Hiệu trưởng ĐH Sư phạm: 3 câu hỏi trước khi cho con học tại nhà

Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Hiện nay sinh hoạt cộng đồng là ưu điểm lớn nhất của nhà trường. Bởi vậy trước khi quyết định cho con theo phương thức giáo dục mới, phụ huynh cần cân nhắc 3 câu hỏi. Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ về việc cho con học ở nhà – homeschooling.

Homeschooling đã xuất hiện ở Mỹ và sau đó là ở các nước phát triển khác từ những năm 50-60 của thế kỉ trước. Hiện nay số học sinh tự học ở nhà tại Mỹ khoảng là 2 triệu học sinh, con số này chiếm khoảng 4% số người trong độ tuổi đi học tiểu học và trung học phổ thông ở nước này. Homeschooling tăng với tốc độ chóng mặt trong khoảng 10-20 năm gần đây và nó còn được dự báo sẽ là xu thế học tập giữa thế kỉ XXI. 

Tại Việt Nam trước 1975 có tổ chức cho người tự học thi Tú tài như những thí sinh tự do. Hiện nay một số đơn vị cũng tổ chức cách học tại nhà cho phụ huynh có con muốn theo học trong các trường ở Mỹ sau khi xong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng không phải ai cũng muốn và có điều kiện cho con học kiểu này.

Một đồng nghiệp của tôi là giảng viên một đại học lớn ở Sài Gòn nhưng hiện đang dạy học và định cư ở Mỹ. Con anh sinh ra ở Việt Nam, nhưng sang Mỹ khi bố làm nghiên cứu sinh từ nhỏ nên biết tiếng Việt do vợ chồng anh dạy.

Khi về Việt Nam, gia đình anh đã gặp khó khăn vì cháu đã học xong lớp 2 ở Mỹ nhưng về nước cháu phải học lại lớp 2 vì Tiếng Việt của cháu kém. Gia đình anh lúc đó đã không chọn homeschooling như một hình thức học để tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông ở Mỹ. Một trong những lý do là vì anh chị cũng không có thời gian để dạy con học tại nhà. Tôi không nghĩ môi trường giáo dục của chúng ta có nhiều bất cập nên phải chấp nhận homeschooling.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm: 3 câu hỏi trước khi cho con học tại nhà ảnh 1

Hai bé Đặng Nhật Anh và Đặng Thái Anh ở Tân Bình, TP.HCM học ở nhà (Ảnh: ND)

Tuần rồi, trên truyền hình có đưa tin về một học sinh nữ ở Nhật Bản đã tự tử vì không chịu nổi cách hành xử của bạn bè trên các trang mạng xã hội vì em “nổi trội” hơn các bạn.  

Lựa chọn homeschooling với những trường hợp trẻ khó hòa nhập cũng là một lựa chọn cần thiết nếu có đủ điều kiện như: Cha mẹ có thể hướng dẫn và quản lí việc học của con; Có sự giúp đỡ của các nhà giáo dục; Có những chương trình, sách và tài liệu học tập, hướng dẫn để trẻ có thể tự học với sự hướng dẫn của cha mẹ ở nhà; Phải tạo cho trẻ tham gia vào một cộng đồng để trẻ có thể hòa nhập sau khi học xong chương trình phổ thông mà không gặp phải bất cứ cản trở nào trong việc giao tiếp với cộng đồng, trong việc hợp tác với mọi người.

Tôi nghĩ vấn đề hiện nay là có một khung pháp lý công nhận người học có thể không tới một trường phổ thông cụ thể để học trong các lớp học truyền thống với đầy đủ buổi có mặt tại lớp học, kiểm tra và thi cử, học bạ. 

Song song với đó, các nhà giáo dục trên cơ sở luật pháp công nhận sẽ soạn thảo chương trình phổ thông, xây dựng tài liệu hướng dẫn phụ huynh “kiểm soát” việc học tập của con em mình ở nhà. 

Trẻ em cũng như bố mẹ phải biết lập kế hoạch học tập cho mình với một tiến độ phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp với các trẻ khác và vớ xã hội.

Có cả trăm lí do để người ta chọn homeschooling, trong đó có những lí do tâm lý (trẻ khó hòa đồng), do muốn học tập sau phổ thông ở nước ngoài, do thiếu tin tưởng vào nhà trường, lo sợ con trẻ bị bắt nạt, bị đối xử không công bằng… 

Tuy nhiên, hiện nay sinh hoạt cộng đồng là ưu điểm lớn nhất của nhà trường. Ở đây, đứa trẻ được nhúng vào môi trường khá “đồng nhất”, dễ cảm thông và chia sẻ.

Tôi luôn nghĩ, một trong những đặc điểm của riêng con người là tính cộng đồng. 

Nếu lựa chọn homeschooling, phụ huynh hãy chú ý đến các sinh hoạt cộng đồng của con em mình. 

Tôi cũng không nghĩ ra những thiệt thòi gì của hình thức homeschooling vì nó là một lựa chọn – mà lựa chọn nào chẳng có cái giá của nó. 

Nhưng trước khi để con học tại nhà, phụ huynh hãy tự hỏi mình và con mình, đó có phải là điều cần thiết cho trẻ không? Có phải là lựa chọn tốt nhất không? Hãy hỏi trẻ xem chúng muốn đến trường học hay muốn học ở nhà? Câu trả lời sẽ thuộc về chúng. 

Ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: 

 Homeschooling là hình thức học tập đã xuất hiện nhiều năm nay ở một số nước tiên tiến trên thế giới, nhưng hình thức này vẫn còn xa lạ đối với số đông gia đình người Việt Nam. Mô hình Homeschooling vẫn còn mang tính cá biệt, có thể áp dụng cho một số hiếm hoi gia đình có điều kiện kinh tế tốt và có xu hướng cho con đi du học nước ngoài. Homeschooling chưa có thể là mô hình chung cho nhiều người trong hiện nay và vài thập niên tới.

Hiện nay, giáo dục ở nhà trường vẫn có nhiều ưu điểm. Ngoài chương trình thống nhất, học sinh cùng học với bạn bè là môi trường tốt để trẻ hình thành nhân cách của bản thân mình. Trong thời điểm hiện tại và nhiều thập niên nữa, đưa con đến trường học vẫn là phương án tốt để đại đa số gia đình Việt Nam.

Ở thời điểm hiện nay và vài thập niên tới, giáo dục theo mô hình homeschooling khó có thể phát triển ở Việt Nam vì phụ thuộc nhiều lý do điều kiện kinh tế, cha mẹ có kiến thức, bản thân học sinh phải hết sức tự giác và có tinh thần tự học cao.

Tuy nhiên, nếu mô hình này phát triển, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến ủng hộ hoặc không ủng hộ. Nếu cần thiết, có thể tổ chức các cuộc hội thảo để thu thập ý kiến, từ đó nghiêm túc tiếp thu những ý kiến tốt, kịp thời bổ sung vào nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể triển khai trong thời gian tới. Đồng thời cũng phải có phương án quản lý kịp thời, không nên để phát triển tự phát, không quản lý được.

 Nếu chấp nhận nên cho học sinh tham gia vào các kỳ thi, kỳ kiểm tra cuối cấp học trên tinh thần người học có thể chọn phương thức học tập phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người, nhưng phải tham gia kỳ thi chung để được cấp bằng tốt nghiệp thống nhất theo quy định chung.

 Đối với các gia đình có ý định chọn mô hình homeschooling cần cân nhắc kỹ cái được, chưa được và xác định rõ mục đích trước khi chọn mô hình này. Ngoài ra, có thể phối hợp giữa việc cho con đến trường học, kết hợp với việc dành nhiều thời gian đầu tư cho việc giáo dục con bằng cách phối hợp tốt, chặt chẽ hơn với nhà trường.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG