Học ca ba ở trung tâm thành phố

Học ca ba ở trung tâm thành phố
TP - Ngay tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), trung tâm của một tỉnh công nghiệp sầm uất, nhiều học sinh tiểu học đang phải học ca ba vì thiếu trường, thiếu lớp.

Trường khéo xoay xở để học sinh không phải học ca ba thì sĩ số lên đến trên dưới 60 em trong khi theo quy định là không quá 35 em/lớp.

Học ca ba ở trung tâm thành phố ảnh 1
Một lớp học ca hai (vào buổi trưa) ở Trường Tiểu học Trảng Dài. Ảnh chụp ngày 9/9/2009. Ảnh: Đức Minh

Mẹ làm ca sáng đưa con học ca ba

Sáng sớm, chị Hoàng Thị Kim cố giục đứa con trai ăn cơm cho no bụng. Đến 6giờ 30 giờ sáng, vợ chồng chị Kim đã  chở con đến cổng trường Tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Mua thêm nắm xôi nhét vào cặp và dặn dò con đôi điều, vợ chồng chị phóng xe vội vã đến nhà máy làm việc.

Còn bé Duy, con trai chị vào sân trường chơi ở ghế đá, hoặc qua nhà văn hóa phường Trảng Dài ở cạnh trường chơi hoặc xem lại bài vở, đợi đến 10 giờ trường vào ca hai, thằng bé vác cặp vào lớp. Gói xôi mẹ mua ban sáng là phần ăn trưa của thằng bé.

Đến 14 giờ, bé Duy tan học, lại vác cặp ra ghế đá ngồi, để nhường chỗ cho lớp học khác bước vào ca học thứ ba. Lại lang thang qua nhà văn hóa, đợi đến hơn 17 giờ thằng bé được mẹ tan ca đến đón về nhà.

Chị Kim kể, nhà cả hai vợ chồng đều làm công nhân, trong khi đó trường lại học ba ca không thể nào sắp xếp được thời gian đưa đón con cho hợp lý, mà Duy mới học lớp ba, không thể để nó một mình ở nhà được.

Có con học lớp 4, học vào ca thứ ba, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, chị Thanh - một phụ huynh cũng có con học ở trường Tiểu học Trảng Dài, thường phải nấu cơm để lại. Đến trưa, con gái chị tự xoay xở ăn uống và đi học đến hơn 18 giờ trời tối mịt con bé mới về đến nhà.

Không chỉ học ba ca, tại trường Tiểu học Trảng Dài sĩ số tại các lớp đều rơi vào quá tải với mỗi lớp có từ 55 đến 60 học sinh.

Dẫn chúng tôi tham quan các lớp học vào ca trưa, thầy Thái Bình Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trảng Dài bảo: “Giáo viên nào dạy lớp có sĩ số 55 em là mừng rồi. Dạy và học trong điều kiện như thế này, chúng tôi chỉ biết động viên giáo viên đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình chứ không thể đòi hỏi hơn được”.

Giữa buổi trưa, dù cô giáo đã cố gắng điều hành lớp, nhưng ở vài lớp học có nhiều học sinh đã ngáp ngắn, ngáp dài. Thầy Minh nói cũng không thể trách các em được, khi vào giờ nghỉ ngơi các em phải ngồi học từng con chữ.

Có 22 phòng học, trong khi số học sinh năm học 2009 - 2010 của trường Tiểu học Trảng Dài là 2.878 học sinh, không cách nào hơn trường Trảng Dài đành phải chọn giải pháp học ca ba.

Thầy Minh cho biết, nhà trường buộc phải xin mở 20 lớp ca ba để giãn sĩ số học sinh, nhưng phòng giáo dục chỉ đồng ý cho 10 lớp học ca ba, bởi vậy sĩ số học sinh các lớp vẫn quá tải.

Không ca ba thì dồn lớp

Không phải học ca ba vì mượn được ba phòng học ở trường cấp hai để giải quyết được sáu lớp, nhưng trường Tiểu học Phan Đình Phùng ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cũng đang rơi vào tình trạng quá tải với mỗi lớp từ trên 50 đến 60 học sinh.

Ông Đoàn Kim Long, Hiệu trưởng trường TH Phan Đình Phùng cho biết: “Dự kiến năm học này trường có 1.960 học sinh. Thế nhưng, đến thời điểm này toàn trường đã có đến 2.165 em, tăng hơn 200 em trong khi đó trường chỉ có 18 phòng học, trong số đó có sáu phòng không đúng quy cách và đã xuống cấp”.

Theo thầy Long, khổ nhất là các giáo viên lớp 1, học sinh đông, cô giáo không thể bao quát hết. Để kèm cặp cho từng em, giờ ra chơi các cô lại phải chấm bài, chỉ dẫn thêm cho các em và mỗi cô phải sắm thêm micro để điều hành lớp.

Với diện tích trường chỉ hơn 2.000m2, trong đó trường lớp và diện tích cây xanh, công trình vệ sinh đã chiếm hơn hai phần ba nên diện tích sân trường không đủ cho học sinh học tập thể dục, do vậy trường Phan Đình Phùng đành chia thời gian xen kẽ cho học sinh tập thể dục.

Ở ngay trung tâm TP Biên Hòa là trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức. Đây là trường có quy mô học sinh đông nhất TP.Biên Hòa. Trường này nhiều phụ huynh tìm cách đưa con vào học được xem là chất lượng cao nên áp lực quá tải ngày càng tăng. Năm học 2009 - 2010, trường Trịnh Hoài Đức có đến hơn 2.800 học sinh với 48 lớp.

Cô Huỳnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu phó nhà trường cho biết, các khối 3, 4, 5 trung bình 56-58 học sinh/lớp, nhưng ở các khối 1 và 2, sĩ số trên 60 học sinh/lớp. Có lớp 1 đến 65 học sinh/lớp.

Lý giải về tình trạng trường lớp quá tải ở phường Trảng Dài và phường Long Bình, các ngành chức năng ở TP. Biên Hòa cho rằng  do ở hai phường này dân số tăng cơ học quá nhanh. Tuy nhiên, thầy Thái Bình Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trảng Dài, cho rằng các ngành chức năng không thể đổ lỗi cho điều này.

Trường Tiểu học Trảng Dài xây dựng đã 10 năm  có quy mô cho 400 học sinh, đến nay trường đã có trên 2.800 học sinh nhưng, cách đây hai năm, TP.Biên Hòa mới xây thêm được sáu phòng học.

Thầy Minh cho biết, từ năm 2005 đến nay, năm nào hiệu trưởng cũng có công văn đề nghị xây thêm phòng học, học sinh thì tăng mỗi năm 300 - 400 em, nhưng trường lớp thì không được xây dựng.

Còn ông Đoàn Kim Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Phùng cho biết dự án xây thêm phòng học cho trường đã có từ năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai”.  

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.