Hình như xã hội chưa mấy quan tâm đến lịch sử

Hình như xã hội chưa mấy quan tâm đến lịch sử
Đó là đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trước “bi kịch” điểm thi ĐH môn Sử năm nay thấp đến mức bàng hoàng.

Ông có suy nghĩ gì trước tình trạng điểm thi môn Sử của nhiều trường ĐH năm nay quá thấp?

Sở dĩ hiện tượng môn thi Sử đại học năm nay có sự “nổi cộm”, gây sự chú ý, và có phần làm xã hội lo lắng là do các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải khá đậm trong thời gian qua, nhất là ý kiến của những thầy, cô giáo trực tiếp chấm.

Đương nhiên, vấn đề này còn được “tô đậm” qua những câu chuyện trong bài thi môn Sử của thí sinh mà người ta thường nói là “cười ra nước mắt”. Nhưng, tôi cũng đã tìm hiểu, xem năm nay điểm thi môn Sử có phải là sự “đột biến” hay không và được biết rằng, chất lượng môn Sử các năm khác cũng tương tự như vậy.

Có điều, thông tin những năm trước được đưa ra công chúng, xã hội như thế nào mà thôi. Đây là câu chuyện kéo dài và xã hội đã báo động từ rất lâu về những khiếm khuyết trong kiến thức lịch sử của giới trẻ.

Nhưng cũng cần phải nói thêm, đứng trước tình trạng đó xã hội không phải không quan tâm đến việc khắc phục. Bằng chứng là, trong thời gian gần đây chúng ta đã đưa tri thức lịch sử vào trong nhiều sân chơi dành cho giới trẻ, rồi các NXB đã rất nỗ lực tìm phương thức truyền tải lịch sử bằng các hình thức khác nhau, bước đầu đi vào đời sống…

Không ít cuộc vận động xã hội đề cập đến vấn đề lịch sử. Ngay như Bộ GD-ĐT cũng đã quan tâm đến công tác biên soạn lại bộ sách giáo khoa Lịch sử. Và trong thời gian sắp tới sẽ có cuộc vận động sáng tác tranh truyện lịch sử gắn với nội dung sách giáo khoa.

Có thể nói, xã hội không phải không nhìn ra vấn đề hoặc không cố gắng tìm ra những giải pháp khắc phục nó. Nhưng, vì sao chưa có được chuyển biến tích cực mà bằng chứng thể hiện rõ trong kỳ thi đại học vừa qua?

Tìm ngay ra câu trả lời, hoặc nêu ngay ra một lý do nào đó theo tôi có lẽ hơi võ đoán, nhưng có một điều chắc chắn rằng và đấy chính là câu hỏi được dư luận xã hội quan tâm, đó là giới trẻ có quay lưng lại với lịch sử hay không?

Tôi tin rằng, giới trẻ không quay lưng lại với lịch sử, mặc dù giới trẻ ngày nay có nhiều bức xúc với đời sống, nhu cầu đào tạo, lập nghiệp của mình.

Ông có quá lạc quan không?

Tôi nói ở đây được xuất phát từ thực tế. Có một bằng chứng, ngay tại thời điểm này, trong khi môn Sử bị điểm thấp một cách bi đát như thế thì tại sao lớp trẻ lại phản ứng một cách tích cực và hào hứng với cảm xúc rất mạnh mẽ khi chúng ta công bố hai cuốn hồi ký của hai con người thuộc thế hệ trước là cô Đặng Thuỳ Trâm và anh Nguyễn Văn Thạc. Tại sao giới trẻ lại có sự quan tâm mãnh liệt đến như thế?

Vậy thì, vấn đề điểm môn Sử thấp lại nằm ở chỗ khác, nó cũng nằm chung trong tổng thể xã hội mà thôi. Khi ta trách giáo dục, khi ta trách tai nạn giao thông, khi ta trách môn sử… thì cũng nên nhìn lại mặt bằng của xã hội.

Nếu vậy, điểm Sử năm nay thấp và các năm trước nữa không thuộc trách nhiệm về một ai?

Tôi cho rằng, trách nhiệm là của chung xã hội. Tuy nhiên, cũng đừng nhìn điểm Sử để quá hốt hoảng. Bởi vì tôi cũng đã từng đọc những thông tin, có những nước có trình độ giáo dục phát triển nhưng học sinh nước họ cũng không phân biệt nổi những sự kiện lịch sử.

Đấy chỉ là những hiện tượng để chúng ta cố gắng điều chỉnh nó, và phải làm sao biến lịch sử thành nhu cầu của đời sống xã hội, nhu cầu của bản thân con người.

Thứ nữa, cần có phương thức chuyển tải lịch sử phù hợp. Nếu các bạn sang một số nước, đều thấy ở đâu cũng mang dấu ấn lịch sử, lịch sử của bóng dáng con người. Còn chúng ta thường dạy học trò lịch sử vô nhân xưng, rất chung chung, toàn là những ý niệm, biểu tượng mà ít thấy bóng dáng con người.

Chúng ta lo lắng là rất đúng, nhất là vào thời điểm đang hội nhập mạnh mẽ này, trong thời điểm giới trẻ đang bị bao quanh bởi những bức xúc thực tế do cuộc sống đặt ra mà sẵn sàng kéo họ ra khỏi mối quan tâm của lịch sử của dân tộc. Muốn giải quyết vấn đề này cần phải giải quyết một cách có hệ thống.     

Khi biết điểm Sử năm nay thấp như vậy, với tư cách là Tổng Thư ký Hội KHLSVN, ông có buồn không?

Buồn chứ! Tôi rất suy nghĩ và thậm chí chịu những sức ép vì trách nhiệm của mình. Bởi Hội của chúng tôi có trách nhiệm làm cho người dân yêu lịch sử hơn, quý lịch sử, gắn bó với lịch sử hơn ngoài việc thuần tuý là nghề nghiệp.

Hơn thế nữa, những người làm Sử cũng phải chịu trách nhiệm một phần trước thực trạng này. Tại sao chúng ta chưa mang lại cho học sinh, cho giới trẻ một tri thức lịch sử đủ sức hấp dẫn. Nhất là trong Hội chúng tôi có Hội Giáo dục lịch sử và các thành viên trong Hội chúng tôi phải suy nghĩ việc này.

Tôi tin rằng trong thời gian sắp tới sẽ có những cải thiện, nhưng tôi cũng nói lại ở đây, hình như xã hội chưa mấy quan tâm đến lịch sử.

MỚI - NÓNG