Học cử tuyển được địa phương phân công công tác

Học cử tuyển được địa phương phân công công tác
Đó là một trong những nội dung mới của nghị định vừa được Chính phủ ban hành về chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp.
Học cử tuyển được địa phương phân công công tác ảnh 1
Ông Ngô Kim Khôi. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Liệu qui định mới này có thể giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay của chế độ cử tuyển, như tình trạng tuyển không đúng đối tượng, người học không trở về địa phương hoặc không được sử dụng sau khi tốt nghiệp...?

Chúng tôi đã trao đổi với ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Đại học & Sau Đại học, Bộ GD - ĐT. 

Theo đánh giá của ông Khôi, cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số.

Do yêu cầu đó nên điều quan trọng nhất đối với cử tuyển là phải thực hiện đúng đối tượng và sử dụng có hiệu quả người được cử đi đào tạo.

Cụ thể về phía người học, qui định về cử tuyển vào đại học, cao đẳng có gì mới so với trước đây, thưa ông?

Theo qui định mới, tỉ lệ người Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% tổng chỉ tiêu, giảm so với tỉ lệ 20% trước đây. Như vậy, chỉ tiêu cử tuyển dành cho con em người dân tộc sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, vùng tuyển được mở rộng hơn đối với con em các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Trong qui định trước đây có một điều kiện là người được cử tuyển phải tốt nghiệp THPT chưa quá ba năm, tính đến thời điểm tuyển sinh. Nhưng qui định mới đã bỏ điều kiện này, chỉ yêu cầu đối tượng cử tuyển vẫn nằm trong độ tuổi không quá 25.

Theo tôi, điểm quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến người học trong qui định mới về cử tuyển chính là qui định về việc tiếp nhận, phân công công tác và bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nếu không thực hiện sự phân công công tác.

Từ nay, người đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp đương nhiên sẽ được địa phương tiếp nhận và phân công công tác. Trước khi đi học, người học phải có cam kết.

Nếu sau khi tốt nghiệp không thực hiện đúng cam kết, không tuân theo sự phân công công tác của địa phương sẽ phải bồi hoàn toàn bộ học bổng chính sách đã được nhận và chi phí đào tạo trong suốt thời gian học.

Nhưng thưa ông, thực tế thời gian qua không ít trường hợp được cử tuyển học đại học, cao đẳng nhưng khi trở về địa phương đã không được phân công công tác hoặc giao việc không đúng chuyên môn đã được đào tạo?

Để không xảy ra tình trạng không bố trí được việc hay việc không đúng chuyên môn, ngay từ đầu  UBND các tỉnh thành có trách nhiệm căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của địa phương mình để đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, đào tạo.

Sau khi chỉ tiêu được phê duyệt, UBND tỉnh cũng là đầu mối chịu trách nhiệm đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục. Kinh phí đào tạo cử tuyển cũng do UBND các tỉnh thành chi trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục, học bổng chính sách cho người học theo chế độ cử tuyển do ngân sách địa phương cấp trực tiếp cho người học.

UBND các địa phương có người đi học cử tuyển còn phải có trách nhiệm phối hợp với cơ sở đào tạo để quản lý người học cử tuyển trong suốt quá trình đào tạo.

Chính vì vậy, việc phân công công tác và thu hồi chi phí đào tạo, học bổng của những đối tượng không thực hiện đúng cam kết do UBND tỉnh chịu trách nhiệm sẽ khả thi hơn.

Người được hưởng chế độ cử tuyển phải là công dân thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh, ưu tiên xét cử tuyển đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Để được hưởng chế độ cử tuyển, đối tượng phải đạt các tiêu chuẩn: tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp nếu được cử tuyển vào đại học, cao đẳng và tốt nghiệp THCS hoặc THPT đối với đối tượng được cử tuyển vào trung cấp, xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp hoặc xếp loại rèn luyện cuối khóa đạt loại khá trở lên, xếp loại học tập năm cuối cấp hoặc cuối khóa đạt trung bình trở lên đối với người dân tộc thiểu số và đạt loại khá đối với người dân tộc Kinh. Đồng thời không quá 25 tuổi, không thuộc biên chế nhà nước.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.