những lý do hiệu quả đầu tư không cao.

Trong một hội nghị về công tác xây dựng cơ bản các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá: “Bộ máy và nhân sự làm dự án của một số trường còn yếu. Vì thế, khi triển khai dự án gặp nhiều lúng túng, vướng mắc, không triển khai được.

Nếu triển khai xây dựng được thì không quyết toán được. Thậm chí, có những công trình hoàn thành từ rất lâu, sắp phải sửa chữa mà vẫn chưa quyết toán được”.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến hết năm 2008 khối các đơn vị trực thuộc Bộ có 501 hạng mục (với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 2.500 tỷ đồng) ở tất cả các nguồn vốn đã hoàn thành. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ để quyết toán.

Trong số đó, có những dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2001 – 2004 như ĐH Sư phạm Nghệ thuật, ĐH Sư phạm Hà  Nội 2; ĐH Vinh. Thậm chí, nhiều công trình hoàn thành từ trước đó (từ 1995  đến 2000) mà vẫn chưa quyết toán được (CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM, ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, Học viện Quản lý Giáo dục, Trường Hữu Nghị 80...).

Không quy hoạch, càng đầu tư lớn càng dở

Xây dựng thiếu quy hoạch được lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem là một trong những khâu yếu nhất hiện nay của nhiều trường ĐH, CĐ.

Nhiều trường nằm ở nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có diện tích khuôn viên nhỏ nhưng hàng năm vẫn được đầu tư (bằng các nguồn vốn tự có, vốn đầu tư phát triển, vốn mục tiêu chương trình quốc gia) xây dựng.

ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh là dẫn chứng tiêu biểu. Bà Phan Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), góp ý: “Lẽ ra, sau khi đầu tư xây dựng một dự án khá lớn (tổng giá trị đầu tư khoảng 30 – 40 tỷ đồng), trường nên giải toả xung quanh, để có không gian thông thoáng. Nhưng ngược lại, bằng vốn tự có, trường tiếp tục xây dựng xung quanh càng tạo nên sự chật chội, bức bối trong cảnh quan đơn vị mình”.

Theo bà Tâm, để xảy ra tình trạng này không chỉ là việc của trường mà bộ chủ quản phải có trách nhiệm.

Lý giải thực tế này, ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Thiết bị Dạy học Đồ chơi Trẻ em (Bộ GD&ĐT), nói: “Lãnh đạo các trường chưa quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch đầu tư, chưa gắn kết mục tiêu đầu tư với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện môi trường sư phạm, thực hiện hiện đại hoá và chuẩn hoá hệ thống cơ sở đào tạo.

Điều này không chỉ khiến công trình được đầu tư khi đưa vào sử dụng đạt hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững mà còn gây khó khăn cho chính chủ đầu tư trong việc được đầu tư mới”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, sự chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng chờ cơ hội được đầu tư (làm quy hoạch, lập dự án...) là điểm yếu của cả hệ thống GD&ĐT. Nếu không có quy hoạch, càng đầu tư lớn càng dở.

Vấn đề Bộ GD&ĐT cùng nhiều trường phải đối mặt trong năm 2009 là quy hoạch lại các trường ĐH ở Hà Nội và TPHCM. Theo đó, nhiều trường ĐH, CĐ phải di dời khỏi nội thành các thành phố này (ra ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận). Trường nào đi, trường nào ở, trường nào vừa đi vừa ở là bài toán đang được các bộ và các địa phương liên quan phải giải quyết.

Ông Luận cũng khuyến cáo, nguồn vốn cho năm 2008 rất khó khăn, năm 2009 càng khó khăn hơn. Một số dự án được Chính phủ phê duyệt nhưng năm 2008 không thể triển khai được. Vì vậy, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển năm nay sẽ được ưu tiên cho những dự án lớn đã được phê duyệt, các dự án còn lại sẽ phải xếp hàng. Bộ cũng sẽ rút kinh nghiệm để việc phân bổ ngân sách xây dựng cơ bản năm nay cho các cơ sở theo hướng căn cứ vào quy hoạch. 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".