Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội bị “tố” đạo luận án phó tiến sỹ

Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ
Bìa hai cuốn luận án Phó tiến sỹ
Ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên bộ môn Hàn (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã gửi đơn “tố” phó Hiệu trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạo luận án phó tiến sỹ lên Bộ GD-ĐT. Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đang tiến hành xác minh vụ việc.

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, luận án phó tiến sĩ khoa học Toán - Lý của PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (bảo vệ năm 1996) gần như đã chép lại 100% nội dung trong luận án Phó tiến sĩ Khoa học của PGS.TS Đặng Văn Khải, được bảo vệ trước đó 10 năm (1986).

Một chuyên gia trong lĩnh vực toán học sau khi đọc kỹ hai cuốn luận án này cho biết "phần hồn" trong luận án của PGS Nguyễn Cảnh Lương có cải tiến được 2 bài so với luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải. Còn lại, trong Chương II và Chương III của Luận án PGS Nguyễn Cảnh Lương chủ yếu “bôi” và phát triển thêm ý của PGS Đặng Văn Khải.

Theo tìm hiểu thì PGS Đặng Văn Khải chính là một trong hai người hướng dẫn luận án Phó tiến sỹ cho ông Nguyễn Cảnh Lương. Điều đáng nói, mặc dù luận án Phó tiến sỹ của ông Lương đã sao chép nhiều đoạn trong luận án của PGS Khải nhưng lại không ghi nguồn trích dẫn. Ở phần đầu của luận án, ông Lương có ghi: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”.

Được biết, cách đây hơn 20 năm từ khi PGS Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ công trình khoa học của mình (1996), ngay từ thời đó trong vòng bảo vệ thử, Hội đồng khoa học đã nhắc nhở PGS Lương phải nói rõ hơn về việc sử dụng tư liệu tham khảo của người khác. Ngày 22/11/1996, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 5398 về việc thành lập Hội đồng chấm luận án Phó tiến sĩ đối với nghiên cứu sinh Nguyễn Cảnh Lương. Chủ tịch Hội đồng lúc đó là GS Nguyễn Đình Trí, kết quả luận án Phó tiến sỹ của ông Nguyễn Cảnh Lương được đánh giá là xuất sắc.

Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội bị “tố” đạo luận án phó tiến sỹ ảnh 1

Luận án Phó tiến sỹ năm 1986 của PGS Đặng Văn Khải

Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội bị “tố” đạo luận án phó tiến sỹ ảnh 2


Luận án Phó tiến sỹ năm 1996 của PGS Nguyễn Cảnh Lương cho thấy có sự giống nhau với luận án của PGS Đặng Văn Khải

Trao đổi với báo chí ngay sau khi vụ việc được phơi bày, GS Nguyễn Đình Trí khẳng định: “Tất cả những chuyện đã xảy ra như thế này lỗi là lỗi ở anh Lương, lẽ ra anh Lương phải nói rõ trong Lời nói đầu là PGS. Đặng Văn Khải đã làm tới đâu, mình mở rộng được những cái gì, thu được kết quả gì, chỗ nào dùng phương pháp của PGS. Khải để mở rộng. Điều này anh Lương phải nói, anh Lương không nói nên người ta xem hai Luận án nhìn rõ ràng là đi chép của nhau”.

Ngày 31/12/2013, làm việc với báo Dân trí, ông Đinh Văn Hải - Trưởng phòng Công tác Chính trị Học sinh - sinh viên (người phát ngôn chính thức từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) về nội dung tố cáo PGS Nguyễn Cảnh Lương cho biết: Đây là đơn tố cáo cá nhân đối với cá nhân, cấp thấp nhất nhận được đơn tố cáo lại là Bộ GD-ĐT chứ không phải nhà trường. Do vậy, trường chỉ thực hiện công việc phối hợp với Bộ để xác minh một số thông tin theo yêu cầu từ Bộ.

Cũng theo ông Hải, thời điểm năm 1996, Bộ GD-ĐT vẫn chưa phân cấp cho các trường tự chủ trong việc đánh giá các đề tài của nghiên cứu sinh. Nói cách khác vụ việc này sẽ do đích thân Bộ GD-ĐT đứng ra xử lý. Với vai trò là đơn vị quản lý hiện tại thì nhà trường chỉ phối hợp với Bộ để làm rõ vấn đề. Kết luận đúng hay sai sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong thời gian tới.

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đã có buổi làm việc trực tiếp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để làm sáng tỏ nhiều điểm. PGS Khải cũng cho biết là đã báo cáo lại toàn bộ sự việc bằng văn bản gửi lên Bộ GD-ĐT.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết: “Hiện tại Bộ đang quá trình xác minh theo đơn tố cáo. Kết quả đúng, sai như thế nào sẽ được Bộ công bố công khai để xã hội được biết”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn vụ việc này khi có thêm tình tiết mới.

S.H
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.