Hiệu trưởng Harvard nói về cuộc chiến tại Việt Nam

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Ðại học Harvard trao đổi với báo chí.
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Ðại học Harvard trao đổi với báo chí.
TP - “Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn – và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi – đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970” - Giáo sư Drew Gilpin Faust, nữ Hiệu trưởng thứ 28 của Ðại học Harvard đã nói như thế trước gần 1.000 sinh viên Ðại học KHXH và Nhân văn TPHCM trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam vào giữa tháng 3 vừa qua..

Chiến tranh đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi

Chia sẻ với sinh viên Việt Nam, Giáo sư Drew Gilpin Faust nói: “Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8.000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Ðiện Biên Phủ, Vịnh Bắc bộ, Ðà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua”. Bà Faust cho biết, trước khi trở thành hiệu trưởng Ðại học Harvard, bà là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm. Vì vậy, bà đã chọn trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam trong chuyến thăm lịch sử này. “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”, bà Faust nói.

Nói về quá khứ, bà Faust cũng là sinh viên học và trưởng thành trong những năm 1960, đó cũng là thế hệ rất quan tâm đến vấn đề chính trị và từng tham gia trực tiếp các hoạt động phản chiến… Thanh niên trai tráng trong thế hệ bà đã phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan vừa bất chính. “Ðối với lớp phụ nữ trẻ như tôi thời bấy giờ, tình thế tiến thoái lưỡng nan đỡ mang tính trực diện cá nhân hơn, nhưng nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nền dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi”, bà Faust nhớ lại.

Nữ hiệu trưởng này cũng cho biết thêm, ở Harvard, hằng năm cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ tựu trường để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ. Tại đây, các thành viên của khóa 1967 – cả nam và nữ – sẽ dành một phần thời gian để cùng nhau tưởng nhớ lại cách thức cuộc chiến đã định hình những tháng năm đại học của họ, và thảo luận xem “Chiến tranh Việt Nam” đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao. “Tôi không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ, và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu”, bà Faust kể.

Bà Faust cho rằng, hậu quả chiến tranh là tàn phá - con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm sâu trong tâm hồn, thậm chí của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt. “Ðó là vì sao cuộc nội chiến Mỹ và cái giá to lớn của nó tiếp tục ảnh hưởng đến các tranh luận của chúng tôi ngày nay. Ðó là vì sao các thành viên Harvard niên khóa 1967, các ông bà nay đã ở độ tuổi 70, cảm thấy sự cấp thiết phải đối diện với những kinh nghiệm từ hơn năm thập kỷ trước, những ký ức của một thời khi Việt Nam đòi hỏi họ phải định nghĩa chính họ và quốc gia của họ. Ðó là vì sao tôi hết sức vui mừng, cuối cùng cũng đã được đặt chân đến đất nước các bạn, bởi tôi cũng cùng thế hệ với họ”, bà Faust nói.

Theo nữ hiệu trưởng này, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó. “Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh.Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”, bà Faust nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Harvard nói về cuộc chiến tại Việt Nam ảnh 1 Lãnh đạo ÐHQG TPHCM tặng hoa cho nữ Hiệu trưởng đại học Harvard.

Dành cả cuộc đời để chứng minh “mẹ đã hiểu sai về phụ nữ”!

Chia sẻ về cuộc đời của mình, nữ hiệu trưởng trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới cho biết, lúc còn trẻ bà đã khiến ba mẹ mình “đau đầu” về những suy nghĩ vượt mọi định kiến của xã hội về phụ nữ.

Nữ Hiệu trưởng của Ðại học Harvard chia sẻ rằng, bà xuất thân trong gia đình rất truyền thống có thể nói là bảo thủ, bảo thủ kể cả ở mặt chính trị và thái độ về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Là con gái nhưng lúc trẻ tuổi bà thường hay có ý kiến, thậm chí từ năm 2 tuổi đã làm cho ba mẹ bà “đau đầu”. Thời đi học, bà đã tham gia 2 phong trào lớn ở bên Mỹ, đó là phong trào phản chiến và phong trào giành quyền lợi dân sự cho người Mỹ gốc Phi.

“Mẹ tôi qua đời vào năm 1966 nên rất tiếc bà đã không thể biết tôi đã từng làm cho người ta “đau đầu” như thế nào. Mẹ tôi từng bức xúc và nói với tôi rằng “Con phải biết đó là thế giới của đàn ông, con biết điều đó để cuộc sống thoải mái hơn. Và sau khi mẹ nói điều đó, tôi đã dành cả cuộc đời để chứng minh với mẹ rằng bà đã nghĩ không đúng”, nữ hiệu trưởng Harvard kể lại.

Mẹ bà lại càng không thể tin được rằng con gái mình sau này đã trở thành người đứng đầu một trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới với những thành tích ấn tượng. Bà Faust theo học tại Viện Concord ở Massachusett, nhận bằng đại học danh dự về sử học từ trường Bryn Mawr vào năm 1968, bằng thạc sĩ vào năm 1971 và bằng tiến sĩ vào năm 1975 tại Ðại học Pennsylvania với đề tài nghiên cứu về nền văn minh Hoa Kỳ. Bà là Giáo sư Sử học danh hiệu Lincoln của Trường Khoa học và Nhân văn thuộc Ðại học Harvard.

Ngoài ra, bà Faust còn là Chủ tịch Hội sử học miền Nam, Phó chủ tịch Hội sử học Hoa Kỳ, Ủy viên ban điều hành Tổ chức các nhà sử học Hoa Kỳ và Hội các nhà sử học Hoa Kỳ. Giáo sư Faust cũng là ủy viên của nhiều ban biên tập và tuyển chọn bao gồm Ban Giám khảo về lịch sử cho giải thưởng Pulitzer vào các năm 1986, 1990 và 2004.

Hiệu trưởng Harvard nói về cuộc chiến tại Việt Nam ảnh 2 Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ÐH Harvard.

Muốn thêm nhiều sinh viên Việt Nam đến với Harvard

Giáo sư Drew Gilpin Faust cho biết bà rất vui mừng nếu tỷ lệ du học sinh Việt Nam ở Harvard tăng trong thời gian tới. “Tôi cũng rất mong rằng các em sẽ nghĩ đến Harvard khi có dự định du học, kể cả cấp đại học lẫn sau đại học. Các em được nhận học tại Ðại học Harvard sẽ được xét cấp học bổng bình đẳng. ÐH Harvard hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa sinh viên Mỹ và sinh viên nước ngoài”, Giáo sư Faust khẳng định. Theo bà, hiện có 16 sinh viên mang quốc tịch Việt Nam theo học tại các trường thành viên thuộc ÐH Harvard.

Với những hoạt động đã diễn ra trước đây giữa Ban lãnh đạo Ðại học Quốc gia TPHCM, ÐH KHXH&NV, người đứng đầu đại học Harvard nói: “Hai bên đã có những trao đổi về khả năng và cơ hội hợp tác trong tương lai, không chỉ giữa những học giả của ÐH Harvard đang nghiên cứu về Việt Nam mà cả những học giả, nhà khoa học đang nghiên cứu về những chủ đề, lĩnh vực liên quan đến Việt Nam”.

Nói về chuyến thăm của hiệu trưởng trường ÐH Harvard, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, hai trường đã thống nhất hợp tác hai vấn đề, đó là Nghiên cứu Ðồng bằng sông Cửu Long và phát triển bền vững dưới góc độ Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu về Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay, đồng thời tiếp tục duy trì chương trình học bổng hiện nay giữa hai trường...

“Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”.

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ÐH Harvard

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.